Như tôi. Nhớ lại thuở xa xưa ấy, đang yên đang lành đi làm bằng xe ô tô riêng có tài xế phục vụ bỗng thời thế đổi thay chuyển sang “cuốc” bộ và phương tiện giao thông trong lòng đất. Thoạt đầu, cũng cảm thấy buồn lắm. Nhất là, hàng ngày bước chân ra khỏi nhà buộc phải bỏ thói quen của người công chức “com-lê củ-sếch, cặp da bên mình” bấy lâu. Sau là thẹn thùng xen lẫn tủi thân mỗi sáng đến văn phòng trực bắt gặp ánh mắt “lạnh lùng” thoáng nhìn tôi của một vài đồng nghiệp “sớm đến chiều về” chễm chệ ngồi sau tay lái điều khiển chiếc xe hơi bốn bánh của mình… Nhưng rồi trước lạ sau quen, tự an ủi “mỗi người có riêng mình số phận”, tự nhủ “bằng lòng với sự đổi đời, thế thời, thời phải thế ấy và tìm cách quên đi, vươn lên bằng bất kì giá nào”. Để rồi từ bấy đến nay, mười mấy năm trời kiên trì và liên tục đồng hành với hàng triệu người dân bản xứ “Đi học, đi làm và cả đi chơi bằng Metro”. Cảm thấy “được nhiều hơn mất”. Trong đó, trước hết cần kể đến là sức khỏe “tiền không mua được”, sau là sự hòa nhập “tai nghe mắt thấy” nhiều điều thú vị về nét đẹp văn hóa cùng thuần phong mỹ tục tuyệt vời trong cách đối nhân xử thế “người với người là bạn” của mọi tầng lớp xã hội diễn ra hàng ngày hàng giờ tại thành phố trong lòng đất ấy – mà tôi đã tự kể qua 10 bài báo, lần lượt đăng tải trên chuyên mục “Chia sẻ” của “Người Việt Odessa”.
Mừng thầm, nhận được hồi âm của bạn đọc gần xa qua hội thoại hoặc trực tiếp “mặt đối mặt”. Hôm trước ngày về Việt Nam đón Tết cổ truyền dân tộc, cô bạn gái chào xong, thổ lộ như thể “nựng” tôi: “Đã bao năm sống ở Kharkov, hiếm khi đi Metro hay nói đúng ra chưa một lần, may có anh – bóng gió nói về đề tài Metro – để khi về quê còn chuyện “khác người” để mà nói chứ”. Nghe trọn lời, nhớ Hà Nội nhiều năm chưa về, tôi dặn lại em: “Khi sang, gặp nhau kể cho anh nghe về miền quê ấy nhé!”
Lần khác, nhận được “cú” điện thoại từ Việt Nam, dốc bầu tâm sự nỗi nhớ niềm thương lâu ngày xa nhau, anh bạn cùng thời ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” dặn đi dặn lại như thể hẹn ước: “Mai ngày có dịp đến Kharkov, nhớ đưa tớ đi thăm quan Metro, vì phương tiện giao thông công cộng trong lòng đất với dân mình có nằm trong mơ, và đừng quên tặng đồng гривна “vàng” của Ucraina làm kỷ niệm như cậu hứa đấy”. Lòng tràn ngập niềm vui, tôi hưng phấn đáp: “Bằng bất kì giá nào”. Tự tin, bởi lẽ, ngần ấy tháng năm đi làm bằng Metro, tôi đã tìm mọi cách để sưu tầm, tích lũy những đồng tiền quý báu ấy và cảm thấy “vừa đủ” cho mình với ý nghĩa mỗi lần nhìn thấy nó, nhớ lại một thời đã qua trong kí ức “vừa không thiếu” để tặng lại bạn bè từ thành phố khác, từ quê nhà đến đây, để mỗi lần cầm vật lưu niệm ấy trong tay nhớ tới tôi và Metro ở Kharkov.
Khó quên, giữa tháng 3 vừa qua, trời trái mùa lạnh buốt, tuyết rơi nhiều, đang đi giữa chợ “Trung tâm thương mại Барабашова” vắng người qua lại. Mãi mới gặp một người Việt mình đang thui thủi dọn hàng. Chưa kịp thăm hỏi, anh bạn khúc ruột miền Trung ấy đã dừng tay chào tôi trước, đùa ngay được!
- Dạo này “chợ đuội” không đi làm bằng Metro nữa à!
Vội đáp “vẫn đấy chứ”. Sau đó bước gần tới anh bạn dạng đồng niên với tôi hỏi thêm cho ra nhẽ:
- Mà sao anh lại nghĩ như vây?
Gượng đùa vui, anh ta giải thích như thể “không có lửa thì đâu có khói”:
- Bởi lâu ngày đợi mãi có thấy “Metro Kharkov” ở “Người Việt Odessa” đâu!
Hiểu ra vấn đề. Lòng vui như mở hội tôi hứa:
- Mai ngày thôi. Vì tôi vẫn tìm thấy nhiều điều thú vị khi đi làm bằng Metro bằng bất kì giá nào. Và lần này viết thêm đôi lời tâm sự cộng thêm lý do đó.
Nhân chủ đề này, nhớ lần nghe kể có đôi bạn thân nhau, gần gũi như chân với tay. Bỗng dưng, chả hiểu vì sao “bằng mặt lại không bằng lòng” tới mức, gần đây, anh này rủ anh kia đến nhà hát chung cho tình bạn thắm nồng. Anh kia khéo từ chối “bận”. Nhưng rồi lại nói “toạc móng heo” với người ngoài cuộc: “giữa tôi với hắn (bạn thân thuở trước) có cùng một cung bậc nữa đâu mà ngồi bên nhau hát hò”. Thế là không chỉ riêng tôi mà ai biết chuyện cũng nhắc nhở cả hai: “Đừng quên một thời con tim đập cùng nhịp, hãy cắt đứt tự ái cá nhân, cố gắng nối lại nhịp cầu tình bạn xưa cho đời thăng hoa”.
Thay phần kết là lời tôi thường dặn mình: “Nếu chẳng may, lần nào đấy đi chệch hướng hãy tự chủ sửa đổi bằng bất kì giá nào, chắc chắn sẽ về tới đích”, bởi lẽ, như dân gian ta có câu: “Ai nên khôn chẳng dại đôi lần”, chúc các bạn thành công trong từng phần đời của mình.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 4-2018