Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng Metro – Phần 13: Nỗi niềm tôi ai hay chăng tỏ!

Thứ hai, 13/08/2018 | 01:51
Nếu ai bảo “Đi Metro là khổ” thì ngược lại, với chiều dài liên tục hơn 12 năm trời bốn mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông” đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng trong lòng đất ấy, tôi dám khẳng định “Đi Metro sướng lắm”. Nhất là vào lúc mùa hè oi ả, nóng nực này, khỏi phải bàn.

Vâng, hôm thứ 3 – mới giữa trưa chợ vắng vẻ như đã về chiều – vào thượng tuần tháng 7 vừa rồi – sau hơn một tuần lễ “Mưa ngâu dưới bầu trời Âu”, trời nắng chang chang trên 30 độ dương, áo thấm mồ hôi, tôi rảo bước cùng dòng người hối hả ra bến tàu điện ngầm mang tên Viện sĩ hàn lâm Барабащова về nhà. Vừa đặt chân tới bậc thềm cuối cùng dẫn đến bến bãi, một luồng gió mát trong lành ùa đến vây quanh thân mình, mơn trớn đôi má còn ửng hồng như xua tan hết thảy những mệt mỏi do thời tiết lẫn cực nhọc đang đánh vật với thời cuộc của cuộc đời người dân chợ búa. Và rồi, các bạn có biết không? Đã nhiều lần, đoàn tàu đã cập bến, tôi vẫn ngồi nán lại thêm dăm ba phút, có lần hàng nửa tiếng đồng hồ cho đời thăng hoa. Đặc biệt là những lúc mình cảm thấy hội nhập với cuộc sống đời thường của người địa phương mà ở đó lúc nào cũng ngời sáng nét đẹp văn hóa trong quan hệ “người vời người, sống để yêu nhau”.

Nhân đây, xin hỏi thật! Nếu bạn chưa một lần đi Metro hoặc đã từng nhưng hững hờ bỏ qua những diễn biến quanh ta thì hãy tham khảo mấy lời tâm sự của tôi qua chuyên mục “chia sẻ cộng đồng” trên trang báo “Người Việt Odessa” nhé!

Tháng trước, đang thẫn thờ nhẩm đọc câu: “Mẹ là rặng tre xanh, che bóng con đi học về” (Bài hát “Mẹ” – lấy đi nhiều nước mắt người nghe), ngậm ngùi ngẫm phận mình vắng mẹ từ lúc chưa đầy một tuổi đời nên chưa một lần được cất tiếng gọi “Mẹ ơi!”, cho đến tận bây giờ cảm thấy đời buồn tênh. Chợt gần bên, cậu bé ở tuổi chập chững bước từng bước một, ôm chặt người phụ nữ trẻ, nũng nịu nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”. Hôn lên đôi má bụ bẫm của con, giọng nhỏ nhẹ người mẹ ấy đáp: “Mẹ cũng yêu con”. Vừa lúc tàu cấp, hai mẹ con dắt díu nhau bước vội vào toa. Còn tôi ở lại, đôi mắt cay xè, ngưng tròng giọt lệ thầm ước trong giấc mơ tôi vẫn hằng mơ khắc khoải câu: “Con yêu mẹ lắm, mẹ ơi!”.

Gần đây, trên đường đi dự Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27 tháng 7 do Hội CCB VN tỉnh Kharkov tổ chức tại kí túc xá 25, đứng trong toa tàu chật ních người, qua cửa sổ kính thoáng nhìn rất nhanh, một ông già người địa phương, trên ngực lấp lánh tấm huy chương thời Liên Xô cũ, tay chống nạng chậm bước… Chợt nhớ hình ảnh: “… Anh bước lê/ Trên quãng đường đê đến bên lũy tre” và “Mẹ lần mò, ra trước ao/ Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ/ Tiếc rằng đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ” trong bài hát “Ngày trở về” của nhạc sỹ Phạm Duy, cảm thấy lòng mình nặng trĩu nỗi buồn. Để rồi ghi nhận thêm và biết ơn sâu sắc hơn những tấm gương chiến đấu dũng cảm hy sinh thân mình vì độc lập tự do đất nước, vì hạnh phúc nhân dân của anh bộ đội Cụ Hồ.

