Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng Metro - Phần 8: Đôi khi vui hóa buồn nhưng vẫn lạc quan

Thứ ba, 19/09/2017 | 08:07
Thế là ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 10 năm “Trường kỳ” tôi đi làm bằng metro. Thu hoạch được nhiều điều bổ ích cả về tinh thần lẫn thể chất như đã bày tỏ liền 7 số báo, lần lượt đăng tải trên chuyên mục “chia sẻ” của “Người Việt Odessa” – tiếng nói cộng đồng người Việt tại Odessa – của Hội người Việt Nam tỉnh Odessa.

Liền sau đấy, hồi âm của độc giả Kharcov là niềm tự hào về mảnh đất nơi mình đang mưu sinh “cơm áo gạo tiền” có hệ thống giao thông công cộng trong lòng đất từ năm 1975 – chiếm vị trí thứ 2 tại Ucraina sau Kiev. Tiếp đến, tình cảm của bạn bè gần xa mãi tận Odessa, Kherson… thì bày tỏ mong mỏi nếu có dịp đến Kharcov phải “mục sở thị” thành phố trong lòng đất ấy để khi nào “về quê” còn có chuyện mà nói khiến niềm vui trong tôi càng dâng tràn. Đậm đà thêm là những cuộc tái ngộ “không hẹn mà lên” với những người thân quen, từng gắn bó một thời trong một chiến hào “cưỡi ngựa xem hoa, hái lộc”.

Vâng. Như mới tuần trước đây thôi, vừa bước chân vào toa tàu điện ngầm chật ních người đã “chạm trán” ngay với nguyên Phó Tổng giám đốc trung tâm thương mại. Nhận ra nhau mặc dù cuối năm 2003, ông ta đã chuyển ngành, còn tôi ở lại. Xa nhau bấy nhiêu thời gian, chuyện trò vẫn ấm áp như ngày nào còn là cộng sự. Thân tình cho tới lúc con tàu cập bến, chia tay đôi ngả, chép miệng thở dài, nhớ lại một thời “lên voi” ấy!. Lần khác, vừa bước chân lên mặt đất, đang lững thững đi bộ bên lề đường với bao suy tư, những thăng trầm đời một con người, bỗng giật mình dừng chân khi chiếc ô tô đen mác “con báo” đỗ sững bên. Cửa mở, một người đàn ông cao lớn bước ra, đi nhanh về phía tôi. Chưa kịp hoàn hồn thì vị chủ tịch tập đoàn cách đây 14 năm chủ động chào tôi trước. Thân mật hỏi han đủ mọi thứ “trên trời, dưới đất” xong đâu đấy, ông ta nắm chặt tay tôi tạm biệt như những lần tôi có mặt trong phòng của ông “chủ chợ” ấy vì công việc kinh doanh “hai bên cùng có lợi”, thì hỏi rằng mỗi lần nhớ lại có buồn không cơ chứ.

Thêm nữa, từ đầu tháng 9 vào năm học cho đến tận bây giờ, chả hiểu duyên nợ thế nào, sớm ngày bước ra khỏi nhà là gặp ngay ông bạn hàng xóm – giáo sư Tiến sĩ, phó hiệu trưởng Viện dược Kharkov – rảo bước đi làm. Nhập cuộc, hai chúng tôi đồng hành cuốc bộ đến tận bến Metro “Победа” (chiến thắng). Trên quãng đường dài gần 2 cây số ấy, vốn quen biết nhau đã ngoài 30 năm trời tại khu chung cư này nên chuyện trò lúc nào cũng rôm rả như pháo hoa nổ vào đêm giao thừa.

Có lần tôi thân tình hỏi:

  • Sao ông không để xe “công” đưa đón hàng ngày, thi thoảng…

Chả đợi tôi nói hết câu, ông ta cười hiền lành thổ lộ:

  • Đã có đôi chân thay thế rồi thì cần gì nữa. Vả lại, đi bộ cho khỏe người chẳng tốt hơn à!

Biết lỡ lời, vô tình khơi lại nỗi buồn của mình đã đành mà còn động đến người cùng cảnh ngộ nữa sao đặng, tôi im lặng thầm trách và nhắc mình quên đi nỗi buồn ấy vì mình đã tự nguyện đi bộ làm niềm vui cơ mà. Thế là, thay vào đấy, chủ đề: Việt Nam - Đất nước và con người được quán triệt hầu hết nội dung cuộc hội thoại trên quãng đường đồng hành đến metro, trong cả toa tàu trở thành niềm vui của cả hai. Và, lần nào cũng vậy ông ra rất chú ý lắng nghe, cảm nhận như thể đã tìm ra những nét đẹp riêng của người phương Đông được kiểm nghiệm qua những lần tiếp xúc với sinh viên Việt Nam học tại Viện dược của ông ấy. Ông thường tỏ ra có cảm tình với quê hương mình như có lần bộc bạch tâm tình với tôi: Sẽ có một ngày đến Việt Nam để “mục sở thị” những gì đã đọc qua báo chí – chả là, trước đây, chẳng số báo “Вьетнам Сегодня” (bằng tiếng Nga) xuất bản tại Kharcov – có trong tay là tôi không tặng ông ta, như thể tuyên truyền thêm về đất nước mình. Nghe ông ta nói, niềm tự hào về đất nước mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành càng dâng tràn. Nhưng liền sau đó, với tôi là nỗi buồn vô hạn vì đã lâu chưa “về quê” để sưởi ấm lòng mình sau những năm tháng “quá nửa đời phiêu dạt nơi xứ người”.

