Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tre già măng mọc

Thứ sáu, 31/05/2019 | 08:10
Quốc tế thiếu nhi mồng 1 tháng 6 là một ngày hội lớn của trẻ thơ mà mỗi chúng ta đều có con em mình trong đó, đều có nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc chúng mau khôn lớn, chóng trưởng thành bằng lương tâm và trách nhiệm của mẹ cha.

Trong lịch sử dân tộc ta có một tấm gương sáng ngời về tình thương bao la và sự chăm sóc ân tình cho mầm non đất nước, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Người mà nhân dân ta qua bao thế hệ cho đến bây giờ và mãi mãi mai sau vẫn gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi “Bác Hồ”.

Tình cảm trìu mến và tấm lòng ưu ái của Người đã thể hiện ngay từ những ngày đầu khi đất nước ta giành được độc lập, tự do, nhân dịp Tết trung thu năm 1954, Bác Hồ gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, Bác căn dặn “Trung thu này là Trung thu của hòa bình dầu tiên sau 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc Kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đòng góp một phần. Nhân dịp Này Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quí tất cả các cháy miền Bác và miền Nam:

… Đến ngày Nam Bắc một nhà

Các cháu xúm xít thì ta vui lòng.”

Giờ đây cũng vậy Đảng và Chính phủ ta đã có những quan tâm to lớn đến cuộc sống hàng ngày, đến tương lai lớp người sẽ nối tiếp, sẽ thay thế cha anh xây dựng đất nước ngày một đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Ở chốn này, Hội người Việt Nam ở Kharkov, Kiev hay Odessa, Kherson… cũng thế đã nhiều năm đặt vấn đề và chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho con em người lao động được đưa lên hàng đầu trong chương trình hoạt đồng phục vụ cộng đồng từ việc nhỏ như chúc mừng, tặng quà bằng tấm lòng yêu thương của những người xa xứ nhân các ngày lễ, tết cổ truyền. Riêng Kharkov nhớ lại Trường tiểu học “Mùa xuân” được xếp hạng kiểu mẫu về sự tiếp thu và phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam ở nước ngoài. Bởi nơi đây, cùng lúc các cháu vừa được học tiếng mẹ đẻ theo chương trình phổ thông chính qui như Bộ giáo dục Việt Nam qui định, vừa được tiếp nhận ngôn ngữ của nước sở tại – một trong những điều kiện thuận lợi để sau này các em có đầy đủ khả năng trong việc phục vụ Tổ quốc hoặc sinh sống, làm việc và học tập, suy cho cùng không ngoài mục đích cao quí trên. Phải chăng, đó chính là một biểu hiện trong sáng tư tưởng và hành động “Vì tương lai con em chúng ta”, là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam “Tre già măng mọc”.  

Với chúng ta, những ông bố bà mẹ, những cô bác anh chị, tư lâu chắc đã hiểu tõ hơn việc ta tần tảo, vất cả sớm tối chiều hôm trên các nẻo đường xa, chỗ ồn ào nơi góc chợ để kiếm sống đâu có phải chỉ vì "miếng cơm manh áo" tạm bợ “qua ngày đoạn tháng” cho riêng mình mà chủ yếu lo lắng nhiều hơn cho con cái mai sau, để khi chúng khôn lớn trưởng thành có đủ sức lực, trí tuệ bước vào đời trong cuộc sống tự lập.

“Tre già măng mọc” đó cũng là sự bổ sung, thay thế theo qui luật phát triển tự nhiên của tạo hóa, của xã hội loài người. Song, cũng cần hiểu cho đúng “Măng mọc” không có nghĩa là tự có, tự sống, tự lớn lên “gió chiều nào theo chiều ấy”. Còn “Tre già” không có nghĩa là tự cho mình là “cây cao bóng cả” tồn tại vĩnh viễn, mà phải biết che chở, vui vén cho “Măng” mau lớn lên thành “Tre” để thay thế cho mình, giúp ích cho đời.

Ngoài ra “Tre già măng mọc” còn có một ý nghĩa Triết học sâu sắc, nó phản ảnh qui luật sinh tồn của cuộc sống, sự phát triển của xã hội. Đó là mỗi quan hệ phức tạp giữa người với người, giữa lớp già với thế hệ trẻ có tự ngàn đời nay cho đến bây giờ, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có quan niệm đúng đắn va giải quyết hợp lý tính kế thừa và phát triển ấy.

Thật vậy “Tre già măng mọc” không chỉ đơn thuần là hiện tượng thoái hóa và nẩy sinh trond xã hội mà cỗi lõi vấn đề là ở chỗ phải hiểu thấu đáo ở cả hai phía: lớp già và lớp trẻ, phải giải quyết trọn vẹn mỗi quan hệ giữa họ cho thấu tình đạt lý, theo hướng đi lên của thời đại.

“Lớp trẻ” phải biết ơn, tự hào về cha anh – những người có công xây dựng đất nước, có công sinh thành và nuôi dưỡng mình khôn lớn làm người.

“Lớp già” hãy tin tưởng và sẵn sàng trao cho con em mình nghĩa vụ gánh vác việc đời.

Nhân ngày Lễ Quốc tế thiếu nhi mùng 01/06 năm nay, tôi viết đôi dòng tâm sự này những mong mỗi người chúng ta không đơn thuần chỉ yêu thương mà còn phải hết lòng chăm sóc, dạy dỗ con em mình để khi chúng lớn lên có đầy đủ sức lực và trí tuệ kế tục sự nghiệp của cha anh, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh mang tầm cỡ thế giới.

“Tre già măng mọc” – hiểu như vậy, may ra mới gọi là vẹn toàn, mới để chúng ta thật sự nắm chặt tay nhau xây dựng cuộc sđời thêm tươi đẹp, như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết”

“… Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày

Mai sau con lớn hơn thầy

Các con ôm cả hai tay đất trời.”

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov – tháng 5/2019