Kính Thưa: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Ucraina và Moldavia - Ngài Nguyễn Anh Tuấn.
Kính Thưa: Bí thư thứ nhất, trưởng phòng lãnh sự, ĐSQ Việt Nam tại Ucraina và Moldavia.
Kính Thưa: BCH Đảng ủy, Hội Người Việt Nam cùng các Hội đoàn TP Odessa.
Kính Thưa: Anh, Chị, Em nhà máy giày - da Odessa cùng Cựu các sinh viên thập niên 80.
Kính Thưa: Các vị khách quí cùng toàn thể quí vị.
Lời đầu tiên, cho phép tôi được đại diện cho anh chị em nhà máy giày - da được gửi lời chào trân trọng, lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn chân thành nhất tới toàn thể quý vị Đại biểu, khách quý đã dành thời gian đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày đi hợp tác lao động tại nhà máy giày - da.
Thưa quí vị:
Hôm nay là ngày vô cùng đặc biệt và đầy ý nghĩa, chúng ta đến đây cùng nhớ về ngày mà cách đây 30 năm về trước, ngày đầu tiên đặt chân tới TP cảng Odessa xinh đẹp này. Cách đây đúng 30 năm, những anh chị em làm việc tại nhà máy Giày Da năm xưa, mới chỉ mười tám, đôi mươi, mang trong mình bao hoài bão của lớp thanh niên XHCN với tinh thần hợp tác quốc tế vô sản, đã về làm việc tại mái nhà chung của chúng ta – Nhà máy Giày Da Odessa. Đến hôm nay khi tất cả chúng ta mái tóc đã nhiều sợi bạc, nước da đã đổi màu, nhiều người đã lên ông, lên bà, có người cũng đã vĩnh viễn chia xa, nhưng trên tất cả là ba mươi năm ngày ấy vẫn trọn nghĩa vẹn tình anh em. Cùng ngược dòng thời gian, hồi tưởng lại quá khứ giai đoạn của đất nước, những ngày đầu sau ngày giải phóng miền Nam, vết thương chiến tranh chưa lành, nền kinh tế khó khăn trầm trọng, bị kìm kẹp, bao vây, cấm vận. Hiệp định hợp tác lao động giữa 2 chính phủ Việt Nam và Liên bang Xô Viết trước đây, được ký kết ngày 2/4/1981 đã đưa hàng ngàn công nhân Việt Nam tới làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trên khắp liên bang Xô Viết anh em, trong đó có các anh chị em chúng ta hôm nay ngồi đây, đã đến hợp tác lao động tại 2 nhà máy giày- da.
Thời gian như bóng câu qua cửa, ba mươi năm như một cái chớp mắt của tạo hóa. Nhưng với chúng ta là quãng thời gian đằng đẵng của gần 1/3 cuộc đời của mỗi con người, nó đủ dài để làm lu mờ những ký ức và xóa đi nhiều nỗi đau, nhưng những kỷ niệm của ngày 15/6/1988 sẽ mãi là mốc thời gian chưa khi nào phai nhạt trong mỗi con người đã từng làm việc tại nhà máy giày - da. Nó là dấu mốc thời gian quan trọng ghi dấu ngày đặt chân lên đất cảng Odessa, nó đã mở ra một trang sử ngày ấy, một con đường làm ăn, phát triển, đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng của hai đất nước, hai dân tộc và góp phần hình thành nên cộng đồng người Việt Nam tại TP Odessa phát triển rực rỡ như ngày nay. Đoàn công nhân giày da năm xưa với thành phần chủ yếu là những Quân nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính với đất nước, trong đó có nhiều người nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng tất cả đều đã để lại những tình cảm, những gắn bó nơi đất mẹ Việt Nam yêu dấu, để đến với quê hương thứ hai của mình, Cộng hòa Liên Bang Xô Viết năm xưa, Cộng hòa Ucraina hôm nay. Ngày đầu mới đặt chân tới vùng đất mới với biết bao bỡ ngỡ, với biết bao lo âu về cuộc sống mới, một đất nước xa lạ, một môi trường làm việc mới mẻ với những máy móc hiện đại. Nhưng với sự giúp đỡ của anh chị em sinh viên, đồng thời với ý chí của người lính đã được tôi luyện trong thử thách chiến đấu, chẳng những không làm nản lòng người lính mà còn kích thích nơi họ ý chí vươn lên, tinh thần tự lực tự cường trong lao động, nắm bắt khoa học kỹ thuật, nhanh chóng hội nhập bắt tay ngay vào sản xuất.
Thưa quý vị. Ước mơ của người lao động nhà máy giày da năm xưa giản dị lắm, đơn giản là đều muốn cố gắng làm việc, hy vọng sẽ tích lũy được một số vốn nho nhỏ, để khi kết thúc hợp đồng lao động có thể về nước ổn định cuộc sống gia đình với chút vốn liếng trong tay. Ước mơ chỉ giản dị vậy thôi, nhưng cuộc đời lắm khi không thuận theo lòng người. Sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm 1991 kéo theo sự giải thể của 2 nhà máy giày- da, có lẽ là cú sốc lớn đến với mỗi anh chị em chúng ta ngồi đây. Giữa lúc ước nguyện nhỏ bé chưa thành thì chúng ta lại rơi vào cảnh bơ vơ nơi đất khách quê người. Lúc bấy giờ về hay ở là câu hỏi lớn được đặt ra, nhiều người vì hoàn cảnh đã quay trở về Việt Nam, số ở lại mạnh ai người ấy lo cho cuộc sống của mình, người mở công ty, người lao ra chợ buôn bán để mưu sinh. Có những thời khắc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, vốn tiếng Nga còn ít ỏi chưa đủ dùng, sự chèn ép của các lực lượng chức năng, sự đe dọa của các thành phần bất hảo là những mối lo rình rập hàng ngày. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà mồ hôi đã đổ, thậm chí có cả máu và nước mắt, không ít người đã mãi mãi ra đi. Người xưa có câu “Lửa thử vàng gian nan thử sức, nhưng giữa những lúc tưởng chừng như tất cả các cánh cửa đã đóng lại, thì những con người giày-da ngày ấy còn bám trụ lại, khi đó đã lần mò từng bước trong bóng đêm đầy cạm bẫy. Cũng từ những khó khăn, nhọc nhằn đó, trước những vấn đề sống còn của cộng đồng người Việt nhỏ bé mới nhen nhúm tại Odessa, trước yêu cầu của thực tiễn, Hội đồng hương Việt Nam (nay là hội người Việt Nam TP Odessa) chính thức được ra đời năm 1994, với sự giúp đỡ của ĐSQ Việt Nam tại Cộng hòa Ucraina. Tha phương ngộ cố chi, Hội đồng hương Việt Nam đã làm cầu nối để những công nhân giày – da năm xưa lại qui tụ dưới mái nhà chung của hội người Việt Nam TP Odessa, cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau, trụ vững trên quê hương thứ hai của mình cho đến nay. Bên cạnh nhiệm vụ làm cầu nối tới mọi thành viên giày - da ở mọi miền khác nhau, cho đến hôm nay, đã có một Ban liên lạc của hội cựu công nhân giày da đã hoạt động được 10 năm (từ năm 2008), Ban liên lạc do anh chị em tín nhiệm và nhất trí thông qua đã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đã đoàn kết anh chị em và gia đình của họ, thường xuyên duy trì thăm hỏi các trường hợp ốm đau, công việc hiếu, hỉ, tham gia vào các hoạt động hữu ích khác như trồng cây lưu niệm, dọn vệ sinh môi trường là những việc làm vô cùng ý nghĩa và nhân văn, đã động viên kịp thời, khích lệ cho từng gia đình, mái ấm giày-da.
Lùi lại quá khứ, nhìn lại chặng đường 30 năm, từ 300 Công nhân của hiệp định ký giữa 2 nhà nước, cộng đồng đã không ngừng phát triển, và cho đến nay đã trên dưới 3 ngàn người. Bằng việc được Tổng thống Ucraina ký công nhận cộng đồng ngày 07/6/2001, đã thể hiện tính pháp lý đồng thời là cơ sở tồn tại cho cộng đồng, đó là niềm tự hào, niềm vinh dự cho mỗi chúng ta hôm nay. Lịch sử Ucraina rồi đây sẽ lưu danh một cộng đồng người Việt trong lòng đất nước Ucraina, trong đó có tôi, có các bạn, có tất cả chúng ta - những con người của nhà máy giày - da năm xưa còn bám trụ lại mảnh đất này.
