Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi ra đi từ những nơi ấy, ngày ấy...

Thứ hai, 11/12/2017 | 19:00
Lời Ban biên tập: Nguyễn Trọng Cơ hiện là Phó chủ tịch Hội người VN tỉnh Kharkov, được bà con cộng đồng Ucraina biết đến là Tổng biên tập báo “Tuần tin quê hương” – Tiếng nói của cộng đồng Việt Nam tại Ucraina (1998-2014) và “Bạn đồng hành” (2014-2016) – một nhà báo năng nổ, đầy nhiệt huyết và thường xuyên cung cấp cho bạn đọc Người Việt Odessa những bài viết chia sẻ chất lượng cao. Lãnh đạo Hội và Ban biên tập Người Việt Odessa được tặng Hồi ký của Nguyễn Trọng Cơ gồm những bài viết bằng tiếng Nga, thời sinh viên trong đó có bài "Tôi ra đi từ những nơi ấy, ngày ấy...", kể lại đêm 28/12/1972 máy bay B52 Mỹ tàn phá Hà Nội.

Hướng đến kỷ niệm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2017), Người Việt Odessa xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài dịch trong Hồi ký của anh và những bài chia sẻ của hội viên Hội CCB tỉnh Odessa nhớ lại kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ…

Tôi ra đi từ những nơi ấy, ngày ấy...

Tôi ra đi từ những nơi ấy, ngày ấy...

Thật lạ lùng, chuyến ra đi của chúng tôi trùng với chuyến ra đi của những người lính mới được gửi ra mặt trận. Chúng tôi đến phía Bắc, còn họ - về phương Nam.
Đó là một buổi chiều có nắng. Cái nắng của mặt trời mùa thu không thiêu đốt mà ngược lại, rất dịu dàng hôn lên làn da. Bến đợi của nhà ga Hàng Cỏ hôm ấy rất đông người. Những người đi và những người tiễn đứng lẫn lộn với nhau trong đám đông. Tất cả đứng nép sát vào nhau thành từng nhóm cạnh toà nhà ga đường sắt rất lớn khi đó, còn bây giờ đã bị phá hủy. Mọi người nói rất khẽ, như thầm thì với nhau những lời rất âu yếm và tình tứ. Tôi không biết sự thật có phải như vậy hay do tôi tưởng tượng. Nhưng thực tế dưới mái vòm hỏng nát của nhà ga khi đó tôi nghe được những lời đau đớn. Sau chiến tranh, nói đúng hơn, sau cuộc ném bom dữ dội vào cuối năm 1972, khi đó nhà ga trung tâm Hà nội còn chưa kịp khôi phục lại, nhưng mặc dù vậy, hàng ngày vẫn tiếp tục những chuyến tàu đến, tàu đi. Không có một ngày nào chuyển động tại nhà ga ấy bị ngừng.

Tôi đứng trong toa tàu giữa mọi người. Ở đây có những người bạn của tôi và những người không quen biết. Không ai trong số họ có thể đoán những gì đang trăn trở trong lòng tôi. Đó không chỉ là nỗi trăn trở của người sắp xa thành phố ruột thịt của mình trong thời gian dài. Chuyện trò với bạn bè, nhưng tất cả thời gian tôi luôn ngó nhìn về phía cửa ra vào. Tôi còn hy vọng, chút xíu nữa là anh trai tôi xuất hiện. Nhưng anh đã không xuất hiện và không thể xuất hiện ở đây. Anh đang trong chuyến công tác xa. Vạm vỡ, tình anh em thật sự liên kết chúng tôi nhiều năm. Mẹ của chúng tôi mất khi tôi mới một tuổi, cha tôi mất hai năm trước. Còn một người nữa gắn bó với tôi, người mà tôi tình cờ làm quen tại nơi đợi tàu này. Anh ấy tên là Thắng và mới chỉ 18 tuổi. Bố mẹ và 2 người anh em trai ruột của anh bị thiệt mạng trong cuộc ném bom đáng sợ tại khu dân cư An Dương bởi những chiếc pháo đài bay B-52 của Mỹ. Em gái của anh bạn mới quen của tôi sống sót. Bây giờ cô ấy đang phục vụ trong một đơn vị tình nguyện trẻ tại Trường Sơn. Có thể trong hoàn cảnh những người thân thiết ruột thịt nhất của mình bị xa cách đã khiến tôi và Thắng nhanh chóng xích lại gần nhau. Ngay từ phút đầu mới quen nhau, chúng tôi đã gắn bó với nhau, nhiều lời, nhưng rất thân thiện. Nhưng quen nhau nhanh như thế nào, chúng tôi đã phải vội chia tay cũng vội vàng như vậy. Tôi chỉ kịp ghi cho Thắng địa chỉ của người anh ruột của mình ở Hà Nội, rồi hai đứa mỗi người đi về một ngả. Tôi đi về phía Bắc, còn Thắng cùng những thanh niên trẻ Hà Nội, mới trở thành chiến sĩ cách đây chưa lâu về phương Nam. Những con tàu của chúng tôi rời xa, nhưng những lời của bài hát chúng tôi yêu mến vẫn đọng lại rất lâu:

Anh vẫn hành quân.
Mặt trận đang vẫy gọi anh...

Vâng, mặt trận kêu gọi cả hai chúng tôi. Tạm gác lại thời gian cho bút và sách, Thắng ra đi tới chiến trường rực lửa ngay sau khi kết thúc phổ thông trung học. Còn tôi, ra mặt trận khoa học. Chúng tôi quen cho việc học tập cũng như phục vụ. Chúng tôi nhận thức được rằng, trường Đại học - đối với chúng tôi cũng là mặt trận khó khăn. Còn tôi - một chiến sĩ trẻ trên mặt trận này.

Trời đã xẩm tối. Khi con tàu của chúng tôi đi qua cây cầu Long Biên, tôi nhìn qua cửa sổ toa tàu để lần cuối cùng nhìn lại thành phố ruột thịt của mình. Từ đây, bờ bắc sông Hồng tôi nhìn thấy Hà Nội biến thành đảo của mình. Tôi nhìn rất lâu ra xa, nhìn thủ đô của chúng tôi “Trái tim của Tổ quốc”, lâu như vậy cho tới khi thành phố bị che khuất bởi những xóm làng phát triển dày đặc hai bên đường sắt. Chả lẽ từ giờ phút này trở đi tôi sẽ không còn được nhìn thấy Hà Nội trong thời gian dài? Chả lẽ tôi phải chia tay với thành phố ruột thịt của mình, nơi gìn giữ những kỷ niệm hàng ngàn năm, với những trang sử vàng của dân tộc chúng ta. Và ngẫu nhiên tôi có cảm giác tự hào về thành phố của mình - bởi tôi sinh ra ở đó và nơi đây đã bắn hạ hàng chục pháo đài bay của giặc Mỹ xâm lược.

