Người Việt Odessa
Khoa học - Công nghệ

Hàng nghìn người quan sát nhật thực một phần ở Việt Nam

Thứ hai, 22/06/2020 | 04:43
Đúng 14h55 ngày 21/6, nhật thực đạt cực đại ở Hà Nội Mặt Trời bị che khuất tới 71%. Tại các điểm TP HCM, Hưng Yên... hàng nghìn người tập trung quan sát.

Tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) phối hợp với Cộng đồng vật lý thiên văn tại Hà Nội tổ chức Ngày hội Vũ trụ 2020 với hoạt động quan sát nhật thực thông qua kính thiên văn và kính lọc mặt trời chuyên dụng.

Có 600 người tham gia tại điểm cầu này gồm các học sinh, sinh viên, phụ huynh và các câu lạc bộ vật lý thiên văn của các trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Tại đây thời tiết rất thuận lợi cho việc quan sát. Nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16, đạt cực đại lúc 14h55 với tỷ lệ che phủ tới 71%.

Hàng nghìn người quan sát nhật thực một phần ở Việt Nam

Mặt Trời bị che khuất 71% ở thời điểm 14h55. Ảnh: Tuấn Dương.

TS Phan Thanh Hiền, Giảng viên, Nghiên cứu viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH), Trưởng ban tổ chức cho biết, sự kiện được kết nối các điểm cầu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TPHCM, Nha Trang, Đồng Nai... Việc tổ chức sự kiện với mong muốn giúp các bạn yêu thiên văn có thể hình dung trực quan về vị trí các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Bình thường việc quan sát rất khó khăn vì chúng ta đang đứng ở Trái Đất để nhìn ra vũ trụ.

Hiện tượng nhật thực là minh chứng rõ ràng nhất để thấy Mặt Trăng đi phía trước Mặt Trời và dần che khuất Mặt Trời. Từ đó các bạn có thể hình dung trong hệ Mặt Trời như thế nào, vì sao vị trí của chúng ta chỉ quan sát được hơn 71% độ che phủ mà không phải là toàn phần hay hình khuyên.

TS Hiền cho biết, "ở các điểm cầu khác nhau sẽ cùng chụp ảnh nhật thực một phần, tại cùng thời điểm ở mỗi địa phương độ che phủ sẽ khác nhau. Sự khác biệt này sẽ giúp các bạn đoán được khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng là bao nhiêu".

Hàng nghìn người quan sát nhật thực một phần ở Việt Nam

Học sinh quan sát ảnh thu từ phễu lọc qua kính thiên văn tại Hà Nội. Ảnh: HM.

Tại TP HCM thời tiết không thuận lợi cho việc quan sát do có cơn mưa, khiến lượng mây dày trên bầu trời. Theo tính toán ở TP HCM độ che phủ Mặt trời khi cực đại chỉ đạt 36%.

"Các thành viên khắp cả nước cùng quan sát và ghi lại hình ảnh nhật thực và chia sẻ trực tiếp nơi quan sát được lên qua mạng cho nhau. Có như vậy những nơi nào đang bị mây mù che phủ vẫn xem được nhật thực ở nơi khác. Tuy vậy vào thời điểm khoảng 15h khi nhật thực đạt cực đại chỉ xem được ở Quy Nhơn, Hải Dương, Hà Nội", Nguyễn Anh Tuấn Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP HCM cho hay.

Hàng nghìn người quan sát nhật thực một phần ở Việt Nam

Tại điểm quan sát nhật thực ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tại Đà Nẵng, nhật thực bắt đầu lúc 13h15 và kết thúc lúc 16h20. Ở điểm quan sát này thời tiết tốt, trời quang mây, nắng, nóng nhưng vẫn thu hút hàng trăm người quan tâm. Câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng đã chuẩn bị kính chuyên dụng, chiếu lỗ pin, tấm phim lọc mặt trời...để phục vụ người xem.

Anh Doãn Tuấn Dương, Đài thiên văn Hưng Yên cho biết, ở điểm cầu Hưng Yên, nhật thực bắt đầu lúc 13h16. Ban đầu thời tiết hơi có mây nhưng vẫn có thể quan sát tốt. Đến thời điểm cực đại, tại điểm này cũng quan sát được Mặt Trời che khuất tới 71%.

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời nhưng không ở khoảng cách đủ gần với hành tinh của chúng ta để bị che khuất hoàn toàn, để lộ vòng tròn mỏng của đĩa Mặt Trời hay còn gọi là "vòng lửa". Sự kiện này cứ 1 - 2 năm lại diễn ra và chỉ có thể quan sát ở phạm vi hẹp từ Trái Đất. Nhật thực hôm nay diễn ra trùng với hạ chí, ngày dài nhất ở bắc bán cầu khi cực Bắc của Trái Đất nghiêng về phía Mặt Trời nhiều nhất.

 vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN