Với những con người như thế, chúng ta chẳng những trân trọng mà còn có quyền tự hào từ đáy lòng mình: Quân dội nhân dân Việt Nam là quân đội anh hùng – sinh ra, trưởng thành từ nhân dân và vì dân phục vụ. Nhận định này được thể hiện rõ rệt, được chứng minh cụ thể qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, vang dội địa cầu làm lên một Điện Biên (1945-1954) và “bắp chân đầu gối vẫn săn gân” trong suốt hai mươi năm trời chống Mỹ, cứu nước (1955-1975). Kết thúc chiến tranh bằng lá cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc dinh Độc lập (Sài Gòn) vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Để rồi từ đấy, mong mỏi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, khi Người còn sống: Nam Bắc xum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất từ Lục Nam đến Mũi Cà Mau liền một dải được thực hiện.
Giờ đây, từ bấy đến nay tính ra đã 43 năm trời (1975-2018) trên mảnh đất này, dưới bầu trời Việt Nam ta không còn tiếng súng nổ, không còn bom đạn rơi, không còn chiến trường. Thử hỏi nếu như không có những ngày trước đó, không có những người biết hy sinh, dám xả thân cho cuộc sống yên bình cho niềm vui bất tận ngày hôm nay thì chúng ta đâu còn là ta, đất nước Việt Nam còn đâu là của người Việt Nam nữa.
Bởi thế cho nên, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người đã khuất, ghi tạc trong lòng công ơn với họ cũng là để phần nào bày tỏ sự đền ơn trả nghĩa như Bác Hồ đã nêu rõ trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ ngày 31/12/1954: “Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công lao to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước.
Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.
Máu nóng của các liệt sĩ đã nhộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thấm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh…” (Trang 84 – Tuyển tập “105 lời nói của Bác Hồ” – NXB Văn hóa Thông tin 1995).
Còn nữa, ngay trong những ngày hòa bình, yên tĩnh này, có giây phút nào người lính rời cây súng trong tay, có lúc nào xa vị trí thầm lặng và nóng bỏng nơi biên giới ngoài hải đảo để bảo vệ vùng trời mảnh đất Tổ quốc Việt Nam, để giữ gìn “Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt. Nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ”, một khi quanh ta vẫn còn đó những kẻ “mặt nhân từ mà bụng hiểm sâu”, những ảo ảnh nuôi chiến tranh làm giàu, vẫn còn đó những chiếc máy bay quân sự khổng lồ, những chiếc tàu chiến hung hãn, những lòng pháo dài lê thê, những viên đạn cháy bỏng và những chiếc xe tăng nặng trĩu lòng người…
Ngẫm lại, khi cuộc sống ta được tự do trong suy tư và lao động, hàng ngày ta thanh thản đọc sách, ngâm thơ đậm đà trong tình yêu lứa đôi lẫn hạnh phúc gia đình… thì chớ nên quên những người lính đêm ngày ở nơi xa xôi vắng lặng, nắm chắc cây súng trong tay để bảo vệ bầu trời, đất nước quê hương. Để rồi, từ đấy còn nhớ hơn, thấm được thêm công lao trời biển của Bác Hồ - Người chiến sĩ cách mạng đầu tiên của phong trào cách mạng giải phóng Việt Nam, Người có công lớn xây dựng nên lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh hùng. Để rồi từ đây nữa, có vinh quang nào hơn cho những ai đã, đang và sẽ đứng trong quân ngũ “Bộ đội Cụ Hồ”. Còn chúng ta thầm biết ơn Bác là “dân Cụ Hồ”.
Đã qua đi ngần ấy năm kể từ ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam đến nay (1944-2018) là bấy nhiêu lần quân dân ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm, cũng là bấy nhiêu lần nhân lên trong ta tình sâu nghĩa nặng đối với người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tình sâu nghĩa nặng bây giờ đây - ở mảnh đất xa quê hương hàng ngàn vạn dặm đường, chúng ta hướng về cội nguồn, nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nơi mẹ cha cô bác đang mong ngóng trông chờ, nơi ấy trong mỗi chúng ta, ai đấy đã có cha anh có mặt đầu tiên trong những ngày tiền khởi nghĩa, đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng như giờ đây ở những nơi xa thẳm, canh gác biển trời thì phải chăng hiểu cho đúng mình là ai để khỏi phụ công những người đã vì “nhân dân quên mình”.
Yêu biết mấy những con người đã từng khoác áo lính luôn mang trong mình truyền thống: “… Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, như lời Bác Hồ khẳng định qua bài phát biểu chào mừng tại buổi chiêu đãi trọng thể nhân dịp kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 20 tuổi (22/12/1964).
Nhân ngày Quốc phòng toàn dân năm nay, những ngươi xa quê hương đất nước chúng ta nguyện đồng tâm nhất trí phục vụ lý tưởng cao quý “vì nhân dân quên mình” và hành động “Đẹp hơn mọi bài ca” của cha anh thuở trước, để góp sức vun vén cho đời sau mãi mãi xanh tươi, ngay cả trên quê hương thứ hai này.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 12/2018