Tạm biệt Hà Nội, tạm biệt thành phố ruột thịt! Xin thứ lỗi, nhưng tạm thời tôi cần phải chia tay với núi Hùng của anh, sông Ni với đền văn hoá Quốc, với hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng của anh và của tôi, giữa hồ là tháp Rùa. Hãy tha thứ, nhưng tôi cần tạm thời phải rời xa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập của Việt Nam và làng Ngọc Hà, nổi tiếng trong nước bởi sự phong phú về chủng loại và màu sắc của các loại hoa.
Hà Nội đã ở lại phía sau. Những hồi ức về Hà Nội luôn trong tâm trí tôi. Tôi không bao giờ quên những ngày cuối của năm 1972, khi những chiếc máy bay Mỹ xâm phạm các khu phố tuyệt vời đầy tính thi ca của Hà Nội. Đó là các khu phố An Dương, Mai Hương, Kim Liên. Nhà ga cổ Hàng Cỏ của chúng tôi, làng hoa Ngọc Hà, nhà máy dệt 8/3 cũng bị tàn phá. Phố Khâm Thiên lúc nào cũng vui nhộn và đông người thành đống đổ nát dưới bom đạn B-52.
Tôi sẽ không bao giờ quên đêm 28/12/1972. Khi chúng tôi đang ngủ say, những tên cướp đáng nguyền rủa với những trái bom cày xới con phố thân yêu của chúng tôi. Trong khoảnh khắc hàng trăm người đồng hương của chúng tôi bị chết hoặc bị vùi dưới đống đổ nát.
Sự kiện đáng sợ này xảy ra hơn 4000 ngày trước, nhưng cho tới bây giờ trong tâm trí tôi lúc nào nó cũng như mới xảy ra hôm qua. Trong cái đêm tôi rời Hà Nội, những hồi tưởng đó lại tràn đầy trong tôi. Và bây giờ, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, trước mắt tôi lại hiện lên bức tranh đêm đó.

Màn đêm buông xuống, bình thường như hàng trăm đêm khác trước khi xảy ra chiến tranh. Tôi nhớ đêm thứ 10 sau khi giặc Mỹ nối lại các cuộc ném bom Hà Nội. Lúc đó vào khoảng 10 giờ đêm. Thành phố trong lớp sương mỏng. Thời tiết hơi lạnh và phố xá đã vắng người. Hiếm hoi có vài ánh đèn của một số gia đình hắt qua cửa sổ, xuống đường. Có thể đằng sau những cửa sổ đó, các cặp vợ chồng trẻ sau một ngày lao động nặng nhọc, hay là một nhà sử học trầm ngâm trước những trang của công việc mới. Còn ở kia, có thể một bác sĩ sản phụ đang tiếp đón một công dân tí hon mới chào đời của Việt Nam anh hùng. Tôi không biết chính xác còn những ai nữa đang ngủ sau những cánh cửa vẫn chiếu sáng đó. Nhưng ngồi sau một trong những cánh cửa đó là chúng tôi - những dân quân của thành phố.

Câu chuyện đang vui nhộn của chúng tôi bất ngờ bị cắt đứt bởi tiếng còi báo động. Lập tức toàn bộ ánh đèn trong thành phố được tắt. Hà Nội trở nên trống trải dưới ánh trăng lạnh mùa đông, chỉ thấy hình bóng của những toà nhà. Chúng tôi nhanh chống chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Tiếng còi báo động tại các khu phố im dần và lập tức nghe thấy tiếng máy bay từ xa. Tiếng gầm rú tiến lại gần. Và bất thình lình từ các điểm trong thành phố, những quả cầu lửa phóng lên. Pháo và tên lửa của ta cùng phát hỏa. Tiếng pháo và tên lửa vang rền. Tất cả những con “Rắn lửa” và “Rồng lửa” đó đan quyện vào nhau trên cao. Bầu trời Hà Nội trở thành màu hồng. Và chúng tôi nhìn thấy phía bầu trời cao một biển lửa sáng rực - Hoan hô, máy bay B-52 bị bắn rơi. Trong tiếng nổ, chúng tôi nghe thấy những tiếng reo hò mừng rỡ. Như thể một lưỡi lửa khổng lồ, pháo đài B-52 bị bắn trúng rơi về hướng Nam thành phố. Vào thời điểm này có cái gì đó đập mạnh vào tai, tôi cảm thấy tức ngực. Tôi hiểu rằng, cuối phố bên cạnh có trái bom nổ. Cửa sổ của các nhà lân cận, các cửa sổ bị thổi bay, kính vỡ vụn. Mặt đất rung lên dưới chân. Tôi cảm giác như mình đang ở trong võng. Có ai đó thét về hướng tôi: Tất cả xuống giao thông hào! Có cả tiếng gào của ai đó ”Máy bay đang bay, tất cả xuống hầm trú ẩn”.
Tôi nhảy về lối vào của hầm tránh đạn, nhưng chưa kịp xuống hầm, có cơn gió lạ lùng đốn chân tôi. Tôi bị rơi xuống phía dưới, đất như những trận mưa đá, phủ đầy mình. Tôi không nghe thấy gì nữa, hình như bị điếc. Chẳng bao lâu sau tỉnh dậy, tôi cố đứng lên. Theo toàn thân, tôi có cảm giác đau không gì tả nổi, như có ai đó vừa đánh tôi bằng roi, gậy. Mãi mới đứng nổi bằng đôi chân, tôi nghe thấy từ phía khác của hầm tránh bom tiếng người đàn ông trong tuyệt vọng: “Những người phúc đức, xin cứu tôi với! Bọn chó chết Mỹ ném bom nhà chúng tôi! Ai đó cứu tôi với!”.
Xa hơn, một tiếng kêu lịm dần, đứt quãng: ”Hãy cứu chúng tôi! Hãy cứu! Nơi tránh bom của chúng tôi đã bị sập. Mọi người ở bên dưới...hãy cứu ... nhanh lên!”.
Tôi chạy thật nhanh, nhưng chả nhìn thấy gì cả. Mắt tôi giàn giụa nước mắt. Xung quanh toàn bụi. Tôi bước về nhà mình. Không còn lại gì ngoài đống đổ nát. Và tại thời điểm đó tôi nghĩ mình không cần ở đây để cứu đồ của mình, mà phải đi cứu người, những người đang kêu cứu giúp đỡ.

Hai giờ trôi qua, sau khi giải thoát những người bị vùi lấp, bị thương dưới những toà nhà đổ khu phố chúng tôi và chuyển họ cho các nhân viên y tế, tôi lang thang trở về nhà. Anh trai tôi đang ngớ người đứng đó. Nhà của chúng tôi duy nhất chỉ còn lại bức tường bị phá một nửa. Chúng tôi đứng đó rất lâu không thốt một lời. Cũng chả có gì mà nói. Chúng tôi quyết định không an ủi nhau những lúc nặng nề như thế này, hiểu rằng, chiến tranh nên điều này có thể xảy ra. Nếu như không phải hôm qua thì hôm nay, hoặc ngày mai. Tôi không khóc, chỉ rất lấy làm tiếc. Bởi vì nhà của chúng tôi là do bàn tay lao động lâu năm của cha mẹ dựng lên. Tôi âm thầm nguyền rủa lũ phi công Mỹ. Chính họ đã nhấn nút tiêu hủy tất cả những gì thiêng liêng đối với tôi, liên quan tới thời thơ ấu và tuổi xuân của tôi.
Trong tai tôi vang lên lời Bác Hồ:”Giặc Mỹ có thể phá hủy Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác của chúng ta, nhưng cuộc đấu tranh của chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi hoàn toàn...Sau khi toàn thắng chúng ta sẽ xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Vâng, tôi biết và tin vào nơi ngôi nhà cũ của tôi trong tương lai không xa sẽ mọc lên toà nhà mới, nhiều tầng, sang trọng. Chúng tôi chỉ là một trong hàng trăm ngàn người bị thiệt hại trong cuộc chiến tranh này. Biết rằng, tôi và anh trai tôi là số ít chưa thấm gì với tất cả những người bị thiệt hại. Nhưng dẫu sao cũng không thể không tiếc thư viện nhỏ của mình, nơi tôi cất giữ rất cẩn thận lịch sử Nga nhiều tập và văn hoá Xô Viết ,tuyển tập thơ của Sespir, Puskin, các tác phẩm của Gogol. Ở đâu và bao giờ mới thu thập được những tác phẩm và các sáng tạo nghệ thuật? Còn anh tôi, anh đang nghĩ gì? Có thể đang nghĩ về dự án tượng đài kỷ niệm chưa hoàn thành tại vùng thủy điện Thác Bà? Bởi mới chỉ hôm qua thôi, anh kể cho tôi sẽ hoàn thành trong tuần này và đưa ra thảo luận.

Nhà đã bị phá hủy, nhưng có thể xây mới. Còn việc lấy lại công sức lao động đã mất? Không hề dễ chút nào!
Trong những phút nặng nề đó, tôi chợt nhớ tới bộ phim nổi tiếng Xô Viết tôi vừa xem cách đây chưa lâu. Bộ phim có tên
“Không có nỗi đau xa lạ”. Bộ phim không chỉ là tác phẩm nghệ thuật. Đó là tiếng nói trong lòng của những người Xô Viết, trước hết thổ lộ với chúng tôi, nhân dân Việt Nam. Đó là trái tim Xô Viết, lương tâm Xô Viết. Không ai có thể hiểu chúng tôi tốt hơn người Liên Xô. Bởi chính nhân dân Liên Xô cũng từng trải qua cuộc chiến tranh đáng sợ.
Và khi tôi hiểu rằng, những cay đắng mất mát của chúng tôi là cay đắng mất mát chung của những người trung thực toàn thế giới. Và cuối cùng, bằng sức lao động của mình chúng tôi khôi phục lại những thứ đã mất, nói đúng hơn, những thứ bọn giặc Mỹ cướp của chúng tôi.
Chẳng bao lâu sau, tôi và anh trai đã làm cho mình một cái lều để sống tạm thay cho ngôi nhà đã đổ nát. Thật khó sống trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng biết làm sao được! Bởi chiến tranh cũng vừa mới kết thúc. Còn nhiều người trong thành phố chúng tôi, các thành phố khác, và nông thôn điều kiện còn tồi tệ hơn nhiều. Đối với họ, trước hết phải làm nhà. Chúng tôi được đề nghị chuyển vào nhà mới, nhưng anh trai tôi từ chối. Và chúng tôi nhường chỗ ở cho gia đình hàng xóm đông con.
Đúng vào cái ngày khi điều này xảy ra, tôi nhận được hướng đi học ở Liên Xô. Ba tháng sau khi tôi trải qua kỳ thi sơ tuyển, người ta đưa cho tôi vé để ra đi.
Đêm trước khi ra đi, tôi nhìn lại phố Khâm Thiên của mình. Vào thời điểm đó nó đã hồi sinh lại cuộc sống trước đây của mình. Những chiếc nhà bị phá hủy, được khôi phục lại hoàn toàn. Bệnh viện được sơn mới. Hàng trăm hố bom đạn được lấp. Cây cầu đã được trải nhựa mới. Và bên cạnh ngôi nhà của chúng tôi trước đây mọc lên một đài kỷ niệm “Hận thù và thịnh nộ” và giữ lại hố bom lớn hình phễu, nơi ngôi nhà bị phá hủy. Trong đó nước sâu đến 3-4 mét.
Bên cạnh hố bom đó một ngôi nhà mới của Thoa, người phụ nữ hàng xóm của tôi được xây xong. Bây giờ bà sống trong đó cùng các con: Con trai 10 tuổi và con gái 3 tuổi. Cha của bọn trẻ bị giết trong đêm ấy. Khi tôi đến, lũ trẻ đang chơi trên chiếc cầu nhỏ bắc qua hố bom. Trên đầu chúng còn quấn khăn tang. Bé gái có lẽ nhanh quên những gì đã trải qua, nhưng anh trai của nó trở thành cậu bé quá nghiêm nghị so với tuổi. Cậu hiểu rằng cậu trở thành trẻ mồ côi. Cũng như tôi, những đứa trẻ ấy chỉ còn lại những thứ mang trên người trong đêm ấy. Và tôi đến không chỉ để nhìn lại nhà mình, mà còn để thăm gia đình người hàng xóm của tôi. Ngôi nhà nhỏ của bà Thoa khá khiêm tốn - phần bên trái được đặt một chiếc giường mới, bức tường đối diện có chiếc bàn và ghế, cạnh đó là chiếc tủ nhỏ, bên trong - hai tấm ảnh trong khung, một ảnh là chồng bà, ảnh thứ hai là ảnh đứa con trai lớn của bà. Cuối tháng trước Thoa nhận được tin con hy sinh. Người con trai bà anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Cha của anh cũng bị hy sinh trong những ngày ấy, tức là trước đêm hoà giải. Trong nhà Thoa tràn ngập khói nhang.

