Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Trận không chiến đầu tiên của người anh hùng cuối cùng

Chủ nhật, 24/12/2017 | 11:20
Những ngày này ai đã trải qua 12 ngày đêm với Thủ đô đều không thể nào quên những đóng góp to lớn của các lực lượng tên lửa, pháo binh, dân quân tự vệ chống lại sức mạnh điên cuồng của không lực Hoa Kỳ. Và một số trong chúng ta ai đã được chứng kiến những trận không chiến thì có lẽ sẽ còn nhớ mãi. Mỗi người phi công của quân đội ta góp mặt vào thời kỳ đó đều xứng đáng với danh hiệu Anh Hùng!

Giữa năm 1972 lực lượng không quân của miền Bắc còn rất mỏng, thiếu cả máy bay lẫn phi công, trong số máy bay lại đa số là Mig-17 về tính năng kỹ thuật thì đã khá lạc hậu so với các đời máy bay Mỹ hiện hành. Đến khi chiến dịch “Hà Nội 12 ngày đêm” nổ ra thì với thực lực như vậy không quân được chỉ đạo chủ yếu xuất kích để cho địch biết là ta vẫn có lực lượng không quân vững mạnh nhưng tránh tham chiến, để dành lực lượng đánh hạ “pháo đài bay” B-52 bằng mọi giá, kể cả có phải hy sinh...

Hoàng Tam Hùng là con cả trong gia đình bác Hoàng Anh – một Phó Thủ tướng rồi Bộ trưởng Tài chính thời đó. Rất đẹp trai, mê thể thao – anh có thể lang thang câu cá ở Đồ Sơn cả tháng hè và sau trở thành vận động viên bơi, và sau này cũng là cầu thủ bóng rổ cánh trái xuất sắc của quân chủng không quân. Với cái duyên giọng hơi pha chút Huế do ảnh hưởng ba mẹ mình Hùng cũng sớm có bạn gái cùng tuổi, nhưng rồi như nhiều thanh niên thời kỳ đó anh lên đường nhập ngũ và được lựa chọn để đào tạo phi công bên Liên Xô – đã từng có một thời như thế, chỗ của con cái cán bộ cao cấp đó là quân ngũ. Sau 3 năm đào tạo anh về nhưng chưa được tham gia chiến đấu, với lý do mối tình của anh không được tổ chức đồng ý, bởi phía nhà gái lý lịch “có vấn đề” – thế tức là anh cũng dễ bị tác động tư tưởng, khó mà tập trung vào chuyên môn! Rồi sau đó anh cùng một số đồng đội được đào tạo để chuyển hệ từ Mig-17 lên Mig-21, lần này vì gấp rút nên chỉ đào tạo trong nước thôi. Và trong một lần đi khám sức khỏe ở 108 anh gặp mối tình thứ hai của mình, một cô gái kém anh hai tuổi và sau này trở thành một ngôi sao điện ảnh – nhưng rồi cuộc tình này cũng đang dang dở thì xảy ra sự kiện “12 ngày đêm”...

Hùng vẫn chưa được tham chiến trận nào, có phần nguyên nhân là chuyện “yêu đương” của anh nữa, chắc anh cũng sốt ruột vô cùng, trung đoàn 927 (thuộc sư 371) của các anh lúc đó cũng chỉ còn mấy chiếc máy bay. Sáng ngày 28/12/1972 khi phát hiện có một tốp máy bay Mỹ bay từ Guam vào miền Bắc biên đội gồm 2 máy bay Mig-21 của Kiền và Hùng được lệnh xuất kích, vẫn với chỉ đạo là phải bảo tồn lực lượng, tránh không chiến, dành vũ khí cho B-52 là loại chủ yếu chỉ hoạt động rải thảm vào ban đêm. Lên chủ yếu chỉ để “dọa” địch rồi phải về hạ cánh, thế nhưng khi trực diện đối mặt với máy bay địch thì Hùng đã quyết phải chiến đấu. Mặc cho Kiền đã quay về và đài chỉ huy yêu cầu hạ cánh Hùng tắt bộ đàm và bám đuôi luôn chiếc RA-5C – một loại máy bay trinh sát không vũ trang nhưng tốc độ rất cao và luôn có hàng đàn máy bay tiêm kích đi theo yểm trợ. “Nấp trong mây” – một kỹ thuật của lính lái mà người ngoài ngành cứ tưởng thêu dệt nên đã được Hùng thực hiện, một lúc sau đội lái của chiếc máy bay trinh sát mới phát hiện ra, chưa kịp cắt đuôi thì đã ăn trọn quả tên lửa của Hùng, rơi ngay tại chỗ. 2 phi công Mỹ thì một chết ngay, một nhảy dù ra được, bị bắt và sau này là tên phi công cuối cùng được miền bắc trao trả!

Cả đám F-4 lúc này mới hết bàng hoàng, quay lại quây chặt lấy máy bay Hùng, cả thảy đến 12 chiếc. Anh định hạ độ cao để thoát vòng vây nhưng chúng dùng tên lửa bắn chặn hết đường rút của chiếc Mig-21. Biết rằng khó thoát nhưng Hùng vẫn bình tĩnh mặc dầu đây là trận không chiến thực sự đầu tiên của anh – còn một quả tên lửa anh quyết “một đổi một” với quân thù. Và anh đã làm được điều thần kỳ đó, lại một F-4 tan xác trước khi anh trúng đạn. Anh không kịp nhảy dù, lũ F-4 điên cuồng còn bổ nhào bắn theo chiếc máy bay đã cháy của anh... Cuộc không chiến đầu tiên và cũng là cuối cùng chỉ vỏn vẹn kéo dài 8 phút, anh hy sinh vào hồi 11h 28ph ngày 28/12/1972_giữa tuổi 24.

Ngày hôm sau còn một cuộc không chiến nữa, nhưng không có tổn thương từ cả hai phía, có thể coi 8 phút của anh Hùng là cuộc không chiến cuối cùng giữa ta và Mỹ trước khi tiến hành đàm phán nốt Hiệp định Paris. Chiến công của Hùng thì đã rõ, nhưng vì anh đã “chống lệnh” khi quyết tâm hạ máy bay địch chứ không chịu về hạ cánh, nên hơn 40 năm sau mới được truy tặng danh hiệu Anh Hùng. Cha của anh – một cựu chính khách vào loại “khai quốc công thần” đã sống rất thọ, cụ mới chỉ mất năm ngoái. Hàng năm cứ đến ngày 28/12 là gia đình, bè bạn của anh lại tụ họp trên Sóc Sơn để thắp hương cho anh và các đồng đội – mộ của Hoàng Tam Hùng cũng đã được quy tập về đó. Và thường thì đều có mặt của cả hai cô gái đã từng là mối tình tuổi thanh xuân của anh, nay đã là những người bà, cũng đã trở thành như người thân trong gia đình anh. Ngày 28 này cũng sẽ như vậy...

(Ghi theo lời kể của những người bạn học với anh Hoàng Tam Hùng, nếu có gì sơ suất hay chưa chính xác xin các anh trong ngành không quân lượng thứ cho!)

Ảnh: sưu tầm
Nguồn FB Nam Nguyen


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN