Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Vượt biên - Miền đất hứa hay địa ngục trần gian!!!

Thứ bảy, 29/12/2018 | 11:31
Ban biên tập Người Việt Odessa nhận được bài viết của anh Nguyễn Hùng Long - Kiev kể về hành trình vượt biên tìm miền đất hứa của người Việt, xin chia sẻ để bạn đọc hiểu hơn về quá trình này. Qua đó cũng nhắc nhở, cảnh tỉnh những ai có ý định vượt biên trái phép.

Năm 2018, dòng người vượt biên sang Châu Âu, lấy Ucraina làm nơi trung chuyển rất lớn và cũng là nơi trại tỵ nạn tràn ngập người Việt, đa số là người Miền Trung, số lượng lớn nhất là dân Nghệ An. Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ucraina đã hỗ trợ hết sức để bảo vệ quyền công dân và tạo điều kiện tối đa giúp đỡ những người tự nguyện hồi hương, bên cạnh đó cũng đề xuất kêu gọi sự giúp đỡ của nước sở tại, xin kinh phí để mua vé cho những công dân Việt Nam có nguyện vọng về quê hương nhưng có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Nói đến dân Nghệ An, có lẽ tình đoàn kết và tính chịu khó ít tỉnh thành nào của nước ta sánh kịp. Khi trào lưu xuất ngoại làm giàu, thì Nghệ An có lẽ là tỉnh có  người “xuất ngoại” nhiều  nhất, từ hợp pháp cho đến bất hợp pháp. Không biết lớp người đi trước có kể về “địa ngục trần gian” khi vượt biên cho lớp sau nghe hay không, nhưng người người đi, nhà nhà đi, có đoàn cả gia đình cùng đi.

Các cam kết đi các nước được thanh toán phí khi về đích (Anh, Đức, Pháp….), từ 15 ngàn đô la Mỹ trở lên, để được đi phải tạm ứng trước khoản tiền từ  2-3 nghìn đô la Mỹ, thậm chí không cần ứng tiền. Phải khẳng định rằng, từ một con người vô giá, tự biến mình thành “món hàng” để bọn buôn người vận chuyển như những thứ hàng rẻ mạt, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, nếu thành công thì thanh toán tiếp, còn mất xác thì tự chịu. Trong quá trình vượt biên, bọn buôn người đã tìm mọi cách thu lại chi phí thậm chí lãi, dùng tiền nạn nhân…buôn nạn nhân mà người ta thường gọi “Mỡ nó rán nó”. Trong các trại tỵ nạn tại Ucraina, lúc nào cũng vài trăm người Việt Nam vượt biên trái phép vào Châu Âu bị giam giữ, bởi đây là địa điểm làm nơi trung chuyển.

Phần 1: ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với các nạn nhận và được nghe kể rất nhiều về hành trình vượt biên, cũng như hỗ trợ hướng dẫn các nạn nhân toàn bộ thủ tục hồi hương khi bên cơ quan chức năng bạn cũng như bên phía Việt Nam nhờ, đó là những người nằm trong trại giam và nhiều người bỏ cuộc vì quá kinh hoàng đã trốn đường dây tìm đến Đại Sứ Quán Việt Nam cầu cứu, xin làm thủ tục quay về với đất mẹ.

Một câu chuyện như phim, tôi ghi lại để các bạn hiểu rằng, không có gì tốt đẹp tự nhiên đến với ta và cũng đừng ảo tưởng đi Tây là sướng, thành công hay thất bại đều do ý chí và không phụ thuộc vào nơi bạn đang đứng.

Phong trào xuất ngoại ở tỉnh Nghệ An có thể nói là sôi sùng sục, nhà nhà người người đều sẵn sàng bán nhà cửa đất đai để được xuất ngoại, đổi đời cho con cho cháu, cho gia đình, cho dòng họ. Một ước mơ vô cùng chính đáng. Cầu có thì cung tất nhiên cũng nở rộ, dịch vụ thật giả lẫn lộn mọc lên như nấm và rồi, cơ hội ngàn vàng khi WORD CUP 2018 xuất hiện, các dịch vụ đua nhau nhận đưa người theo đường sang Nga xem đá bóng, tất nhiên là không xem và sau đó vượt đi các nước Châu Âu... Hàng ngàn người dưới vỏ bọc là các Fan bóng đá, được sang Nga một cách dễ dàng và hợp pháp. Tôi trích dẫn một câu chuyện thật 100% của một cậu người Nghệ An:

Ngày 01/07/2018, dưới  cơ sở của Visa là fan bóng đá, tôi và một người nữa lên máy bay và thẳng tiến Moscow, đến Moscow chúng tôi được một người tên T trong đường dây đón và đưa tôi về căn hộ tại Moscow. Đến ngày 26/07/2018 thì anh T đưa chúng tôi đến một quán ăn tại khu chợ người Việt, chợ này được gọi là chợ CHIM. Sau thời gian chờ đợi, khoảng 15 giờ cùng ngày anh T đã đưa thêm một người nữa, có tên là M. Sau đó cả ba chúng tôi được anh T bàn giao cho ông N, ông này sau này tôi biết được là ông trùm đường dây đưa người tại Moscscow. Ông trùm N đưa chúng tôi đến một chiếc xe 7 chỗ, trong xe đã có tới 12 người Việt chờ sẵn. Tức là xe 7 chỗ được nhồi 15 người Việt, bắt đầu hành trình, chúng tôi hoàn toàn không biết sẽ được chở đi đâu, toàn bộ đồ đạc điện thoại bị thu giữ, mọi người giấu tiền mang theo.

Xe chạy khoảng 10 tiếng đồng hồ thì dừng lại một ngôi nhà, 5 người Tây bịt mặt đón chúng tôi. Chúng bắt tất cả lột hết quần áo, chỉ còn đồ lót, chúng nắn nót tìm tòi tài sản và thu sạch, ai nhanh giấu được ít tiền thì còn. Chúng đưa 15 người chúng tôi xuống tầng hầm ngôi nhà,  trong tầng hầm đã có 14 người Việt đã được đưa xuống trước đó, tổng số 29 người. Sau 2 ngày thì bắt đầu hành trình vượt biên, mà sau này tôi mới biết rằng vượt biên giới sang Ucraina.

Trời tối, chúng thả 29 người xuống rừng và bắt đầu băng rừng, người dẫn đường có cả ống nhòm tầm nhiệt, chúng tôi lúc đi lúc chạy, khổ nhất là chị em nhiều người chạy không kịp bị ăn đòn, chúng tôi phải sốc nách dìu chạy. Có đoạn bị động, phải lao xuống hồ nước dấu mình, 2-3 tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước mà tưởng chết đi sống lại. Muỗi to như con ong bay như nhặng, chích đau kinh khủng mà phải nghiến răng chịu đựng, không thể kêu la. Khi hết động, lại tiếp tục lên đường, đến sáng thì cũng vừa tới Ucraina, những ruộng ngô bạt ngàn, chúng yêu cầu tất cả ngồi im, chờ trời tối sẽ có xe đến đón. Vừa đói vừa khát, chúng tôi phải bẻ trộm ngô, cạp ngô non ăn, nhai thân ngô để lấy nước. Một ngày đói khát lạnh thấu xương vì không được phép nhúc nhích, dù là mùa hè.

Đến khoảng 10 giờ tối, chúng đưa xe đến đón, xe chạy khoảng 7-8 tiếng đồng hồ thì chúng dừng lại tại một ngôi nhà, đưa chúng tôi vào trong, quá mệt mỏi, có 2 người trong đoàn chúng tôi nhìn thấy ghế sopha thì ngồi xuống. Ngay lập tức, những người bịt mặt ra đòn mạnh mẽ vào mặt vào đầu hai người này, người bằm mắt người hộc máu mồm, họ nghiêm cấm tất cả tự ý hành động. Rồi chúng dồn chúng tôi, 29 con người vào một căn phòng nhỏ tối om đề nghị chúng tôi ngủ trong đó, khi thấy bồn rửa mặt, chúng tôi mừng thay phiên nhau rửa thì cũng ngay lập tức bị lôi ra đánh lần lượt vì tội sài nhiều nước, bắt chúng tôi sài nước thật ít lại và giam chúng tôi 16 tiếng sau mới cho nấu cơm ăn. Hai người biết tiếng Nga là anh T và chị H được xuống nấu ăn cho cả nhóm.