Đứng trước bà tôi không thể hình dung, bằng cách nào người phụ nữ mảnh khảnh đó vượt qua được nỗi đau quá sức đổ xuống người bà. Và bây giờ bà sống không phải cho mình mà là cho các con. Nhìn vào nỗi đau của Thoa, bằng trái tim mình, tôi hiểu rằng, không có nỗi đau xa lạ. Tôi muốn nói với Thoa rằng, nỗi đau của Thoa là nỗi đau của tôi, còn nỗi đau của chúng tôi là nỗi đau của toàn dân tộc. Và nỗi đau của toàn dân tộc Việt Nam là nỗi đau chung của cả loài người tiến bộ. Nhưng tôi không nói ra điều này. Bởi chính Thoa cũng hiểu điều đó chẳng kém tôi.
Tôi tạm biệt người phụ nữ hàng xóm của mình, kể rằng tôi đi học ở nước ngoài. Chúc bà mạnh khỏe và hạnh phúc. Tôi hứa với bà sẽ viết thư cho bà và xin bà nhất định phải viết cho tôi tất cả những gì thay đổi xảy ra ở khu phố chúng tôi. Theo truyền thống, trước khi ra đi, tôi tặng lại cho những đứa trẻ những đồ vật của mình, những thứ tôi tìm lại được trong ngôi nhà đổ của tôi trong trận ném bom vừa qua - đó là chiếc bút máy và vài quyển vở với cây bút chì.
Tôi còn nghĩ rất lâu về những đứa trẻ ấy cho tới khi chuyến tàu mười ngày của chúng tôi chuyển bánh.

* * *
Và lần đó, cuối cùng chúng tôi đã về tới Moscow vào buổi sáng sớm. Buổi sáng lạnh đã tiếp đón chúng tôi! Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng, Moscow là thành phố của hoà bình. Còn ở chỗ chúng tôi người ta nói, Liên Xô - đó là tương lai của Việt Nam.
Tôi sống ở Moscow một năm. Ở đây tôi gặp rất nhiều người. Có một lần, cạnh Ngọn lửa Vĩnh Cửu, tôi làm quen với một cựu chiến binh. Biết tôi là người Việt Nam, ông tiến lại gần phía tôi bằng đôi nạng và hỏi luôn: ”Việt Nam hả!? Tôi rất hiểu các bạn. Tôi tham gia chiến đấu và bị mất chân trong chiến tranh. Chúng tôi rất lo lắng và cảm thông khi Hà Nội bị ném bom...”.
Ông nói: ”Chúng tôi”. Nhưng tôi hiểu, “Chúng tôi” có nghĩa là những người dân Xô Viết.
Có rất nhiều người dân Xô Viết bị hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng chính họ đã cứu cả thế giới. Người cựu chiến binh ấy bị mất chân trong chiến tranh, đó là một cái giá đắt. Nhưng nhờ vậy bây giờ trẻ em hạnh phúc, vui vẻ nô đùa chạy quanh chúng ta.
Chả lẽ chúng ta, ở Việt Nam, bị mất người thân, nhà cửa không vì mục đích vĩ đại? Tôi nhớ đến Thắng. Bây giờ anh cách tôi rất xa, đang bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
Và tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa đất nước chúng ta thống nhất. Thắng sẽ trao lại vũ khí cho những người đồng chí trẻ của mình, rồi cũng tới đây để học tập. Còn đi đâu nữa, nếu không tới đây?!
Dịch theo Hồi ký của Nguyễn Trọng Cơ.


Người dịch Nguyễn Như Mạnh