Đặc biệt, hôm vừa rồi chợt tỉnh giấc sớm, Nhớ lời tâm sự của La Thứ, giọng đầy than vãn: “Sao giờ này vẫn còn không ít nhân vật hay tự khoe mình, coi mình hơn mọi người biểu hiện qua những lúc chuyện trò bên ấm chè xanh, ngọt ngào hương bị quê hương”, khiến tôi không sao ngủ tiếp được. Bù lại, tôi bèn trở dậy, lấy báo “Tuần tin quê hương” - Số đặc biệt Chào mừng Quốc khành nước CHXHCN Việt Nam và Kỷ niệm báo Tuần tin Quê Hương phát hành số 200. Tranh thủ đọc bài “Đừng nghĩ mình quá quan trọng” – Tựa đề bài phỏng vẫn anh Lê Viết Lam – Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Ucraina, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Kharcov, do nhà báo Hồng Thanh Quang thực hiện hồi đầu tháng 8 năm 2006 – Nhưng chưa kịp đọc hết thì đã đến giờ “khởi hành” – Đi làm bằng metro, nên đành mang theo người đọc tiếp, lúc ngồi trong lòng đất, phần vì muốn tự răn mình giữ gìn được đức tính khiêm nhường của người Hà Nội xưa, phần vì muốn nhắc nhở những ai hay tự kiêu tự đại hãy “Nhớ mình là ai, đang ở đâu và làm gì”. Nhưng chưa kịp đọc hết đã đến giờ "khởi hành" - Đi làm bằng Metro, nên mang theo người đọc tiếp lúc ngồi trong lòng đất, phần vì muốn tự răn mình giữ gìn đức tính khiêm nhường của người Hà Nội xưa, phần vì muốn nhắc nhở những ai hay tự kiêu tự đại, hãy "nhớ mình là ai, đang ở đâu và làm gì". Gặp nhau hôm nay như thấy khác lạ khi nhìn, tôi cầm trong ray một quyển tạp chí. Ngỡ  “Вьетнам Сегодня”, ông bạn hàng xóm mừng rơn hỏi:

-Lại “tái bản” đấy à!

Tôi lắc đầu thở dài. Ngậm ngùi tiếc nuối thay cho cả “Người bạn của mọi nhà” đã vắng bóng cách đây hơn 4 năm.

-Dĩ nhiên. Tôi đáp.

Kỳ lạ thay, vừa lật mấy trang đầu, ông ta đã khen lấy khen để:

- Ảnh anh chụp với ai trông chững chạc thế!

- Một trong những doanh nghiệp Việt Nam thành đạt nhất ở Ucraina nay đang ở Việt Nam cũng vậy. Tội vội trả lời.

Nhìn tôi bằng con mắt cảm thông, ông ta “nựng” ngay được:

- Hồi ấy, anh cũng...

Lần này, không để ông ta nói thêm, tôi nói tiếp bằng suy tư thực của mình:

- Là một con người mộc mạc và giản dị như bây giờ thôi.

Sau ngày ấy, mối quan hệ tình người giữa hai chúng tôi vốn gắn bó càng đậm đà hơn. Vẫn những chuyện đời thường buồn vui lẫn lộn trong suốt cả thời gian “Tôi đi làm bằng metro”.

Vâng. Chuyện “Đi làm bằng metro” có thể kéo dài một nghìn đêm lẻ không hết. Nhưng tôi xin được tạm dừng ở đây. Những mong, đọc giả Kharcov, chưa một lần đi metro hãy làm quen với phương tiện giao thông công cộng độc đáo này. Cho biết đó biết đây. Còn bạn đọc ở những miền xa xôi khác nếu về Kharcov, ai có nhu cầu, tôi nguyện làm người dẫn đường “đồng hành” với các bạn đi khắp chốn mọi nơi của thành phố trong lòng đất, để khi về còn có gì trong mình để mà thương nhớ!

Chờ đợi các bạn trong niềm vui và hy vọng!

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng Hành” – Kharcov

 

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN