Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Xuân về, nhớ quê hương

Thứ sáu, 11/01/2019 | 12:34
Năm 2019, đến với nhân loại trên toàn thế giới, với nhân dân ta cùng kiều bào ở hải ngoại, trong đó có cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ucraina, mang theo niềm tin và sức sống mới cho mọi người để rồi, vào giây phút thiêng liêng giao thời, chuyển mình sang năm mới, con tim ai nấy đều bồi hồi xao xuyến nhớ về cội nguồn với bao kỷ niệm xưa vẫn còn nhớ mãi.

Nhớ nhà da diết, tôi viết mấy dòng tâm sự này, thiết tha mong “Người Việt Odessa” truyền tải đến bạn đọc gần xa: Ký ức về miền quê của đứa con quá nửa đời người phiêu bạt nơi xứ người.

Đất Tổ

“… Cho đến bây giờ con vẫn còn nuối tiếc, ngày đang sống ở Hà Nội, chưa một lần đến thăm Đền Hùng để chiêm ngưỡng đất Tổ, để thắp nén hương thành kính vái lạy cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã sinh ra chúng con – muôn triệu người như một, góp sức chung lòng xây dựng, mở mang bờ cõi tỏa khắp nơi mọi chốn làm giàu cho tổ quốc.

Nhiều năm xa đất Tổ, xa miền quê với bao nỗi nhớ niềm thương. Nhiều đêm trằn trọc suốt năm canh, bật dậy thắp mấy nén nhang khóc thầm nhớ tổ tiên, mong vơi đi đôi chút. Nhưng trái tim càng se lại, lòng càng rối bời thêm khi chợt nghĩ, biết ngày nào được trở về phương Nam thăm đất Tổ Đền Hùng.”

Lăng Bác

… Ngày cuối cùng con xa Hà Nội, quảng trường Ba Đình có lễ đài. Mấy năm sau gặp dịp may trở về cố đô thăm Ba Đình. Nơi đây nhân dân cả nước đã dựng lên Lăng hoành tráng mang tên Bác cùng dòng người từ năm châu bốn biển, từ bốn phương trời của đất nước, con vào Lăng viếng Bác mà lòng dạt dào tình yêu thương Người. Bác năm đó, thanh thản trong giấc ngủ yên lành sau những năm bôn ba nơi hải ngoại tìm đường cứu nước. Rồi chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiếp đến là những tháng ngày đằng đẵng chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày đất nước thống nhất một nhà, Bác đã ra đi không kịp thấy những ước mơ của mình về một đất nước tự do, độc lập đã được thực hiện. Nhân dân Miền Nam ân hận, nuối tiếc hoài chưa một lần được đón Bác vào thăm.

Lần thăm Bác vào mua Thu tháng Tám năm ấy, chúng con sát cánh bên nhau đứng lặng người trên quảng trường rộng lớn cùng nhau hướng về lăng Bác, ngỡ mình như đang hòa vào dòng người năm 1945. Nghe giọng Bác ấm áp, sang sảng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Gió dường như lặng im, chim muông trong các vòm cây tưởng như ngừng ríu rít để lắng nghe tiếng Người. Và, lúc ấy, mặt trời lung linh, sáng ngời ngôi sao vàng năm cánh.

Ai chưa một lần đến thăm lăng Bác, hãy quy tụ về đây để củng cố niềm tin, để sưởi ấm tấm lòng bởi cuộc đời thanh bạch và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ: “Cả cuộc đời vì nước vì dân”.

Mảnh đất này!

… Nếu tôi nhớ không nhầm thì mảnh đất nối liền đại lộ Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt – nằm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao là nấm mộ chung, chôn cất những chiến sỹ vô danh, hy sinh vào những ngày đầu Tổng khởi nghĩa cách mạng mùa Thu tháng Tám. Các anh nằm lại nơi đây, và cho đến bây giờ có ai đâu biết tuổi đời, chức vụ, quê quán các anh. Có chăng, nơi anh nằm trong Đất Mẹ trường tồn mới nhận ra sự cao cả, linh thiêng ấy.

