Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng Metro – Phần 12: Niềm vui ngoài sức tưởng tượng

Thứ sáu, 01/06/2018 | 13:22
Đụng chạm với cuộc sống hiện thời, ai cũng thấy không hề đơn giản. Bươn trải trên thương trường kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày ai cũng công nhận chả dễ dàng, nên rất khó có những cuộc hội ngộ, bền lâu ngồi bên nhau hàn huyên, tâm sự. Nhưng đôi khi vẫn xuất hiện những trường hợp ngoại lệ mang niềm vui ngoài sức tưởng tượng cho cả hai bên như cuộc “tái ngộ” sau một năm xa cách giữa tôi và Đại đức Thích Thanh Hải - Ủy viên Ban tự trị Phật giáo Hà Nội, từ Việt Nam sang Kharkov vào trung tuần tháng 5, nhân lễ Phật Đản tại chùa Trúc Lâm hôm vừa rồi chẳng hạn.

Nhớ lại. Khoảng ngày, tháng này năm ngoái, biết tôi có chiều dài hơn 12 năm đi làm bằng Metro. Anh bạn Đinh Văn Hào sốt sắng đề xuất ý tưởng đưa Đại đức Thích Thanh Hải đi thăm thành phố Kharkov bằng phương tiện giao thông công cộng tàu điện ngầm là tôi. Thấy hợp lòng mình, tôi vui vẻ lĩnh hội ngay với ý muốn đưa thầy dạo hết thảy 3 tuyến đường trong lòng đất cho “biết đó biết đây”. Nhưng tiếc thay, do thời gian có hạn, mới đi được một phần ba, mới chiêm ngưỡng được một cảnh quan “ngọn lửa vĩnh cửu” ở trung tâm thành phố đã phải “vội vã” chia tay, không một lời “hẹn gặp lại” vì thời buổi này “muôn vàn khó khăn” lường trước sao đặng. Vậy mà “cảm ơn trời đất” vẫn có… cuộc gặp gỡ “không hẹn mà lên” giữa tôi và Đại đức Thích Thanh Hải đúng vào ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/05/1890-19/05/2018). Để rồi, cuộc hành trình đi bằng Metro lại nối tiếp, thì hỏi rằng đời tôi còn diễm phúc nào tuyệt trần hơn?

Xin được chia sẻ với bạn đọc gần xa cuộc hội ngộ hiếm hoi ấy!

Vâng, hôm 19 tháng 5 kỳ lạ thay, chưa đầy 5 giờ sáng, mặt trời đã “bừng nắng hạ” đánh thức tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Trăn trở “Tháng 5 nhớ Bác” tôi tranh thủ đọc lại những bài của mình viết về Bác, lần lượt đăng tải trên “Tuần tin quê hương” nhiều năm về trước như “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi ích chung quên lợi ích riêng”, “Mùa thu nhớ Bác”, “Lòng thành dâng Bác”, “Tên Người là cả một niềm thơ”… cho nguôi ngoai nỗi nhớ, cho tăng thêm tình yêu: Bác Hồ cha của chúng con/ Hồn của muôn hồn/ Cho con được ôm hôn má Bác/ Hôn chòm râu mái tóc bạc phơ. Đặc biệt, trước lúc bước chân ra khỏi nhà, nhớ không quên gắn lên ngực áo bên trái tấm huy hiệu: “Học tập tấm gương Hồ Chí Minh” – do Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ - Trưởng đoàn công tác Ban chỉ đạo thông tin đối ngoại Trung ương ĐCSVN thăm Kharkov (tháng 7-2011) trao tặng trong buổi gặp gỡ với đại diện báo chí cộng đồng.

Đúng hẹn, tại trụ sở văn phòng Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, số nhà 6 phố Барабашова, sau khi chụp ảnh lưu niệm xong, tôi và thầy Hải “vội vã” khởi hành theo lịch trình đã định. Qua dãy cửa hàng dẫn đến Metro, gần trưa vẫn “vắng người mua, thưa người bán”, tôi tự giải thích ngay để thầy hiểu: Dạ, mấy năm gần đây, kinh tế chợ thuyên giảm, ngoài khó khăn từ cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tự đất nước này gây ra còn là sự cạnh tranh “lành mạnh” khi xuất hiện những siêu thị lớn nhỏ mọc lên như nấm khắp nội, ngoại thành Kharkov. Cộng thêm, thứ bảy, chủ nhật dân địa phương thường rủ nhau về дача (nhà nghỉ) hoặc hoàn thiện việc riêng tư xong mới kéo ra chợ.

Thật vui, đi bên thầy, gặp người Việt nào đứng ở cửa hàng hay đi ngược chiều cũng đều nhận được lời chào hỏi ân tình như đã từng vào chùa Trúc Lâm nghe thầy giảng đạo lý làm người. Mừng thầm nét đẹp văn hóa Việt Nam được duy trì và phát triển nơi hải ngoại.

Lúc đợi tàu cập bến, kể cả khi bước chân vào toa đông người, không ồn ào, chen lấn. Tôi và thầy Hải đứng nép bên nhau nhường chỗ cho đôi vợ chồng già lão trước con mắt cảm phục của mọi người. Thầy lặng lẽ trầm tư, suy tưởng còn tôi bộc bạch tâm tư: “Việc nhỏ nhưng giàu ý nghĩa lớn xuất phát từ cái tâm của đạo lý làm người. Thưa thầy! Phải thế không ạ!”. Thầy Hải gật đầu đáp “chính vậy”. Thời gian trôi qua, đi hết một đoạn đường dài, tôi và thầy Hải bước lên Quảng trường Свободы(tự do) rộng nhất nhì châu Âu ở trung tâm thành phố. Không khí trong lành, đông người qua lại. Bách bộ quanh quảng trường, tôi lần lượt giới thiệu với thầy: Đây là trường Đại học Tổng hợp, kia là công viên cây cối xanh rờn mang tên nhà thơ Ucraina nổi tiếng Шевченко, đây là tòa nhà tỉnh trưởng Kharkov liền bên là phố Сумская cổ kính… Cùng lúc, chợt gợi nhớ trong tôi sự kiện năm xưa:

“Ngày 02/09/1945 lịch sử. Ba Đình nắng đẹp, trời trong xanh mùa thu. Dòng người đổ về quảng trường như nước chảy, công nhân, nông dân, bộ đội, các đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, các cháu thiếu nhi hàng ngũ chỉnh tề quanh lễ đài. Niềm vui bất tận tràn ngập lòng người. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đó là hình ảnh đẹp nhất của ngày lập nước”.

Kết thúc cuộc hành trình, tôi đưa thầy đến bến Победа (Chiến thắng), giây phút cùng nhau đứng đúng chỗ Tổng thống Ucraina Poroshenko cắt băng khánh thành vào ngày giải phóng Kharkov 23 tháng 8. Để khi “về quê” có ai hỏi thầy kể lại kỷ niệm này và kể thêm những gì “tai nghe mắt thấy” về con người và cuộc sống ở nơi đây khi đi thăm thành phố trong lòng đất bằng phương tiện giao thông công cộng Metro. Cũng như cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở nơi đây luôn đoàn kết, một lòng một dạ thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt một nhà, luôn hướng về cội nguồn Tổ quốc Việt Nam bằng cái tâm tu nhân tích đức theo đạo Phật.

Lần này, trước lúc chia tay, tôi mạnh dạn hẹn gặp lại, bởi biết đâu, lòng thành của mình trời sẽ ban cho.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 5 - 2018