Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Về quê hay ở lại!

Thứ tư, 12/08/2020 | 13:37
Mấy năm gần đây, trên toàn cầu lẫn nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập đổi thay quá nhiều khiến kinh tế chợ không phát triển, đồng nghĩa với ngừng trệ, cộng thêm hiện thời dịch Covid-19 nặng nề ngự trị không trừ một ai, Карантин kéo dài tưởng chừng không có điểm dừng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần cùng cuộc sống đời thường của dân chợ nói chung trong đó có hàng nghìn gia đình Việt Nam chúng tôi.

Mấy năm gần đây, trên toàn cầu lẫn nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập đổi thay quá nhiều khiến kinh tế chợ không phát triển, đồng nghĩa với ngừng trệ, cộng thêm hiện thời dịch Covid-19 nặng nề ngự trị không trừ một ai, Карантин kéo dài tưởng chừng không có điểm dừng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần cùng cuộc sống đời thường của dân chợ nói chung trong đó có hàng nghìn gia đình Việt Nam chúng tôi. Nguồn sống chính từ chợ, đang tần tảo sớm tối chiều hôm bên sạp hàng tại trung tâm thương mại Барабашова, thương trường bán buôn bán lẻ lớn nhất miền Đông Ucraina. Từ lâu, “vắng bóng người mua, thừa người bán”. Để rồi, từ bấy đến nay, những tính toán, lo toan “về quê hay ở lại” luôn trăn trở trong tâm tư người Việt đang mưu sinh ở quê hương thứ hai Kharkov này.

Nhớ! Thời “xa xôi” trước, một vài doanh nhân thành đạt “bắt đầu và đi lên từ chợ”, trong tay sẵn có đồng tiền, liền về quê mình sinh cơ lập nghiệp, gặp may mắn đúng vụ trở thành đại gia vang bóng một thời, chẳng kể đến làm gì! Còn bây giờ, những người thuộc dạng “thường thường bậc trung hoặc tiểu thương nho nhỏ, tuy vấp váp nhiều khó khăn nhưng không dễ dàng “về quê” ngay được vì còn nhiều ràng buộc chủ quan lẫn khách quan.

Chắc mọi  người chưa quên. Năm ngoái vào dịp đón Tết Dương lịch và Cổ truyền dân tộc, lượng người Việt ở Kharkov nô nức kéo nhau về quê nhiều hơn hẳn những năm trước. Ngoài số đông, dù cho còn  lưỡng lự “về hẳn hay quay lại” vẫn mua vé hai chiều cho cả gia đình vợ chồng, con cái. Số ít còn lại thì không. Nhưng cuối cùng, “hồi hương” hầu như hết. Có lẽ ai đấy còn nhớ “mình là ai, đang ở đâu và làm gì!” cũng như muốn “cộng sức chung lòng” xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạnh ở chốn này chăng! Tôi thầm nghĩ vậy, rồi tranh thủ gặp gỡ một vài anh em bạn bè mới sang để tâm tình cho nóng về thời cuộc.

Lần gặp H. Tặng tôi gói trà xanh đặc sản Thái Nguyên xong đâu đấy, hắn trải lòng ngay:

- Ai cũng có một miền quê để mà thương mà nhớ, để mỗi lần nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên càng gắn bó với quê nhà muôn vạn lần hơn lên.

Vội ngắt lời H, tôi ngỏ lời:

- Ngỡ cậu...

Chả để tôi nói hết câu “về hẳn”, như tự đoán ra, H thở dài rồi bộc bạch:

- Hiện dù muốn nhưng chưa về ngay được, một khi bên này đã bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen, Kharkov trở thành quê hương thứ hai cùng bao kỉ niệm một thời công nhân từ thập niên 80 của thế kỷ trước, một thời chợ búa nơi phồn hoa cát bụi từ những năm 1992 ở Trung tâm thành phố đến chợ, bây giờ cộng thêm đức tính hiền lành, tốt bụng của người dân địa phương còn bền lâu, lắng sâu trong tâm khảm những đứa con xa xứ chúng ta.

Vừa nghe hết câu tôi đùa hỏi:

- Có nghĩa là cậu muốn ở đời sống kiếp nơi hải ngoại à!

Lắc đầu, H hứng giọng trách tôi:

- Sao cậu nghĩ sai về tớ thế! Rồi mộng mơ thổ lộ “thiếu quê hương, ta về ta về là về đâu!”

Nghe thú vị quá, nắm chặt tay bạn hẹn ngày tái ngộ.

Hôm gặp M, quê Bắc Giang, vào lúc chợ chiều chỉ còn 2 người, cũng vẫn chủ đề nóng hổi mà tôi đưa ra, hắn cởi mở đáp:

- Quê hương là chùm kế ngọt, ai chả muốn về thưởng thức. Nhất là với em, hàng ngày, nơi sáo diều chơi vơi, nghe câu ca quan họ còn thi vị biết mấy. Nhưng tiếc thay, dù muốn hay không, vợ chồng em còn phụ thuộc bên này một thời gian dài nữa khi cháu trai cả là sinh viên đại học năm thứ nhất, cháu gái vừa hết cấp 2 và thằng út mới cắp sách tới trường.

- Vậy là cậu còn nợ đời quá nặng đó hả? Tôi cố tình trêu xem hắn trả lời thế nào.

Mỉm cười, lộ rõ 2 hàm răng đen vì khói thuốc, hưng phấn đáp:

- Ngược lại, với em là niềm vui của người làm cha làm mẹ anh à! Ngưng một lát, hướng khuốn mặt chai sạn nắng mưa nơi chợ búa về phương Nam, hắn hứng giọng khoe, năm nào “ăn nên làm ra” vợ chồng em thay nhau về quê_ “Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt” thăm mẹ cha cả cuộc đời lam lũ vì con đấy anh.

Thầm cảm ơn M cung cấp thêm cho tôi một quan niệm sống muôn hình muôn vẻ

Bữa khác, tranh thủ trò chuyện đôi lời với K, “đầu hai thứ tóc” bán nước chè rong quanh chợ, tôi đặt vấn đề luôn:

- Làm ăn vất vả thế sao anh không tính chuyện về quê thay đổi cuộc đời?

K tự thú:

- Cũng muốn lắm anh. Nhưng hành trang về quê bằng hai bàn tay trắng thì làm được gì ngoài việc bán sức lao động nuôi thân như bên này.

Cảm thông từ đáy lòng, tôi hỏi:

- Thế bà xã?

- Cùng đồng nghiệp với tôi, mỗi người có riêng mình “duyên phận”, vợ chồng tôi thường an ủi, động viên nhau vậy và chờ ngày về quê.

Nhìn đôi mắt hằn nhiều vết nhăn của K, tôi xúc động, mong mỏi mai ngày cuộc đời anh sẽ đổi thay như quy luật tự nhiên “sau cơn mưa trời lại sáng”

Năm nay, càng khó khăn trăm bề cả về kinh tế lẫn dịch Covid-19, “về quê hay ở lại” trong thời gian này là cả một vấn đề nan giải. Vì thế, trước khi hành động cần suy nghĩ chín chắn, cân nhắc kỹ lưỡng, trên phương châm tự lực cánh sinh là chính chứ đừng dựa dẫm, nhờ vả, đổ vỡ sẽ ăn năn suốt đời.

Chúc mọi người thành công khi quyết âm “cộng sức chung lòng” thực hiện ý tưởng của mình.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành”_Kharkov. Tháng 8-2020