Thuở nhỏ, những lúc qua đây tôi thường dừng lại. Đôi mắt tuổi thơ đau đáu nhìn vào khoảng đất xanh màu cỏ mà tưởng tượng, mà đau nhói con tim, mà nhức nhối tấm lòng.

Qua đi nhiều năm xa nhà, gặp gỡ đôi người từ Hà Nội sang thăm hỏi, tiếc thay không phải ai cũng biết rõ nơi đó là đâu! Nên chi, khi nhắc tới mảnh đất này, âu cũng là để nhắc lại mọi người cùng tôi nhớ lại một thời oanh liệt của cha anh thuở trước để biết ơn, để trân trọng tự hào.

Mẹ của con

Dù có qua đi bao tháng năm, có sống xa quê hương đất nước vạn dặm đường. Nhưng dễ mấy ai quên được câu ca dao thấm đậm tình mẫu tử: Miệng con chúm chím xinh xinh/ Thương con từ khi thai nghén trong lòng/ Thương con mẹ mỉm miệng cười/ Hỡi hời ru hời ơi hời ru… Và, lời ru êm dịu của mẹ: Con ơi con ngủ cho ngoan.

Vâng, mẹ yêu quý của con. Chúng con luôn hiểu sâu sắc rằng: Để làm được tất cả những gì cần thiết cho đứa con “mang nặng đẻ đau”, mẹ tần tảo sớm hôm ngược xuôi kiếm sống, mong cho con mau khôn lớn trưởng thành.

Sống trong khung cảnh gia đình hạnh phúc hôm nay, chúng con càng thương nhớ mẹ nhiều, những mong có dịp về quê phụng dưỡng mẹ để báo nghĩa đền ơn công nuôi dưỡng sinh thành.

Trong thế gian mênh mông này, thử hỏi cái gì có thể so sánh bằng tình mẹ dành cho con, có gì ngọt ngào bằng dòng sữa mẹ, có gì xáo động hơn lòng ta luôn xốn xang, day dứt về quê với mẹ - Bà mẹ Việt Nam.

Tình của tuổi thơ

… Quê tôi làng Kim Liên, nhưng sinh ra và lớn lên ở phố Khâm Thiên. Và những ai gốc như vậy, người đời đặt cho một cái tên khá trìu mến: Người Hà Nội.

Ngõ Hồng Công, nằm trong ngõ Thổ Quan (cạnh rạp chiếu bóng Dân Chủ) của chúng tôi là một xóm nhỏ thuần người “buôn thúng bán mẹt” và những viên chức người từ thời thuộc Pháp để lại. Thường ngày, hàng xóm láng giềng chỉ thoáng gặp nhau, thăm hỏi đôi lời vào lúc ban mai hoặc chiều hôm. Vội vã tất bật đây đó, như thấm đậm tình người lao động. Đặc biệt lớp trẻ chúng tôi, ra đời trên mảnh đất đó, khi lớn lên mỗi người đi mỗi ngả, mỗi chỗ đứng riêng trong xã hội nhưng thương nhớ nhau vô vàn. Nhớ những lúc cắn chung nhau một que kem, chia nhau từng miếng bánh nhỏ hoặc cãi nhau hoặc khi đánh khăng, chơi đáo lỗ. Riêng tôi, cái xóm nhỏ nghèo ấy còn giữ mãi một nỗi buồn man mác của một thời nông nổi về mối tình thầm kín “chỉ từ phía tôi” chấm dứt khi được tin em lấy chồng, lòng bồi hồi xao xuyến. Ở bên này, mỗi lần trời đổ mưa tôi chợt nhớ ngày cuối cùng xa Hà Nội, tôi đứng bên em dưới hàng hoa phượng đỏ. Trời bỗng nổi gió. Một áng mây đen phủ kín ánh trăng. Em thì thầm bên tai tôi: “Một giọt nước mưa rơi vào cổ áo em…”.

Thay lời kết. Qua đi những tháng năm xa nhà, tôi luôn nhớ về miền quê – nơi ta sinh ra lớn lên và trưởng thành bằng giọt sữa ngọt ngào của mẹ - bà mẹ Việt Nam. Nhất là vào những ngày Tết đến Xuân về…

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharov Tháng 01/2019


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN