Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang

Thứ hai, 14/05/2018 | 12:56
Có thể nói, trong thời bao cấp, ai mà được đi lao động ở nước ngoài hẳn đó là một niềm vinh dự, hạnh phúc rất lớn. Dù đã gần 30 năm trôi qua nhưng những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tấn – cựu thành viên nhà máy giày da cùng Người Việt Odessa đã gợi lại khoảng thời gian đáng nhớ ấy đầy ắp kỉ niệm.

Nhắc đến Hà Giang, người ta nhớ ngay đến quần thể núi non hùng vĩ, hiểm trở và là nơi địa đầu của tổ quốc. Mang trong mình tình yêu, lòng tự hào quê hương đất nước và cả trách nhiệm của anh bộ đội cụ Hồ, người con của mảnh đất ấy - ông Nguyễn Văn Tấn đã từng là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ đắc lực trong ban tác chiến, phòng tham mưu bộ chỉ huy quân sự Tỉnh giai đoạn 1982-1986. Đến ngày 29/12/1987, sau khi Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 227/HĐBT về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, ông chuyển về phục viên. Được một thời gian, cả ông và gia đình vỡ òa khi nhận được thông báo 2 tháng sau (tức 6/1988), ông sẽ qua Liên Xô lao động.

Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang

Hay tin, cả nhà ai cũng phấn khởi, hạnh phúc. Niềm vui ấy còn nhân lên gấp đôi khi biết ông đã nhận được sự ưu ái “duy nhất” của cả tỉnh. Giai đoạn đó, nước ta còn nhiều khó khăn vì đang trong thời kì bao cấp. Hơn nữa, Vị Xuyên – một huyện của tỉnh Hà Giang lại đang là trọng điểm đánh phá của địch, nơi hứng chịu mưa bom, bão đạn trong suốt cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía bắc (biên giới Việt-Trung) nổ ra từ rạng sáng ngày 17/02/1979 và kéo dài đến năm 1989. Vì thế, Vị Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung là nơi chịu nhiều đau thương, tổn thất nhất, khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Cơ hội đến như chắp thêm đôi cánh giúp ông vững tin hơn vào ngày mai.

Bố mẹ là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, với tư cách là người anh hai trong gia đình, ông nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Lần đầu tiên xa nhà, đến một chân trời mới với bao lạ lẫm, bố mẹ ông dù rất vui và tự hào về con mình nhưng cũng không thể che đi hết những lo lắng, trăn trở trên khuôn mặt đầy vết chân chim. Có những lời căn dặn đã được nói ra để ông biết cách tự lập, sống tốt nơi đất khách quê người và bao nỗi niềm chất chứa tình thương con, thương anh hiện hữu qua những cái ôm thật chặt, nét mặt rầu rĩ của đàn em trong bữa cơm chiều, cả những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên má người mẹ, dù quệt vội cho con yên tâm nhưng ngấn lệ nơi khóe mắt cũng đủ để ông chạnh lòng, xót nỗi xa nhà và càng thương bố mẹ mình hơn. “Nhớ biên thư về cho mẹ thường xuyên, nhé con!” – Câu nói nghẹn ngào mà ứa lệ của bà đến bây giờ nhớ lại, ông vẫn không khỏi xúc động mà rưng rưng theo. Hồi đi lính mẹ cũng đã dặn ông như thế, và lần này, câu nói được lặp lại khắc khoải hơn vì chuyến tha phương này thật sự xa xôi cách trở. “Không biết bao giờ mới trở về quê hương? Bao giờ mới gặp lại mẹ cha?” - ông tự vấn rồi lại tự trấn an bản thân vì một tương lai tươi sáng.

Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang

Hai tháng chuẩn bị đã trôi vèo. Nếu như bạn bè ở thủ đô, trong các gia đình khá giả, họ có điều kiện để tìm hiểu thêm thông tin về nước mình sắp đặt chân tới thì không những họ có khả năng mua nhiều đồ hơn mà còn có thể mang theo cho mình những vật dụng cần thiết để sớm thích nghi nơi xứ người. Nhưng với ông thì ngược lại, ông vẫn vui vẻ lên đường khi hành trang chỉ là cái túi xách nhẹ hều vẻn vẹn mấy bộ quần áo, một số đồ dùng cần thiết và vài gói “chè Hà Giang”. Ông bỗng xúc động khi nhớ lại cái bắt tay, siết chặt hôm đó. Thủ trưởng đơn vị - một vị lãnh đạo mà ông đã được gắn bó gần chục năm, nở nụ cười đôn hậu, vỗ nhẹ vào vai ông dặn dò người chiến hữu của mình trước lúc đi xa “dù đi đâu, làm gì cũng phải giữ đúng bản chất anh bộ đội cụ Hồ và phải luôn nhớ về mảnh đất Hà Giang thân yêu này nhé!”. Ông nhắm mắt, hít một hơi thật dài như muốn mang theo mùi của đất, quê hương đầy ắp nghĩa tình này, và tiếp thêm cho chính ông niềm tin, nghị lực để cố gắng vươn lên, lấp đầy những khoảng trống mang tên khó khăn, thiếu thốn.

Chào gia đình, ông tới Bộ Quốc Phòng, gần bến xe Gia Lâm, ở đó ngày ấy từng là cơ quan đối ngoại có phòng khám sức khỏe để đi lao động nước ngoài. Sau một tuần, ông từ đó cùng mọi người lên sân bay, bay thẳng đến Moscow và đến Odessa làm trong nhà máy giày da. Lần đầu được đến sân bay Nội Bài và cũng là lần đầu tiên được lên máy bay, ông nhớ như in cảm giác lạ lẫm lúc đó: mùi điều hòa mát lạnh có phần khiến đầu ông choáng váng, tiếng ù ù đến nhức óc khi máy bay cất cánh gây ra chênh lệch áp suất khiến ông nhăn nhó, quay cuồng và cả những bữa ăn đậm chất văn hóa từng nước mà lần đầu ông được nếm thử, thưởng thức, mùi vị tất nhiên, khác xa bữa cơm nhà mẹ ông vẫn nấu. Tất cả với ông đều mới mẻ.

Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang

Thế là sắp xa quê thật rồi! - Ông nhắc nhẹ lòng mình vậy. Phóng tầm mắt nhìn qua ô cửa sổ xuống những cánh đồng mênh mông bát ngát, những con trâu đang thũng thẵng nhoàm nhoàm nhai cỏ, quẫy quẫy cái đuôi…, mọi thứ đều yên bình, thân thương quá đỗi. Do nhiều lí do nên gia đình không thể tiễn ông trước chuyến đi dài và xa này được nên một chút chạnh lòng là tâm trạng dễ hiểu với bất kì người nào trên chuyến bay ấy. Đời người lính dù gian khổ, hiểm nguy đến đâu họ cũng không nản chí, dù quyết đoán, nhạy bén đến đâu khi đưa ra các đường lối tác chiến thì sâu trong tâm hồn, họ là những người cực kì tình cảm. “Tạm biệt Việt Nam thân yêu! bố mẹ và anh em ở nhà giữ gìn sức khỏe nhé, con đi đây!”. Mắt ông rơm rớm, đau đáu hướng về chân trời xa với những màu tươi sáng.

Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang

Một ngày đẹp trời gần giữa tháng 6 năm ấy, chuyến bay chở đoàn công nhân đến Odessa làm việc đã hạ cánh an toàn với những khuôn mặt rạng rỡ, hân hoan, tràn ngập niềm tin vào ngày mai no ấm. Cũng giữa ngày hè, nhưng ông nhận thấy sự oi bức, nóng nực ở sân bay Nội Bài đối lập hoàn toàn với sự mát mẻ, dễ chịu nơi đây. Mùi vị của đất, của quê hương Hà Giang nay đã được thay thế bằng toàn những điều mới mẻ. Lấp đầy bầu khí quản bằng một cái hít thở thật sâu mang đủ những dư vị tin yêu, hi vọng. Nỗi lòng xa nhớ gia đình, quê hương còn đó, ông dang rộng cánh tay, mỉm cười, vững tin vào tương lai.

Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà GiangTôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà GiangTôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang

Chợt gợi lại kí ức gần 30 năm về trước, với đôi mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn, ông không nén được sự xúc động. Cũng lâu lắm rồi, có những kỉ niệm đã mờ nhạt dần trong tâm trí người lính, thành viên của nhà máy giày da năm xưa nhưng tình cảm ngày ấy, khoảng thời gian ấy mãi là một phần kí ức đẹp trong ông. Giờ đây, bà con trong cộng đồng vẫn thường nhắc đến ông, một người công nhân chỉn chu, đứng đắn trong ăn mặc và hành xử, luôn biết quan tâm chu đáo, hỏi han đến tất cả mọi người. Không chỉ vậy, ngay từ khi Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev, Ucraina được thành lập, ông đã là một người cộng tác viên tận tụy, hết lòng vì công việc, vì tập thể chung. Sau một chặng đường dài gắn bó, được sự tín nhiệm, tin tưởng đặc biệt từ các cán bộ ngoại giao, hiện giờ, ông đang làm phục vụ cho cơ quan ngoại giao ở Kiev. Đồng thời, với tư cách người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình, ông luôn cùng vợ giữ lửa yêu thương, xây đắp, vun vén mái nhà hạnh phúc mà bao người ngưỡng mộ. Đáng trân trọng hơn, sự chất phác, chân thành của con người Hà Giang, những đức tính quý báu của anh bộ đội cụ Hồ vẫn được ông ghi nhớ, giữ gìn và phát huy.

Vô Ưu