Lần này, đang ngồi chờ tàu, chả hiểu vì sao thẫn thờ nhớ về Hà Nội – mùa hè hoa phượng đỏ, cùng cô bạn gái ngồi bên bờ hồ Hoàn Kiếm – nước xanh vời vợi, tâm sự chia tay nhau trước ngày tôi lên đường du học nơi hải ngoại, chợt nhìn thấy Long – anh bạn trẻ thân cùng dân chợ búa, nhẹ nhàng bước đến gần. Theo thói quen lịch thiệp, tôi vội đứng lên: Nắm chặt bàn tay chai sạn của hắn, hứng giọng đùa vui cho nguôi ngoai “sầu riêng” xa mối tình đầu:

- Chào người cùng cảnh ngộ!

Cài nhanh cúc áo sơ mi cộc tay nới rộng hứng gió, Long mỉm cười cự lại:

- Anh nói nghe “bĩ cực” thế nào ấy!

- Thì anh em mình chả đang cùng cảnh đi Metro là gì! Tôi cố lý giải. Không “chịu thua”, Long bộc bạch suy tư của mình:

- Nếu anh gọi là “Bạn Đồng hành” vừa đậm đà tình cảm vừa mang tính nhân văn sâu sắc, có tuyệt vời không?

Nghe xong, thấy quá hợp tình, hợp lý, “chịu thua”, tôi “xuống thang” ngay và đồng tình luôn:

- Chính thế “Bạn đồng hành” còn mang ý nghĩa cao cả: đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau mưu sinh nơi xứ người có tự mấy chục năm về trước, tồn tại cho đến bây giờ và còn tiếp tục nữa khi chưa tính chuyện về quê, phải không cậu?

Như thể “nựng” tôi, Long đáp:

- Vâng, giống như báo “Bạn Đồng hành – Kharkov” của anh trước đây luôn đồng hành với độc giả khi còn đang phát hành ấy.

Chờ đoàn tàu thứ hai đi khỏi, hai đứa thỏa thuận ngồi nán lại, hàn huyên thêm cho bõ công lâu ngày không hội ngộ, mà lại ở ngay thành phố trong lòng đất, tôi hỏi:

- Xe để đâu mà lại đi Metro hay “phát mại” rồi?

Vội lắc đầu, Long trả lời: “vẫn còn”, rồi phấn khởi thổ lộ:

- Nhưng đi làm bằng Metro được nhiều hơn mất như anh đã kể. Đặc biệt mùa hè, chả dại gì bỏ qua để mai ngày về thăm nhà còn có chuyện mà nói chứ!

Ngừng một lát, giọng tư lự hẳn, hắn nói tiếp: “Chỉ tiếc nuối mỗi điều không có được thú vui sưu tầm đồng grivna “vàng chói” như anh!”

Cảm thông nỗi buồn “nho nhỏ” không của riêng ai ấy, động viên hắn, tôi hứa:

- Ngày mai, bằng giờ này, ở bến Metro Барабащова này, gặp nhau tớ sẽ tặng vợ chồng cậu cùng hai cháu, mỗi người 2 đồng “tiền vàng” ấy làm vật kỷ niệm những buổi đi Metro ở Kharkov. Ok?

Lưỡng lự một hồi, Long bảo:

- Có làm phiền anh không đấy!

Tôi vội đáp: Ngược lại còn là niềm vui của tớ nữa là đằng khác. Sau đó, tiện thể tôi kể:

- Đầu tháng 7 vừa rồi, tình cờ gặp nhóm 8 người Việt Odessa, trong đó có cả Việt kiều sống ở Mỹ, Canada tại trung tâm thương mại Барабащова theo công việc riêng tư của mình. Tự gợi ý sẽ đưa họ đi tham quan Metro Kharkov nhưng không thành vì thời gian của họ có hạn, nên lúc chia tay tôi tặng mỗi người một hai đồng grivna bằng kim loại mới tinh như vàng mười làm kỉ niệm. Cũng vậy, 10 ngày sau với Đoàn cán bộ cao cấp tỉnh Hưng Yên đến từ Việt Nam, thăm và làm việc tại Kharkov. Ai nấy đều vui lòng, còn tôi cảm thấy hạnh phúc đời đời một khi “nỗi niềm tôi được mọi người chăng tỏ”. Và luôn sẵn sàng chờ đón bạn hiền, bởi kỉ vật đó vẫn còn nhiều trong tôi.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 8 – 2018.