Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng Metro – Phần 10: Cẩn tắc vô áy náy

Thứ tư, 28/02/2018 | 13:59
Đi làm, đi học cả đi chơi bằng phương tiện giao thông công cộng Metro, mang tính quần thể cao, “được” nhiều hơn “mất” là hiện thực khách quan, bấy lâu nay ai cũng hiểu, thừa nhận và cố gắng thực hiện theo điều kiện hoàn cảnh sống riêng tư, muôn màu, muôn vẻ.

Chả thế mà sớm tối chiều hôm trên 3 tuyến đường dài trong lòng đất vòng quanh thành phố Kharkov rộng lớn lúc nào cũng đông người qua lại. Với tôi, còn là thú vui tuyệt vời của một con người biết phận mình ra sao!

Tuy nhiên, khi đi Metro phải hết sức thận trọng như phương ngôn ta có câu “Cẩn tắc vô áy náy” thì lúc ấy mới tránh khỏi hoặc hạn chế tới mức tối thiểu “Tai bay vạ gió” từ đâu đó có thể bất ngờ xảy ra. Bởi lẽ, trên đời này có gì hoàn hảo một trăm phần trăm. Ngay như trước đây và cả bây giờ, sức mạnh luôn thuộc về kẻ trong tay sẵn có đồng tiền. Vậy mà, éo le thay, đôi khi nhà giàu cũng phải khóc nữa là… Nói thế để thấy, dẫu rằng đi Metro mang tính độc lập, không phụ thuộc vào ai ngoài giờ giấc, địa điểm và con tàu “đi đâu về đâu”. Song, đôi lúc vẫn vấp phải những điều “không may, không muốn” như khi ta hối hả cùng luồng người theo dòng đời đua chen, mải suy tư chẳng may “thích vai” vào người đi bên hoặc đắm đuối nhìn “bóng hồng” nào đấy lấn bước “đụng chân” người phía trước. Lúc ấy, phải làm gì? Nhớ câu “Извините” (xin lỗi) nói cho nhanh cùng ánh mắt chân tình bộc lộ đúng tâm trạng thành tâm của mình. Hoặc tình cờ bị người khác vô ý đá nhẹ vào gót chân ta với lời khất lỗi tự đáy lòng thì chớ “nổi giận”, hãy nhã nhặn đáp lại câu cửa miệng “Ничего” (không sao) cho vừa lòng nhau. Hoặc nữa, trong toa tàu đông người, đang ngồi yên vị nhìn thấy người già cả, trẻ thơ lẫn phụ nữ “mang bầu” cần đứng lên, nhường chỗ với giọng nói lịch thiệp “Прошу” hay “Пожалуйста” (xin mời) thì lúc ấy chắc chắn sẽ gây xúc động cho đối tác, sẽ chiếm được cảm tình của người xung quanh. Để rồi, hình ảnh đẹp về hành vi nhân văn đó, giữ mãi trong ánh mắt tôn trọng của dân bản xứ. Hỏi rằng, có ok không?

Ngoài ra, nơi công cộng, chốn đông người, nhất là lại trong khuôn khổ toa tàu điện ngầm nhỏ bé, hành khách đông đúc vào giờ cao điểm, cần “cẩn tắc” nhiều hơn. Ví dụ, chiều tối qua, đàn đúm uống “водка” (rượu trắng), ăn nộm thập cẩm “rau xanh, hành tươi, tỏi sống” và hút thuốc lá nữa thì lúc này chớ tự do thở bằng miệng, mở mồm nói luyên thuyên để mùi thập cẩm “nồng nặc” ấy khỏi bay ra ngoài. Có nghĩa là nghiêm cấm. Và, dù cho không rơi vào trạng thái như vậy cũng không nên “ăn to nói lớn”, “coi trời bằng vung” để khỏi đánh mất mình lại tránh được sự coi thường của mọi người xung quanh phải không các bạn?

Nhiều năm đi làm bằng Metro, khi thì đơn chiếc một mình, khi thì thêm bạn đồng hành thành đôi. Bao giờ chúng tôi cũng im lặng đứng bên nhau, gặp nhiều người Việt cùng chặng đường, dường như ai cũng hiểu, chỉ một vài người không hiểu nên mới có những gã khờ để mọi người chê như nhân vật anh bạn thân cùng dân chợ búa với tôi tấm tức kể một thôi một hồi:

- Hôm vừa rồi, mùa đông giá lạnh, tuyết rơi nhiều, chợ Оптом (bán buôn) thứ hai đầu tuần mới quá trưa đã vắng tanh vắng ngắt. Buồn tênh, tớ bỏ về. Tay xách nách mang đủ thứ chuẩn bị đón Tết “ta”. Vội vã bước mấy lần suýt ngã vì đường xá trên mặt đất và mấy chục bậc thang, lát đá hoa kéo dài xuống lòng đất, dẫn đến bến Metro đã ẩm ướt lại trộn tuyết nên trơn hơn mỡ. Mấy phút sau đứng trong toa tàu chật kín người, chưa kịp hoàn hồn cú “sốc” vừa qua đã giật mình bởi cuộc hội thoại như cãi vã của hai chàng trai Việt nào đấy, đứng cách tớ không xa là mấy. Họ luyên thuyên đủ mọi thứ từ chuyện nhà ra chuyện người từ hàng hóa đến tiền bạc cả “đào khoai trộm” nữa mới kỳ quặc chứ. Cũng may dân địa phương không hiểu ngôn ngữ Việt. Nếu không, có mà ngượng chín cả người. Bần thần chưa biết làm sao đây, tới bến cuối cùng thấy im bặt. Ngó nghiêng tìm kiếm thì họ đã “chuồn” lúc nào không hay.

- Cậu có biết họ không? Tôi ngắt lời hỏi.

Lắc đầu, hắn giãi bày:

- Có biết cũng chả cần nêu tên cụ thể làm gì. Miễn sao bài cậu viết, độc giả đọc, tự rút ra cho mình bài học “lẽ phải của đời” là có tác dụng rồi.

Tán thành ý tưởng nhân văn của anh bạn thân. Có lần, chính tôi “tai nghe mắt thấy”, hai cô gái Việt từng quen biết, lặp lại y hệt tật xấu trên. Cố tình “không xuất đầu lộ diện” để giữ sĩ diện cho 2 nàng. Về nhà, thêm thắt chi tiết này vào bài báo để ai đấy “tự giật mình” ngầm sửa chữa lợi hơn nhiều.

Đã bao năm rồi tôi tự nguyện đi làm bằng Metro là bấy nhiêu tháng ngày tích lũy kinh nghiệm sống làm người. Đây là cái “Được” lớn nhất của đời một con người biết phận mình là ai. Cũng vì lẽ ấy, tôi viết thêm đôi dòng tâm sự này những mong ai đã từng đi Metro sẽ thêm bền lâu gắn chặt. Còn ai, chưa một lần hãy thử nghiệm sẽ thấy tất cả.

Mai ngày, giá cả đi Metro có thể tăng, nhưng tôi vẫn tiếp tục đồng hành một khi đôi chân vẫn chưa mệt mỏi. Và, nhất là một khi vẫn trong con tim tôi nó là bạn hiền chung thủy.

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 3/2018


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN