Nhân chủ đề nóng hổi mang tính thời đại này, nhớ ngày 26 tháng 7 năm 1956, trên báo Nhân Dân đăng bài viết của Hồ Chủ tịch với nhan đề “Tự phê bình, phê bình và sửa chữa”. Người căn dặn: “Mục đích tự phê bình và phê bình nhằm giúp nhau tiến bộ. Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ, cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng, không nên phê bình ẩu, phê bình xuông.”
Lời dạy bảo chí tình, chí lý ấy của Bác là kim chỉ nam, là bài học quan trọng và bổ ích cho mỗi chúng ta qua bao thế hệ về cách đối nhân xử thế trong mối quan hệ gia đình và xã hội, cá nhân và tập thể cùng anh em, bạn bè.
Năm 1969, trước khi đi xa, Bác đã để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Người dặn dò nhiều thứ nhưng vấn đề trước tiên, chủ yếu nhất là nói về Đảng, về đoàn kết trong Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự thống nhất của Đảng.”
Và, cho cả chúng ta thêm một lần nữa sáng tỏ con đường dẫn người lao động đến sự đoàn kết nhất trí, yêu thương hết lòng, dạy ta biết đặt lợi ích của dân tộc, của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, nhắc ta làm việc gì cũng vì nghĩa cả việc chung lại sẵn sàng dứt bỏ cái “tôi” nhỏ bé còn luẩn quẩn trong suy tư và hành động cũng như cương quyết đoạn tuyệt với những đố kỵ, ghen ăn, tức uống tầm thường.
Nhìn lại lịch sử qua, khi nhân dân ta còn gian nan, vất vả trong bão táp chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược để có được nền độc lập, tự do vinh quang như ngày hôm nay, khi quần chúng lao động còn khó khăn bươn trải trong cuộc sống nóng bỏng, sôi động để có được sự bình yên như bây giờ có thể khẳng định việc thực hiện tốt tự phê bình và phê bình là một trong những yếu tố chính dẫn đến thành công ấy.
Giờ đây, cộng đồng người Việt chúng ta đang sinh sống, làm việc và học tập nơi đất khách quê người này đã trải qua và còn tiếp diễn những cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế nặng nề. Vì thế, để có thể tạo dựng sức mạnh đoàn kết nhất trí trong nội bộ cộng đồng thì việc tự phê bình và phê bình lại càng cần thiết khi ta nghiêm túc thực hiện đúng đắn những điều chỉ dẫn cụ thể của Bác Hồ: “Phê bình là ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình, tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là cho mọi người học hỏi lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm.”
Vì vậy, một khi đã thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bác về tự phê bình, phê bình và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống là điều kiện cho mọi người hiểu biết, học hỏi lẫn nhau cùng nhau xây dựng gia đình, đoàn thể, đất nước. Đó là quy luật phát triển tất yếu của lịch sử, và là vũ khí cách mạng sắc bén để:
- Kiên quyết chống thói nể nang và bao che việc xấu, chống thói “trước mắt thì nể, kể lể sau lưng”.
- Kiên quyết chống bệnh cá nhân chủ nghĩa, bo bo về mình.
- Kiên quyết chống mọi tư tưởng và hành động đi ngược lại quyền lợi tập thể và nguyện vọng chính đáng của cộng đồng.
Qua đây ta càng thấy rõ rệt hơn phê bình phải thành tâm, ngay thẳng thật lòng cốt để giúp nhau tiến bộ “mình vì mọi người, mọi người vì mình” chứ không phải “bạ đâu nói đấy” làm cho anh em bạn bè mình khó chịu, nản lòng. Tự phê bình là để hội nhập, khép mình vào khối cộng đồng chung theo phương châm “Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.
Song tiếc thay, vào lúc này kinh tế chợ đang suy giảm cần thiết sự thống nhất cả về ý chí lẫn hành động dường như việc tự phê bình và phê bình theo lời căn dặn của Bác chưa được thực hiện nghiêm chỉnh trong cuộc sống hàng ngày, chưa thành “máu thịt” trong tư tưởng và hành động của mỗi chúng ta. Bởi, thẳng thắn mà nói, trong cộng đồng ta vẫn còn có người “quên mình là ai!”, cố tình vi phạm kỷ cương, coi thường đạo lý, chưa tuân thủ hết những quy định của pháp luật hiện hành nước sở tại. Thậm trí, lác đác vẫn còn kẻ vay tiền không trả khác chi “quỵt” hoặc tìm thú vui trong canh bạc thâu đêm, trong bữa tiệc tùng quá chén.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết để duy trì, ổn định cuộc sống lâu dài và hợp pháp trên quê hương thứ hai này, tôi thường nghĩ và tự dặn mình làm việc gì dù nhỏ hay lớn cũng vì cái chung và nhất thiết phải giữ gìn tâm hồn mình trong sáng, khiêm tốn trong cách đối nhân xử thế vốn có trong cái gốc “người Hà Nội” với nhận thức đúng: “Phê bình và tự phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ” như lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam ta từng căn dặn.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 11/2018