Vâng. Cách đây không lâu, trời vào hè mới sáng ngày đã oi ả. Chen chân mãi mới bước vào nổi toa tàu chật kín “kẻ đứng người ngồi”. Vừa ổn định vị thế xong, đầu tàu cũng bắt đầu chuyển bánh. Cùng lúc theo thói quen nghề nghiệp, tôi tranh thủ quan sát “Bạn đồng hành” xung quanh xem có gì mới lạ không! Thoạt tiên, sát bên, lọt vào mắt tôi là hình ảnh cô gái tóc vàng, cặp mắt “xanh” lim dim, mơ màng, bộ ngực nở nang nhún nhảy theo dòng nhạc qua dòng giây nối liền tai nghe với chiếc điện thoại đeo trên đôi mông căng tròn. Im ắng, không hề làm phiền ai kể cả mấy chàng trai, cô gái ngồi trên ghế bên, say xưa nghe nhạc. Chứ không như, vẫn còn số ít người Việt mình “mê” điện thoại như điếu đổ. Ý thích riêng tư của mỗi người chẳng nói làm gì. Nhưng đáng trách ở chỗ, đôi lúc quên mình là ai, thản nhiên mở to bài ca quan họ nơi công cộng, chốn đông người hoặc nhiều khi ngồi quanh bàn tròn, nhâm nhi li chè xanh, rôm rả chuyện trò với anh em bạn bè mà vẫn cố tình “đảo mắt” vào màn hình của chiếc điện thoại cầm tay, đặt trên đầu gối nhẫm đọc “chuyện tình của tôi tan vỡ từ lâu rồi” hoặc ngắm nghía “hoa khôi quá lứa không bao giờ trở lại nữa” thì có buồn không cơ chứ!
Mải suy tư theo dòng đời đua chen, tàu dừng bến lúc nào không hay. Khi tiếp tục lịch trình của mình, có thêm bao hành khách mới. Cách tôi không xa mấy, xuất hiện một đôi “trai tài gái sắc” sát cánh bên nhau âu yếm, đằm thắm như mọi cặp tình nhân đang độ “hoa đến thì hoa phải nở” chỉ khác ở chỗ họ tâm sự với nhau không bằng lời mà bằng ánh mắt, đôi môi và động tác đầu lẫn tay. Bởi khuyết tật bẩm sinh (theo tiếng Nga là Немой) câm và điếc may tính chất di truyền thiệt thòi ấy đến với họ từ khi mới lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời.
Bất chợt thấy cô gái nở nụ cười duyên dáng, đặt bàn tay xinh xắn lên ngực bên trái có con tim và chàng trai hớn hở hôn lên mái tóc mượt mà của “nàng” như thể đã tìm ra “Tình yêu có từ nơi đâu” khiên tối vui lây. Nhớ lại một thời thì thầm nói lên lời bên tai cô bạn cùng lớp “Anh yêu em” khi hai đứa đã tự nguyện đến với nhau. Vào phút giây ấy, tôi thường tự nhủ, răn mình và những mong mọi người sống trên đời này hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói trong quan hệ đối nhân xử thế “người với người là bạn” chứ đừng lợi dụng ngôn từ “nghĩ một đằng nói một nẻo”, uốn ba tấc lưỡi “Tranh vợ cướp chồng”, vay tiền không trả, vợ vét cho đầy túi tham… chắc chắn mai ngày chẳng những lương tâm cắn dứt mà pháp luật còn xử phạt hành chính nặng nề nữa.
Hôm thứ hai đầu tuần tháng 6 vừa rồi, vừa bật dậy chợt cảm thấy nhức nhối đau ở ngon cái chân trái – có lẽ do chiều qua, sau mấy chục phút quá sức thể dục thể thao lại “chén chú chén anh” quá liều lượng nên bệnh “gút” tái phát để cảnh báo chăng! Định gọi điện xin nghỉ xong phiền nỗi vào phiên trực và cảm thấy ngượng ngùng nếu chỉ vì nguyên nhân dẫm dít này nên tôi quyết định khởi hành sớm hơn thường lệ để “đi đến nơi về đến chốn theo đúng giờ quy định”.
Đang khập khiễng đi bộ đến metro Побуда (Chiến thắng) chạm trán ngay với một người đàn ông chững tuổi, tay phải chống gậy thong thả bước từng bước một đi cùng chiều. Vốn tính cởi mở của người Hà Nội xưa, tôi lịch thiệp chào rồi nhanh mồm nhanh miệng hỏi:
- Bác đi đâu mà dạo chơi sớm thế?
Nhoẻn miệng cười, ông ta vui vẻ đáp:
- Đi làm chứ còn đi đâu nữa!
Ngạc nhiên tôi lưỡng lự đặt vấn đề:
- Bác chưa về hưu à?
- Đã mấy năm rồi, nhưng ngồi nhà “buồn thủi buồn thiu” đã đành mà sức khỏe còn có nguy cơ suy giảm sút nữa nên mùa hè năm ngoái được bà xã đồng tình và khích lệ tôi xin đi làm trực nhật, một tuần 3 buổi ở một cơ quan nhỏ cách metro 2 bến. Ngừng một lát, ông ta hứng giọng nói tiếp, ngần ấy tháng ngày tiếp xúc với mọi người, đi bộ đi làm bằng metro thấy mình trẻ lại cả về sức khỏe lẫn tinh thần lại thêm thu nhâp, giúp đỡ con cháu nữa. Lợi quá đi chứ, phải không anh?
Tôi phấn khởi gật đầu. Lòng vui như mở hội bởi nỗi niềm tôi đã được “Ai hay chăng tỏ”. Chậm rãi đồng hành thêm mấy bước nữa. Sợ muộn, nắm chặt bàn tay chai sạn đường đời “biết mình biết ta” của ông ta, tôi thành tâm tạm biệt hẹn mai ngày gặp lại trên con đường dẫn đến “Chiến thắng” này.
Thoăn thoắt bước quên cả đau vì lương tâm và trách nhiệm. Qua hàng trăm bậc thềm lên xuống trong lòng đất như “Thuyền đi mãi cũng trở về bến bãi”, đang thở phào nhẹ nhõm bỗng con tim thắt lại khi lọt vào mắt tôi hình ảnh cô gái trẻ, cao ráo cặp bên nách chiếc nạng dài đợi chờ. Vừa kịp chụp tấm ảnh cô gái. Khuôn mặt nhẹ nhõm thanh tao, đôi môi tươi thắm luôn mỉm cười như tự bằng lòng với số phận mình – giữ lại làm lưu niệm “Những tạng người khác nhau đi metro, đoàn tàu nổi hồi coi cập bến”.
Vừa ổn định chỗ đứng, bên tôi là 3 cô gái “đôi mắt mù lòa” ngồi bên nhau. Đôi lúc họ thì thầm nói chuyện, cười không thành tiếng để khỏi ảnh hưởng tới người phụ nữ đứng bên. Họ là những cô gái nết na, yêu đời và bằng lòng với số phận hẩm hiu của riêng mình để sống và vươn lên tầm cao mới. Hạnh phúc lớn nhất của họ là niềm vui cao quí ấy. Tôi đã từng gặp nhiều người như họ trong toa tầu Metro với ý thức cảm nhận sức sống con người trong lòng đất.
Trước khi dừng bút, mong ai chưa một lần đi metro hay thi xếp thời gian hãy đến thành phố trong lòng đất ấy, sẽ thấy được nhiều điều thú vị mà trên mặt đất không hề có, lại thấy được chân lý sáng ngời thêm “tình yêu có từ nơi đâu!”
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov – Tháng 6/2019