Khi đi nấu, anh T và chị H đã nấu 4 túi gạo, mỗi túi 0,8kg, hai vĩ gà, mỗi vĩ có 2 đùi gà. Nhưng khi thấy nấu, bọn bịt mặt lại lôi anh T và chị H ra đánh không nương tay, chúng yêu cầu mỗi ngày chỉ được 2 túi gạo, 1 vĩ gà và 10 quả trứng. Trận đòn kinh khủng đến nỗi, mỗi khi nhìn thấy bọn chúng, anh T co rúm người lại, hồn phách lên mây.

Và một chuỗi ngày kinh hoàng, ngày nào chúng tôi cũng bị đánh bởi nhiều lý do, những luật lệ khắc nghiệt mà chúng đưa ra bắt chúng tôi phải thực hiện, như: từ 23 giờ đến 9 giờ cấm đi vệ sinh, có anh vì không thể nhịn, tiểu vào cái chai lập tức bị lôi ra đánh. Cấm nói chuyện phát thành tiếng, nói chuyện với nhau thì thầm vào tai hàng tháng trời, nếu ai lỡ cao giọng một chút, lập tức bị chúng dồn vào hai góc, một tên cầm AK, đứng canh cửa, còn lại vào đấm đá lần lượt, đánh như đánh bao cát và không từ một người nào, có cô bé chưa đủ 13 tuổi cũng bị chúng đánh hộc máu mồm. Cấm chúng tôi đến gần các cửa, có anh vừa ngó ra cửa sổ, bị chúng đánh chúng đá chúng đạp gãy 2 xương sườn, nằm 15 ngày và mọi vệ sinh cá nhân đều phải nhờ anh em dìu dắt. Các anh chị vì lo lắng đề nghị những người canh gác đưa anh ấy vào viện nhưng bị từ chối. Họ bảo, nếu muốn đi viện thì họ chở ra rừng bỏ đó để công an đến bắt đưa đi viện, nên tất nhiên tất cả đều từ chối. Vì quá đói, khi thấy táo trồng ngoài vườn, 3 người trong nhóm nhảy cửa sổ để hái táo ăn, sau khi bị phát hiện, chúng gọi thêm ba người bịt mặt đến tăng viện, đánh cho cả 3 đi không nổi, phải bò vào trong phòng. 12 tuần ở tại nơi đây, không ngày nào chúng tôi không bị đánh, thật đau đớn tủi nhục. Sau đó chúng tiếp tục chở chúng tôi đến một ngôi nhà khác, đưa chúng tôi xuống một tầng hầm, tại đây cũng đã có 9 người Việt đang bị nhốt chờ ngày vượt biên. Lúc này, tổng cộng 38 con người ở trong 1 tầng hầm ẩm mốc, xung quanh tường ốp đá xanh. Chúng chọn 4 cô gái xinh xắn đưa lên trên phục vụ sinh lý, tiêu khiển cho chúng, còn lại chúng tống hết xuống tầng hầm. Phát cho 3 cái bô vệ sinh, 4 bình nước loại 5 lít, sử dụng trong vòng 2 ngày cho 34 con người, cả uống và vệ sinh cá nhân. Mỗi ngày chúng phát cho 3 nồi cháo chia đều 3 nhóm, và 34 cái thìa. Chính vì không có bát, phải ăn thìa, mạnh ai nấy múc,  vì đói quá nên mỗi lần sau khi ăn, ai trong chúng tôi cũng phỏng hết mồm.

Thỉnh thoảng có một người được xưng là ông chủ, đi cùng 2 cận vệ, đến và đề nghị chúng tôi chụp ảnh cùng số điện thoại người nhà, họ nói rằng cần làm như vậy để quản lý. Và luôn hứa hẹn đã sắp sang đến nơi.

Tất cả chúng tôi trong một tầng hầm tối đen, hơn 3 tháng chưa được tắm lần nào, ai đi vệ sinh nhiều, tràn ra ngoài bô, lập tức bị chúng lôi ra đánh cả 34 người, gõ bán súng K54 vào đầu. Đến những đứa trẻ chưa đủ tuổi 13 cũng bị đánh đến hộc máu mồm, sự căm phẩn không ngừng tăng lên. Nhưng vì được hứa vài ngày nữa sẽ vượt sang Châu Âu, nên mọi người đều chịu đựng, tâm lý chờ vài ngày lại vài ngày trôi qua trong cam chịu và hy vọng.

Đợi và bị đòn, đói khát, bẩn thỉu… thời gian kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Đến thời điểm này, thì chúng tôi nhìn nhau thầm hiểu, cần có hướng giải thoát, không thể nào chịu nhục vì bị đối xử tệ hơn xúc vật như vậy hơn được nữa.

 Sự chịu đựng quá giới hạn, chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất, sẽ cùng nhau bỏ trốn, nhưng để trốn được phải vô hiệu hóa 2 tên canh gác có súng. Chúng tôi cũng rất lo lắng, nếu một trong 34 người bán đứng chúng tôi, thì ăn đủ luôn. Nên rất hồi hộp, ngày 24 tháng 10 năm 2018, đúng như kế hoạch, như thường lệ , một tên đứng cửa cầm súng canh, một tên đi vào trong đưa thức ăn. Chúng tôi đã phân công thành 2 tốp, và gỡ những viên đá xanh tròn nặng làm vũ khí. Đồng loạt tách đôi, chúng tôi lao vào khống chế tước vũ khí, dù cả 2 tên to khỏe, nhưng không thể chống lại chúng tôi, những người được phân công đã trói tay trói chân hai tên. Lúc nhập cuộc, 5 người trong đoàn khôn lõi đã trèo rào bỏ chạy mất mà không tham gia vào khống chế, không biết sau này ra sao. Bốn người chạy thoát vào rừng mà sau này nghe đâu được đường dây đưa về Odessa chỗ T, một người thất lạc đâu không rõ, còn 28 người quá đói đi xin ăn thì bị người dân báo cho sở di trú bắt đưa về trại.


Đoàn người khi đã được đưa về trại.

Sau này khi liên hệ được với gia đình, mới biết rằng họ dùng ảnh và số điện thoại mà tên chủ chụp vào mục đích lừa đảo, họ dùng hỉnh ảnh và số điện thoại thông báo cho người nhà rằng người đã đến Châu âu, đề nghị thanh toán. Vì không liên hệ được với chúng tôi, nên cũng nhiều gia đình bị lừa đã thanh toán tiền cho chúng qua đường dây. Đến khi chúng tôi thoát ra mới biết được.

Sau trận này, tôi chỉ mong về Việt Nam, thật sự kinh hoàng những ngày trong địa ngục trần gian, một sai lầm mà xém chút tôi không còn mạng, thì của cải vật chất có cũng như không, huống gì tương lai của những người vượt biên trái phép, sống chui lũi không giấy tờ tùy thân thì liệu có thành công nơi xứ người hay không?

Chân thành cảm ơn Đại Sứ Quán, cảm ơn đến những người giúp đỡ để tôi được về Việt Nam đoàn tụ gia đình.

Những người được tôi đưa ra sân bay, khi chào tạm biệt và hỏi có còn muốn tìm miền đất hứa nữa không? Một câu trả lời giống nhau như đã được thuộc lòng: “Có cho thêm vàng em cũng không vượt nữa!”

Phần 2: CHẠY TRỐN VÀ HỒI HƯƠNG! (Đón Đọc)

Nguyễn Hùng Long - Kiev