Thế rồi, bẵng đi một dạo, do hoàn cảnh khách quan và chủ quan nữa, lâu không tới đâm ra nhớ. Nhớ hoài trong ký ức mình anh em, bạn bè từng buôn bán kinh doanh tại khu chợ Hữu Nghị của Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov vào những ngày đầu khai sinh lập địa Trung tâm thương mại Барабашова (tháng 6 năm 1996). Lại nhớ khôn nguôi những lần có mặt trên tầng 5, khu nhà 5 tầng thời Liên Xô cũ “quanh mâm cơm đạm bạc” đã khơi dậy trong tâm trí tôi những kỷ niệm “dễ nhớ khó quên” thời sinh viên đầy mộng mơ sống ở tầng 5 tại khu nhà 5 tầng phố Отакара Яроша thời xưa (1974 – 1978).
Nhiều hôm “bạo gan” định tự xuất hành đến “mái ấm gia đình người Việt” ấy cho thỏa lòng nhớ mong. Nhưng “tự kỷ ám thị” ngại khách không mời, ai đón! Thêm nữa, dân chợ búa sớm tối chiều hôm đánh vật trên thương trường sôi động, kiếm từng cắc nhặt từng hào thì còn ai ở nhà mà trò chuyện. Thành ra đành nín chịu, chờ thời. Im ắng mãi, bỗng một hôm nhận được cú điện thoại: “Chiều mai, mời bác đến nhà chơi nhân thể mẹ cháu vừa ở Việt Nam sang”. Nghe giọng nói quen quen, nhận ra ngay cháu Lê Văn Phương, chàng trai trẻ tuổi đứng ra lo toan ma chay, cúng lễ cho dì ruột của mình là chị Nguyễn Thị Sự, từ giã cõi trần vào tháng 7 “định mệnh (2017). Lại nhớ hôm ra tận sân bay Kharkov tiễn mẹ cháu là chị Nguyễn Thị Tâm đưa lọ tro (di hài chị Sự) cô em gái ruột của mình về quê cha đất tổ, thì hà cớ gì có thể khước từ. (Mặc dầu, trước đây tôi thường từ chối, sau việc làm hữu ích của người hậu sự). Chưa kịp đáp, Phương đã giải thích thêm như thể thuyết phục “đối tác”: “Hơn nữa, mai lại tròn 49 ngày dì Sự cháu, gia đình làm mâm cơm vừa là thắp hương tưởng nhớ người ra đi về cõi vĩnh hằng vừa để cảm ơn anh em bạn bè, bà con xóm giềng trong ốp, ngoài chợ đã tận tình giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất đưa dì cháu về nơi an nghỉ cuối cùng.”
Nhận lời xong, tôi cảm thấy nhẹ lòng về tâm linh đã đành mà còn háo hức đợi chờ cuộc hội ngộ tình sâu nghĩa nặng ở ký túc xá 35B – nơi người phụ nữ đầy sinh lực đang dệt nhiều ước mơ cho đứa con trai “độc nhất vô nhị” của mình, mới được nửa chừng thì đã vội vã ra đi. Đúng hẹn. Tại “sảnh” tầng 5, chật kín người – những người trong ốp và những người đến từ ký túc xá Пушкин, Гагарина, Матросова... kể cả tôi, ở mãi tận Алексеевка, ngoại ô Kharkov. Quây quần ngồi bên nhau thành anh em một nhà cùng một ý tưởng “Vì một cộng đồng trong sạch và vững mạnh”. Để rồi, sau giây phút ban đầu trầm tư mặc tưởng nhớ thương người xấu số hôm nay tròn 49 ngày, theo đạo giáo, hồn lìa khỏi xác, lên thiên đàng. Vào chuyện, mỗi người một lời nhưng tựu trung vẫn cùng một suy tư: Đoàn kết là sức mạnh. Có nó, mọi người sẽ giúp nhau vượt qua mọi sóng gió cuộc đời và yên tâm sinh sống, làm việc và học tập ở quê hương thứ hai này. Nhất là, trong hoàn cảnh hiện nay, nơi ta đang trú ngụ khủng khoảng chính trị và kinh tế còn đang tiếp diễn thì mối quan hệ “người với người là bạn” trong phạm trù tình sâu nghĩa nặng này lại càng cần thiết.
Qua mấy tiếng đồng hồ ngồi bên nhau, ai cũng cảm thấy tình người càng xích lại gần hơn. Lúc chia tay, qua lời phát biểu của cháu Phương, chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo Hội Người Việt Nam tỉnh Kharkov, sớm cử cán bộ trực tiếp lo hậu sự giúp đỡ từ giây phút ban đầu đến ngày cuối cùng, tại sân bay Kharkov đưa lọ tro (di hài) người xấu số thanh thản về quê nhà. Ai nấy, đều hiểu gốc rễ quan hệ giữa Hội và hội viên ngày càng khăng khít. Có từ nơi đâu!
Mỗi lần viết đôi dòng tâm sự về mối quan hệ tình sâu nghĩa nặng này, tôi những mong ai cũng hiểu chúng ta – những đứa con sống xa xứ - cần gì ở nhau ngoài cái “tình”. Và các bạn có biết không, rất tâm đầu ý hợp với tôi quan điểm: chia vui, sẻ buồn để giúp nhau cùng thanh thản, vững niềm tin, vượt lên tầm cao mới, như những lần trao đổi “ngắn gọn” qua điện thoại với anh bạn đồng nghiệp – Nhà báo cộng đồng, trong ban biên tập “Người Việt Odessa” – Nguyễn Văn Hùng, qua cả những bài viết đăng tải ở chuyên mục “Chia sẻ” của trang báo trên.
Thân ái chúc các bạn sức khỏe và thành đạt trong cuộc sống!
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” – Kharkov