Vậy sẽ ra sao khi chúng ta xem xét lịch sử của văn học Ukraine sau cả trăm năm tồn tại trong điều kiện bị “phong tỏa văn hóa-như một đứa trẻ gầy còm chưa phát triển, hay trong tâm thế của kẻ tự phụ tự mãn? Có lẽ, cần phải vận dụng phương pháp “song hành” trong bối cảnh tồn tại nhiều chân lý nghệ thuật của các dân tộc khác nhau. Có thể là sự ngạc nhiên hay một cái cười nhếch mép khi người nước ngoài biết đến các nghiên cứu về chính người Ukraine. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng, bên cạnh những cây đại thụ của văn học Nga, đặc biệt là văn xuôi, được nhiều người đón đọc trên thế giới, là các tên tuổi như Nikolai Gogol và Fyodor Dostoevsky.
Tôi không hề có ý định “bênh” dân tộc Ukraine nơi tôi sinh sống đã tròn 30 năm, nhưng cái gọi là “tâm hồn Ukraine” của Gogol đã tạo nên cả một thư viện nghiên cứu đồ sộ. Vấn đề có lẽ phức tạp hơn khi giải mã “yếu tố Ukraine” trong các sáng tác của Dostoevsky. Người con gái của ông là Lubov Fedorovna chứng minh rằng bản chất mơ mộng thi ca của cha bà bắt nguồn từ gia đình gốc Ukraine. “Trong những sáng tác đầu tay của Dostoevsky có nhiều yếu tố chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian Ukraine. Nó có gì đó lãng mạn, ủy mị và ngây thơ”.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng ông của nhà văn là Andray Dostoevsky-một cha cố đạo Thiên Chúa gốc từ vùng Podolia-Ukraine (ngoại biên). Sự hiện diện của Nikolai Gogol và Fyodor Dostoevsky trong văn học Nga khiến chúng ta nhớ đến sự hiện diện của James Joyce trong văn học Anh và Franz Kafka trong văn học Đức. Trong văn học, môi trường giáo dục về ngôn ngữ-văn hóa đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với người nghệ sĩ. Điều này phụ thuộc vào gia đình, làng xóm, đất nước. Căn cứ trên những nhân tố mang tính gen di truyền, chúng luôn luôn tạo nên nền tảng cơ bản trong cá tính sáng tạo của nhà văn. Chúng còn ảnh hưởng đến phong cách, ngay cả khi nhà văn không viết bằng tiếng mẹ đẻ và với chủ đề hoàn toàn tách biệt.
2/ Kể từ cái thủa “Cải tổ”, trong không gian hậu Xô-viết đã xuất hiện cơ hội được đọc, được viết tất cả mọi điều mà trước đó vẫn bị coi là vùng cấm. Các nhà văn Ukraine đã bắt tay ngay vào hàn gắn những “lỗ hổng”. Vậy, trong nền văn học Ukraine thời Xô-viết, cái gì được xem là còn “túng thiếu”? Đó chính là sự châm biếm và... “đời sống phòng the”. Hiện nay, món ăn thứ hai đang được bù đắp tương đối nhanh chóng và thành công bởi nhiều nhà văn “say sưa” với mảng đề tài nhạy cảm và câu khách này. Khuynh hướng châm biếm hóa văn chương cũng đang khá phổ biến. Vị trưởng lão, nhà tư tưởng của trào lưu này là Nikolay Rybachuk, người đã nhận được sự ủng hộ trong các giới cận văn chương “Hiện đại”.
Phong cách kể chuyện truyền thống đặc trưng Ukraine được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của một nhà văn-Vasily Ruban. Ông sở hữu một lối đàm luận mềm mại, đạt nghệ thuật cao. Các tiểu thuyết của ông là “Ở phía đối diện với Điều thiện” và “Tuyết hấp hối bởi hoa xuyên tuyết” đã ngăn cản xu hướng hành văn kiểu Ukraine tràn ngập sự thất vọng của thời kỳ hậu hiện đại. Tác phẩm của ông là kho tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của các nền văn học thời hậu Xô-viết, nhất là đối với Ukraine. Một trong những cây văn xuôi hay nhất của Ukraine là Vassily Polyakov, sáng tạo trong dòng chảy của phong cách “vị ngôn ngữ ”. Bản chất của xu hướng này là sức nặng nghệ thuật tột cùng không chỉ rơi trên mỗi từ mà còn cả trên các dấu chấm câu. Đây là vực xoáy xiết của cả tư tưởng, tinh thần và cảm xúc. Chỉ thỉnh thoảng in ấn trong các tạp chí định kỳ, Vasiliy Portyak cho đến nay chỉ công bố một cuốn sách nhỏ “Lũ chuột” (1983). Có thể nói, ông là nhà văn duy nhất trong số các nhà văn hiện đại Ukraine đã thể hiện được sự phản kháng mang tính dân tộc Ukraine một cách văn học nhất.
Hiện nay, nhà văn giữ vị trí số một trên văn đàn Ukraine là Sergey Zhadan, mới ngoài 30 tuổi nhưng đã là tác giả của 12 tập thơ và 7 tác phẩm văn xuôi. Hai lần đoạt giải “Sách của năm” do BBC tổ chức, bình chọn. Ông tham gia tích cực vào các hoạt động với tư cách một nhà thơ, một nhà báo, thường xuyên tổ chức các ngày hội văn học Ukraine ở trong và ngoài nước. Ông được giới chuyên môn gọi là “nhà thơ nhân dân”. Sáng tác của ông gần gũi với cả tầng lớp thượng lưu tinh tế, lẫn giới thanh niên nổi loạn. Có thể nói, ông là một hiện thân điển hình nhất của tinh thần Ukraine thời kỳ khủng hoảng.
Tác giả VŨ TUẤN HOÀNG (từ Kiev-Ukraine)
Theo Báo Thời Nay