Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng metro – Phần 15: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn"

Thứ tư, 14/08/2019 | 17:00
Quả thật, tôi thầm nghĩ, vui tự đáy lòng, câu châm ngôn này quá hợp với chuỗi ngày dài của bản thân “Tôi đi làm bằng Metro”. Nếu không, giả dụ cứ “ngồi nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, biết bao giờ mới thấu hiểu, kịp hòa nhập vào cuộc sống đa dạng “muôn hình muôn vẻ” đang diễn ra quanh ta, nhất là thành phố ẩn giấu trong lòng đất.

Hôm vừa rồi, ngồi một mình buồn tênh, chợt nhớ lại thuở trước, hóa ra tôi đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng ấy từ giữa năm 1994, khi là Phó chủ tịch Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (tháng 4 năm 1994), thường trực hàng ngày ở trụ sở Hội tại kí túc xá 32, đông người Việt Nam cư trú, cách Metro Барабашова chừng hơn một cây số rưỡi thì hỏi rằng có phấn khởi, tự hào không cơ chứ!

Ngần ấy tháng năm đồng hành với những người cùng cảnh ngộ đi bộ, đi làm bằng Metro. Góp nhặt được nhiều điều thú vị về nét đẹp mang tính chất truyền thống trong nếp sống văn hóa của dân bản xứ nơi đông người qua lại, đặc biệt là Metro. Đó là những câu cửa miệng quen thuộc như: здравствуйте, привет (xin chào), доброе утром (chào buổi sáng), спасибо (cảm ơn), извините (xin lỗi), пожалуйста (xin mời, không dám)… Được phát ngôn vào những giây phút cần thiết, dù chưa một lần quen biết, mang tính chất xã giao, lịch thiệp và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ “người với người là bạn”, mà để ý một tý ai cũng dễ nhận ra, rồi “tự kỷ ám thị” hành xử theo trong cách “đối nhân xử thế” với đời, càng quan trọng hơn trong giao dịch, buôn bán, kinh doanh nơi chợ búa trên thương trường sôi động. Kể cả với tôi, ngày “cuốc” bộ dăm ba cây số từ nhà đến Metro (cả đi lần về) rồi gần hai chục bến tàu điện ngầm (cả đến lẫn khứ hồi), “tai nghe mắt thấy” lẫn từng ứng xử “tùy cơ ứng biến” nhiều trường hợp khác nhau cảm thấy hứng thú và thú vị lắm các bạn ạ!

Ngày sang ngày, vừa bước chân ra khỏi căn hộ, khu chung cư 16 tầng đã gặp ngay ông “Tây” hàng xóm láng giềng ở gần thang máy. Chưa kịp cất tiếng, ông ta đã cất giọng trước “здравствуйте”. Cảm thấy tinh thần sảng khoái vào lúc ban mai, tôi thân mật đáp lại “доброе утром”. Một lúc sau, tự đi bộ đến Metro Победа (Chiến Thắng), cùng dòng người bước hơn 30 bậc thềm xuống bến đợi. Lúc mở cửa chính, dù vội mấy, tôi vẫn “cẩn tắc vô áy náy”, giữ chặt chờ người đi sau cùng vào rồi mới buông tay. Và không phải một lần, mà ngày nào cũng thế đều nhận được câu “спасибо” chân tình. Khi thì ông bà già tay xách túi hàng to, khi thì cô gái “tóc vàng” nụ cười nở trên môi thắm nồng, lòng nhẹ nhõm hẳn. Rồi, lúc ngồi trong toa đông người, đoàn tàu lắc lư mạnh mỗi lần cập bến. Bỗng, một lần, thân hình thon thả của cô sinh viên da đen chạm mạnh vào vai tôi. Tôi nín lặng, đồng thời cùng lúc tiếp nhận hơi ấm từ cô ta lẫn lời “извините”, thấy lòng mình bâng khuâng xen lẫn niềm vui vô tận “dù chỉ một lần thôi”. Thế đấy. Nếu ai từng đi Metro, từng “đụng độ” như vậy cảm xúc ra sao gọi điện chia sẻ cùng tôi nhé! Tan tầm về nhà vào lúc chợ chiều, vắng người qua lại, lòng buồn tênh như dân chợ búa. Biết làm sao đây, ngoài niềm tin và hi vọng.

Vừa bước vào toa tàu thưa khách, hình ảnh đầu tiên đập vào nhãn quan tôi là hình ảnh chàng thanh niên trai trẻ người địa phương, đôi mắt đã lòa, dường như bẩm sinh, tay ôm đàn ghi-ta, lần từng bước cất cao giọng hát, bài ca “Я люблю тебя” (tạm dịch: “Tôi yêu em”) kiếm thêm “miếng cơm manh áo” duy trì cuộc đời hẩm hiu của mình thêm thăng hoa. Một khoảng thời gian ngắn trôi qua, tàu chuyển bến, tiếp đến là thân hình chắc nịch, với tấm áo may ô cũ kĩ của ông già mái tóc thưa thớt, bạc phơ cả bộ râu hàm trắng toát, tay khoác nhiều loại hàng văn phòng phẩm, chậm bước giọng khàn đặc giao bán… khiến hành khách, ai cũng động lòng chắc ẩn mua giúp dù ít dù nhiều cho trọn tình người. Còn tôi, chớp nhanh đôi mắt cay xè mua hộp “Cao Sao Vàng”, đậm đà hương vị quê nhà cho dịu nỗi nhớ thương.

Biết rằng, họ là những người tàn tật, đã có chính sách đãi ngộ cần thiết của Nhà nước. Nhưng, phải chăng vì muốn hoàn thiện thêm, chu tất hơn trong cuộc sống riêng của mình, họ đã chọn con đường tự lực bằng sức lao động của chính mình. Thật cảm phục và tôn trọng họ biết nhường nào. Chứ không như, trong cộng đồng ta tuy ít nhưng vẫn còn những kẻ sống bợ đỡ bằng mồ hôi nước mắt của người khác hoặc vay không trả là quỵt, “ngồi mát ăn bát vàng”, vơ cho đầy túi tham trên sức lao động của người mình cùng “máu đỏ da vàng”. Thật trớ trêu, ngoạn mục biết bao nhiêu.

Viết mấy dòng tâm sự này, nhắc nhở mình đã đành còn mong mỏi những ai sống trên đời này cần tăng cường đối xử với nhau bằng nếp sống văn hóa trọn vẹn tình yêu “thương người như thể thương thân” cho đời thăng hoa.

Trước khi dừng lời xin được ngỏ lời mời, những ai từ thành phố khác hay quê nhà đến Kharkov muốn đi metro thăm thành phố trong lòng đất ở nơi đây hãy gọi điện cho tôi: 0930136056. Tôi sẽ “đồng hành” bằng tất cả con tim và tấm lòng: Người cùng miền quê – Tổ quốc Việt Nam.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov – tháng 8/2019