Thưa quí vị: Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông. Nhìn lại chặng đường ba mươi năm, với biết bao thăng trầm, bãi bể nương dâu, đã để lại bao kỷ niệm vui, buồn, đó là những năm tháng vất vả, lo toan cho cuộc sống. Ba mươi năm đã cho ta nhiều thứ, có giày da, ta mới có được hôm nay. Ba mươi năm đã sinh ra thế hệ thứ hai, thứ ba con cháu của lớp lớp người nhà máy giày - da năm xưa. Trong thế hệ thứ hai, thứ ba nhiều con cháu của chúng ta có cơ hội về Việt Nam đều có địa vị xã hội, các cháu ở lại nơi đây cũng có nghề nghiệp ổn định, trở thành Y Bác sĩ, các chuyên gia máy tính lành nghề. Các cháu có điều kiện hơn đã vươn tới những chân trời xa hơn, nơi các quốc gia Châu Âu, nhiều cháu đã đỗ đạt các trường nổi tiếng thế giới, trở thành những thạc sĩ, tiến sĩ, đã hội nhập sâu rộng văn hóa phương tây. Con hơn cha là nhà có phúc, ngày nay, chúng ta thật hãnh diện và có quyền tự hào về thế hệ con cháu, thế hệ người Việt thứ 2 tại đất nước Cộng hòa Ucraina đã và đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào bản sắc văn hóa, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương. Chúng ta cũng có quyền hãnh diện và tự hào về lớp người 30 năm về trước, với biết bao cố gắng, công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt, đã đóng góp tạo nên diện mạo khang trang của Odessa hôm nay, những lớp người gương mẫu, tham gia tích cực các phong trào cộng đồng, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng và ổn định cộng đồng. Nhiều anh, chị em giày – da đã trở về Việt Nam đầu tư, mở khách sạn, nhà hàng, công ty dịch vụ bất động sản, trạm xăng dầu, khí đốt đã mang lại hiệu quả, ghi dấu thương hiệu trong nước và nước ngoài, góp phần không nhỏ vào việc phát triển đất nước, tạo công ăn việc làm cho người dân ở nhiều điạ phương tỉnh, thành và hôm nay họ cũng từ Việt Nam, Thụy điển sang dự có mặt tại đây. Đề nghị Quí vị cho một chàng vỗ tay thật lớn!
Thưa quí vị: Tại buổi lễ kỷ niệm ba mươi năm giày - da hôm nay, cho phép tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN cùng các cán bộ Sứ quán tại Ucraina . Cám ơn các Hội đoàn, cảm ơn Hội người Việt Nam TP Odessa. Cảm ơn các gia đình giày - da đã tâm huyết, đoàn kết một lòng, cảm ơn cựu lãnh đạo giày da ta và bạn, cảm ơn các anh, chị em cựu sinh viên thập niên 80, cảm ơn đội trưởng văn nghệ cùng các ca sĩ đã miệt mài luyện tập, đăc biệt là trưởng nhóm ca sĩ nhí, nhóm nhảy, cảm ơn báo người Việt Odessa cùng tác giả “Vô ưu” đã đồng hành có nhiều bài viết vô cùng ý nghĩa, cảm ơn các nhà quay phim, nhiếp ảnh gia cùng cộng tác viên VTV4, cảm ơn các nhà tài trợ cùng tất cả bạn bè yêu mến giày - da đã đồng hành suốt trong thời gian qua, đã đóng góp công sức vào việc tổ chức thành công buổi Lễ kỷ niệm 30 năm giày - da hôm nay!
Cuối cùng tôi xin kính chúc các quí vị đại biểu, các vị khách quý, cùng toàn thể bà con, sức khỏe - hạnh phúc và thành đạt.
Xin chân thành cám ơn!
Odessa, 15/6/2018
Trưởng Ban Tổ Chức
Trương Văn Hùng