Cho đến bây giờ “Bắp chân đầu gối vẫn săn gân”, vẫn mong một ngày trở về “Ngõ nhỏ nhà tôi ở Hà Nội đó”.
Và, các bạn có biết không? Cuộc hành trình bền lâu qua các nẻo đường ấy ấn tượng, lắng sâu giữ mãi trong ký ức là chuỗi ngày đi làm bằng Metro mà tôi đã ghi chép, chia sẻ cùng bạn đọc gần xa liên tục 8 phần lần lượt đăng tải trên chuyên mục “Chia sẻ cộng đồng” của “Người Việt Odessa” từ năm ngoái. Định tạm dừng hoặc kết thúc phần vì muốn để ai đã từng hay dự tính sẽ có mặt tại thành phố trong lòng đất tự cảm nhận. Phần vì ngại ngần ai đấy “bằng mặt mà không bằng lòng” ngấm ngầm chê bai tôi viết ra để bao che cho cái nghèo của mình, không đủ sức mua nổi chiếc xe động cơ bốn bánh cho bản thân hoặc thì thầm nói “kháy”: Biết rồi khổ lắm nói mãi! Cũng cảm thấy ngượng lắm. Nhưng im lặng, lờ đi và buông lỏng thả trôi, chả hóa ra “Lậy ông tôi ở bụi này à!”. Thế là để lấy lại sự cân bằng, đàng hoàng “đường ta ta cứ đi”, tôi quyết định tâm tình thêm đôi điều nữa vào những ngày cuối năm 2017 này. Nhất là, hôm vừa rồi đang lững thững đi giữa Trung tâm thương mại Барабашова vào thứ ba, mới giữa trưa chợ vắng tanh vắng ngắt như đã về chiều, bỗng nhận được “cú” điện thoại khá “giật gân” của anh bạn thân:
Tôi “nghiêm túc” đáp:
Nghe hết câu, giọng vui vẻ anh bạn động viên:
Vững tin tôi đồng tình luôn. Về nhà tranh thủ lấy giấy bút viết liền
… Nhớ mãi, những buổi ngồi trong toa tàu dưới lòng đất, nhiều lần không phải bỗng dưng nhớ câu: “Thời gian thấm thoắt thoi đưa” càng làm sáng tỏ thêm quyết định tôi đi làm bằng Metro từ 12 năm về trước là hoàn toàn đúng đắn. Nếu ngẩn ngơ bỏ qua “nó đi đi mãi chẳng chờ đợi ai” thì làm sao hiện thời có được trong tầm tay sức khỏe là có tất cả cũng sớm tiếp cận và nhanh nhạy hội nhập nếp sống văn hóa trong cách đối nhân xử thế nơi công cộng, chốn đông người của người dân bản xứ để theo kịp cuộc sống mới đang phơi phới đi lên. Thêm vào đấy, có một món quà tinh thần đặc biệt dường như chỉ dành cho những ai đi Metro, được trao tặng ngay tại cửa ra vào của “thành phố trong lòng đất”. Đó là hai tờ báo quen thuộc xuất bản tại Kharkov, được độc giả trân trọng “Вести” (Tin tức mới) 8 trang màu, đăng tải những bài bình luận nóng hổi về tình hình thời sự, chính trị, kinh tế trong tuần. “Бесплатка” (không phải trả tiền mà muốn mua cũng không có ở quầy bán báo nào) dày đặc 32 trang quảng cáo mua đi bán lại đủ mọi thứ trên trời dưới đất. Cao sang như nhà lầu, xe hơi, tầm thường như may ô, quần đùi. Nghĩa là chả thiếu một thứ gì cho mọi thành phần, tầng lớp xã hội giàu nghèo, cho mọi giới tính đàn ông lẫn đàn bà, trẻ sơ sinh lẫn người cao tuổi “gần đất xa trời”. Riêng tờ báo này, chắc chắn những đại gia “trong tay sẵn có đồng tiền” lại quen thói “có mới nới cũ” (Ngụ ý theo đuổi thời trang thích mua sắm đồ hiện đại và cần “thải” những gì “cổ lỗ sĩ” của mình) chả bao giờ có bởi vừa bước chân ra khỏi nhà đã chễm chệ ngồi bên tay lái, lo công việc riêng tư kiếm tiền, thì hỏi rằng có tiếc thay cho họ không cơ chứ!
Tôi đi làm bằng Metro, tính đến hôm nay đã có chiều dài 12 năm và sẽ tiếp tục gắn bó với nó khi “đầu gối vẫn săn gân”. Còn bởi, những lúc ngồi trong toa tàu là những giây phút thanh thản tuyệt vời, cho tâm hồn bay bổng khắp muôn nơi là những dòng suy tư về lẽ sống làm người, về tình nghĩa vợ chồng, tình bạn keo sơn, cả tình yêu thủy chung nữa, sao cho thấm đậm. Nhất là thời bận rộn với “bút nghiên” với cái nghiệp làm báo cộng đồng đã xuất hiện bao chủ đề phong phú cho những trang báo “chia sẻ” khi ngồi bên những người cùng cảnh ngộ trong một toa theo dòng đời đua chen.
Tôi đi làm bằng Metro lâu ngày thành thói quen mà đã là thói quen thì rất khó sửa. Vì thế cho nên, nhiều buổi dự lễ hội, tiệc tùng tại nhà hàng ẩm thực Việt Nam Thăng Long, thậm trí cả công việc hiếu hỉ đôi lúc lạm dụng thời gian “nhàn tảng” của mình, tranh thủ đi Metro vừa nhanh vừa có lợi cho cả đôi bên. Thế mà đã chẳng cảm thông cho thì thôi, vẫn còn người nhìn tôi bằng con mắt “dưới tầm suy tư”. Nhưng vốn khiêm tốn giản dị của người Hà Nội xưa nên vẫn theo đường mòn Metro cũ miễn sao đi đến nơi về đến chốn, hợp tình hợp lý bằng lương tâm và trách nhiệm cũng như nguyện vọng chính đáng của mình.
Hàng ngày sáng đi, chiều về bằng Metro. Chuyển hướng đổi bến 2 tuyến đường từ Победа (Chiến thắng) qua Университет (Trường Đại học Tổng Hợp) tới Trung tâm thương mại Барабашова tính ra, bàn chân tôi còn phải bước qua hơn 400 bậc thềm từ lòng đất lên trên mặt đường và ngược lại. Nếu “xếp” lại 12 năm trôi qua sẽ thành chiếc thang dài “vô biên” có thể bắc tới chín tầng mây, leo lên đấy mạnh bạo hỏi ông Trời xem phận mình ra sao mà lại thích đi Metro đến thế… Trong khi đợi chờ ngày ấy, về phía mình tôi đã tự nhận bởi “Bắp chân đầu gối vẫn săn gân”.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov