Hình ảnh bà Tám cặm cụi bên luống rau cải
Bất kì ai khi đến thăm mô hình vườn rau của ông bà đều bị ấn tượng bởi các luống rau đủ loại đang lên tươi tốt, xanh non mơn mởn. Vườn rau có diện tích 10 mẫu Bắc Bộ, cách không xa chợ Km số 7, Odessa nên rất thuận tiện cho việc di chuyển, cung cấp rau sạch tới tay bà con. “Tuy nhiên, mô hình mới được triển khai không lâu nên số lượng rau thu hoạch được không đủ phục vụ cho mọi người”. - Ông bà vừa cười vừa chia sẻ. Bà Tám, tay thoăn thoắt nhổ cỏ tiếp lời chồng: “Ngày trước, chúng tôi có mảnh vườn nhỏ nên cũng thường trồng đủ loại rau theo mùa. Rau tốt quá, gia đình ăn không hết nên có mang đi bán. Mọi người tấm tắc khen vì rau vừa non lại đảm bảo chất lượng, từ đó, chúng tôi muốn mở rộng mô hình để phục vụ rau sạch cho bà con. Chúng tôi mua lại mô hình này không lâu từ một người Việt cũng từng phát triển nghề trồng rau. Nhưng cách thức trồng trọt thì chúng tôi luôn đảm bảo bằng chính tâm huyết của mình. Tôi tin chất lượng sẽ nói lên tất cả!”.
Một số hình ảnh các loại rau tại vườn
Chúng tôi đi men theo các luống rau để ngắm kĩ hơn các luống mồng tơi, cải gồng tím, rau đay, rau lang, rồi cả đậu Hà Lan đang lên xanh tốt. Có luống gần đến ngày thu hoạch, có luống, mầm chỉ mới nhú cách đây ít lâu. Vì mô hình được trang bị hệ thống mái vòm che chắn cẩn thận nên nền nhiệt chênh lệch với môi trường bên ngoài khá cao, khoảng 10 độ C. Cũng nhờ đó mà các loài sâu bọ từ bên ngoài không tấn công được vào vườn, hạn chế tối đa về sâu bệnh.
Hình ảnh các hạt giống đang được ươm mầm
Cùng nhổ từng cây cỏ mọc xen kẽ, nép dưới tán lá rau, chúng tôi trầm trồ và xuýt xoa sự non xanh mơn mởn của những ngọn rau đang vươn lên. Chúng khẽ rung rinh khi cánh tay tôi chạm tới. Và nhẹ nhàng hệt như giọng nói, giọng hát truyền cảm của bà Tám – thành viên trong đội nghệ thuật cộng đồng Odessa. Mặc dù, trán lấm tấm mồ hôi nhưng miệng vẫn niềm nở tươi cười, ông Hồng đáp: “Chúng tôi sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu và phân đạm U rê nên khiến đất luôn màu mỡ, cây được phát triển tự nhiên, cả rau và cỏ đều mơn mởn như thế đấy!”
Sự tò mò của tôi về cách ông diệt côn trùng, sâu bệnh trong mô hình gần như cách li với bên ngoài lại không hề dùng đến thuốc trừ sâu đã được giải thích thỏa đáng khi ông chia sẻ: “Tại vườn chúng tôi rất ít sâu, thỉnh thoảng đầu năm có xuất hiện ốc sên là chính. Nhưng tôi pha nước từ các nguyên liệu: tỏi, ớt, gừng tạo dung dịch axit hữu cơ và phun lên rau. Sâu bệnh hay ốc sên cũng từ đó mà bị tiêu diệt dần, và còn nâng cao sức đề kháng cho rau, đảm bảo rau sạch chất lượng là ở chỗ đó”.
Hình ảnh phân bón hữu cơ bón cho rau
Nhìn mảnh vườn rộng với các luống rau đang rung rinh đón nhận tia nước mát lành từ hệ thống tưới thật mãn nhãn. Ông bà tươi cười cho biết: “Chúng tôi chỉ vất vả ở công đoạn làm đất, nhổ cỏ thôi. Còn lại là nhờ máy móc hỗ trợ hết cả. Thỉnh thoảng, khi công việc nhiều quá, anh chị em khu vực Sorsa, công nhân xưởng may hay bạn bè lại tới chơi, phụ giúp. Không khí náo nhiệt cả vườn, nào là tiếng cười nói râm ran, tiếng cười giòn giã của mấy cháu nhỏ lâu lâu không được nhặt cỏ khiến ai cũng vui. Chính vì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người quen và bà con trong cộng đồng nên chúng tôi luôn ý thức, nghiêm túc tuân thủ các công đoạn nghiêm ngặt để đáp lại sự tin tưởng ấy, cung cấp những mớ rau tươi ngon đến tay bà con”.
Hình ảnh những cây mồng tơi được tưới mát
Đứng nhìn toàn cảnh luống rau cùng phóng viên Người Việt Odessa, ông bà hướng ánh nhìn xa xăm, mắt sáng lên niềm hi vọng: “Gây dựng mô hình như thế này cũng khiến một phần tuổi thơ chúng tôi sống lại. Ngày đó khó khăn, chúng tôi đã quá quen với cuốc đất, trồng rau, với các phiên chợ cùng mẹ đi bán hàng. Chính những lần gặp gỡ tưởng chừng chỉ là những người bạn buôn với nhau lại kết nối chúng tôi bén duyên, nên vợ thành chồng như bây giờ. Giờ đây, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật đi kèm nhiều nỗi lo ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm nên chúng tôi muốn phát triển hệ thống rau sạch để phục vụ cho toàn bà con trong cộng đồng. Mạng internet phát triển khắp mọi nơi với nhiều thông tin bổ ích cùng sự góp ý chân thành của nhiều bà con mỗi khi tới thăm quan vườn đều mang lại cho chúng tôi những bài học quý giá giúp phát triển mô hình đáp lại sự tin cậy của mọi người”.
Hình ảnh bà con trong cộng đồng đến thăm vườn và phụ giúp ông bà nhặt cỏ
Nhìn luống rau muống non xanh, chúng tôi cười đùa nghĩ về những mâm cơm dân giã có đĩa rau muống luộc, vài quả cà muối và bát nước chấm có vị thanh đạm của mắm truyền thống, cay cay của tỏi ớt lại chua chua của chanh quê. Chưa hết xao xuyến vì mâm cơm tưởng tượng, ông Hồng khiến chúng tôi khá bất ngờ khi cho biết, ông đang phát triển cả mô hình làm nước mắm truyền thống từ các loại cá cơm, cá thu,.. Với công thức 100 kg cá thu lại 25% nước cốt, ông phải mất 2 đến 2 năm rưỡi để ủ. Nhiều loại cá có nhiều mỡ hoặc do thời tiết lạnh nên quá trình kéo dài hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, ông vẫn phải tuân thủ đúng theo quy trình. Hai năm nay, nhiều người quen, bạn bè đều đã ăn nước mắm nhà ông và “nghiền” đến giờ.
Hình ảnh các thùng ủ mắm và thành phẩm
Xã hội phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của người dân tăng cao, đặc biệt là nhu cầu “rau sạch”. Nhiều người hay nói “rau sạch hay không chỉ người bán mới biết” bởi nhiều mánh khóe, chuộng lợi nhuận cao đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, chất lượng rau sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho mọi thắc mắc. Đảm bảo đĩa rau ngon ngọt trên bàn ăn mỗi gia đình bằng cả tâm huyết chính là điều ông bà muốn hướng tới - “xây dựng thương hiệu từ chính lợi ích thiết thực đem lại cho cộng đồng”. Cả buổi chiều cứ thế trôi qua êm ả. Chúng tôi vẫn say sưa trò chuyện, tay thoăn thoắt nhặt những ngọn cỏ mới lớn. Chốc chốc, không khí lắng lại khi những vần thơ, những tiếng lòng mà chính ông Hồng sáng tác ra, vang lên. Rồi những mẩu chuyện rôm rả lại tiếp tục làm rộn cả khu vườn.
Vô Ưu
Hình ảnh do NVCC.