Kính Thưa các vị khách quan!
Kính thưa toàn thể bà con!
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, lòng người lại hướng về quê hương, nơi quê cha đất tổ. Hôm nay, ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019, tại thành phố Odessa tươi đẹp, trong không khí ấm áp tươi vui của những ngày đầu xuân năm mới, chúng ta những người con xa quê hương lại cùng nhau có mặt tại đây để tham dự lễ khai ấn đầu năm, để ôn lại những trang lịch sử hào hùng của triều đại nhà Trần với những chiến công hiển hách lừng lẫy năm xưa.
Kính thưa các vị khách quý, cùng toàn thể bà con!
Trước hết chúng ta cùng nhau ôn lại giai đoạn lịch sử của Triều đại nhà Trần. Là triều đại quân chủ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, được lưu danh với những chiến công hiển hách ba lần đánh bại Mông - Nguyên, đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử. Chiến công đó mang đậm dấu ấn của những vị vua anh minh như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, của các nhà cầm quân tài ba như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật... Triều đại nhà Trần khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1225 truyền qua 14 đời vua trị vì 175 năm. Với vai trò lịch sử của mình, Vua tôi nhà Trần đã xây dựng một nhà nước Đại Việt vững mạnh, các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, pháp luật được chú trọng, nhân dân được hưởng thái bình, thịnh trị. Đặc biệt, trong giai đoạn lịch sử này, Quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần đã chiến thắng đoàn quân Mông Cổ thiện chiến nhất, được mệnh danh là “bách chiến bách thắng”, đã viết lên trang sử chói lọi của dân tộc trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ghi dấu vào lịch sử thế giới với những chiến công hiển hách chống lại kẻ thù mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử thế giới giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ 14 là giai đoạn mà thế giới có nhiều biến động lớn. Thời kỳ này diễn ra hàng loạt sự sụp đổ của nhiều đế chế hùng mạnh, kéo theo đó là những thảm họa diệt chủng tàn khốc. Người Mông Cổ, một dân tộc xuất xứ từ vùng thảo nguyên Trung Á, dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và các con cháu, người Mông Cổ đã thành lập một nhà nước thống nhất hùng mạnh, bắt đầu tiến hành các cuộc xâm lăng bất tận để mở rộng lãnh thổ. Trên nền tảng sức mạnh quân sự vượt trội của những đoàn quân Mông Cổ, cộng với nhiều yếu tố khách quan khác đã giúp Mông Cổ trở thành thế lực hầu như bất khả chiến bại trên toàn thế giới thời bấy giờ. Làn sóng xâm lược của quân Mông Cổ hoành hành khắp châu Á và lan cả sang châu Âu. Biên niên sử châu Âu mô tả một cách sợ hãi rằng: “Vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó”. Nhưng vó ngựa đó, đã phải dừng lại và chịu thất bại trước dân tộc Đại Việt nhỏ bé nhưng gan dạ, dưới sự lãnh đạo, đoàn kết một lòng của vua tôi nhà Trần. Chiến thắng quân Nguyên Mông mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho lòng yêu nước, là bài học quý về nghệ thuật quân sự, bài học về sự đoàn kết quân dân truyền cho muôn thế hệ sau.
Kính thưa các vị khách quý, cùng toàn thể bà con!
Trong nền thái bình thịnh trị đó của Triều đại nhà Trần, có một tập tục đã được vun đắp và lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay, đó là Lễ khai ấn hàng năm. Đây là một tập tục bắt đầu từ thế kỷ 13, của vương triều Trần. Nghi lễ này được tổ chức sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, Tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần. Sau này trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua Trần, thờ Trần Hưng Đạo cùng các văn quan, võ tướng nhà Trần, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. Từ đó lễ khai ấn Đền Trần được diễn ra thường niên vào rằm tháng Giêng hàng năm, lúc 11 giờ đêm ngày 14, đến 1 giờ sáng ngày 15. Đây cũng được coi là tín hiệu nhắc nhở kết thúc những ngày tết cổ truyền dân tộc để tiếp tục công cuộc lao động sản xuất. Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương”; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển và trở thành một trong những tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời.
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.
Kính thưa các vị khách quý, cùng toàn thể bà con!
Trong không khí thiêng liêng của lễ khai ấn, với hào khí quật cường, với khí thế của hội nghị Diên Hồng. Chúng ta những bà con xa quê, con Rồng cháu Tiên của thế kỷ 21 với truyền thống, với cốt cách của dân tộc Việt, được thừa hưởng ý chí và nghị lực của cha ông hàng nghìn năm lịch sử, với tinh thần của quân dân Đại Việt năm xưa, hãy cùng nhau đoàn kết, thi đua rèn luyện, thành công trong kinh doanh, trong công tác học tập, noi gương lớp người đi trước, để lại đức sáng cho đời sau, cùng xây dựng cộng đồng người Việt chúng ta lớn mạnh, đóng góp vào công cuộc xây dựng trên quê hương thứ hai, đồng thời cùng nhau hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn, về quê cha đất tổ với mong muốn người người, nhà nhà được hưng thịnh và phát triển, cộng đồng vững bền. Với tinh thần ấy, tôi xin tuyên bố lễ khai ấn xuân Kỷ Hợi 2019 được bắt đầu. Xin kính chúc các vị khách quý, cùng toàn thể bà con một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn!
TMBTC: Trương Văn Hùng