Trên suốt dọc đường đến Sorsa là hai hàng cây xanh mướt với những tán lá sum suê, chiếu xuống lòng đường vô số những đốm nắng to, nhỏ đang rung rinh theo gió. Cảm giác oi ả của ngày hè chợt tan biến khi trước mắt tôi ngay lúc này là hình ảnh những cây hoa sữa đứng sừng sững ngay tại cổng làng. Bất giác tôi nhớ về những tháng ngày Hà Nội trắng trời, ngập tràn sắc và hương của loài hoa có sức mê hoặc lòng người ấy. Đối với nhiều người con xa xứ, hình ảnh đó, một phần hương vị của quê hương mình đó được trồng ngay trên đất khách thì còn gì tuyệt vời hơn. Hẳn vì thế mà trước đây, làng đã từng có ý định đặt tên là Làng hoa sữa nhưng rồi sau khi bàn bạc, thống nhất ý kiến của hơn 50 gia đình thành viên, cái tên Làng Staritskogo đã ra đời.
Qua cổng làng, tôi bắt gặp những khuôn mặt rạng ngời đang chuyện trò rôm rả ngay tại lối vào các khu nhà, tại các hàng ghế quanh sân, và tại chính khoảng sân nhỏ có nệm cát thật êm cho các em nhỏ thỏa thích nô đùa. Sau những phiên chợ vất vả từ sáng sớm, mọi người trở về nhà gặp anh chị em, bà con thủ thỉ bao điều khiến mọi lo toan vụt tan. Chợt trong tôi gợi lên một tình cảm gần gũi lắm. Có những người tôi chưa từng gặp, tôi không biết tên tuổi nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại một sự liên kết vô hình mang chúng tôi lại gần nhau hơn để rồi mỉm cười chào nhau, hỏi thăm dăm ba điều về công việc, cuộc sống. Giờ thì tôi đã hiểu hơn về câu nói mà ông cha ta bao đời truyền tụng - “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Chỉ với tư cách một người xa lạ bước vào làng, tôi đã cảm nhận tinh thần đoàn kết mà bà con trong làng đã và đang vun đắp, xây dựng. Đó là điều mà trưởng làng rất tự hào khi chia sẻ: “từ khi làng thành lập đến nay chưa xảy ra một vụ xích mích nào giữa các bà con thành viên và với cả những người bạn Tây.”
Vào hội trường chung (nơi mọi người vẫn quen gọi là “đình làng” ) do các mạnh thường quân và bà con cùng nhau đóng góp mua được, trưởng làng đã giúp tôi hiểu hơn về căn phòng đa năng này. Đây là nơi không chỉ giúp bà con giao lưu, gặp mặt, họp hành mà còn là nơi các cháu học tập và để tất cả mọi người rèn luyện văn thể mĩ, thể dục thể thao. Ngày 13 tháng 7 năm 2013 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của ngôi làng người Việt ở nơi đây. Suốt 4 năm gắn bó, cựu trưởng làng Phùng Đăng Dương và hai phó làng Nguyễn Văn Yên và Nguyễn Tiến Hưng luôn sát cánh, chung tay cùng bà con xây dựng một ngôi làng đoàn kết, thịnh vượng. Đặc biệt, mọi người không chỉ rất chú trọng đến việc tạo điều kiện cho các thế hệ thứ 2, 3 được phát triển tốt nhất mà luôn tạo ra môi trường thông qua những sân chơi, hoạt động bổ ích giúp các em trau dồi tiếng Việt, hiểu và phát huy truyền thống “con Lạc cháu Hồng”. Đồng thời, dưới sự dẫn dắt của thầy giáo, võ sư Andrey Sivash - Cục trưởng cục Thông tin báo chí của Hội đồng thành phố Odessa các em nhỏ còn được rèn luyện môn võ thuật Kim Liên Hoa Phái để nâng cao sức khỏe.
Một ấn tượng mạnh khiến tôi xúc động nhớ về những năm tháng tuổi thơ của mình, đó là bảng chữ cái và những bài văn thơ tiếng Việt được các em viết nắn nót trên tờ báo tường kia. Đây chính là công cụ và là thành quả trong suốt quá trình cô giáo Vũ Thị Thơm đã và đang miệt mài giảng dạy, truyền lại cho các em sự phong phú của tiếng Việt. Không dừng ở đó, tôi còn thấy bàn cờ vua bóng mịn để tối tối bà con phát huy tinh thần yêu thể thao của mình. Phía trên tường, biết bao vinh dự mà làng có được gửi gắm trong những tấm bằng khen mà Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa dành tặng cho Hội Phụ Nữ và Đội văn nghệ của làng vì sự tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động chung. Các bà, các mẹ, các chị em không chỉ là những người ngày ngày vun vén, xây đắp cho tổ ấm gia đình mà sâu bên trong mọi người luôn chất chứa, sôi sục những đam mê, nhiệt huyết, hăng say với những điệu múa, lời ca góp phần tô lên cho đời thêm đẹp. Không chịu thua kém phái đẹp, các ông, các anh em cũng luôn cố gắng rèn luyện thể thao, bên cạnh vai trò trụ cột trong gia đình, đội bóng nam của làng là một đối thủ nặng kí mà các làng khác trong khu vực phải đáng gờm. Nếu ai đó còn nhớ đến Lễ kỉ niệm 4 năm thành lập làng, chắc hẳn sẽ nhớ rõ lắm sự gay cấn diễn ra giữa đội bóng của những anh chàng chưa vợ và những người đã có gia đình. Đoàn kết chẳng phải một khái niệm trừu tượng hóa, nó đơn giản hiện hữu ngay trong các trò chơi, các hoạt động chung như thể này.
Tiếp tục cuộc trò chuyện, ông cho biết, hiện nay, số gia đình thành viên đã lên đến 120. Và Ban tự quản bao gồm trưởng làng Nguyễn Văn Yên; phó làng Nguyễn Tiến Hưng; phó làng phụ trách tài chính – ông Trịnh Huy Du; phó làng phụ trách thể thao – ông Lê Khánh Hoài. Bên cạnh đó, các già làng gồm ông Vũ Anh Dũng – Y tế làng; ông Nguyễn Trung Hải – phiên dịch viên của làng; ông Doãn Thanh Tùng – phụ trách các phong trào văn hóa, văn nghệ của làng; ông Nguyễn Sách Hưng – phụ trách thanh thiếu niên trong làng; cùng 9 trưởng khốt khác.
Hàng năm, với biết bao sự kiện, ngày lễ kỉ niệm lớn nhỏ là những ngày bà con được quây quần, tụ họp lại, hưởng những ngày nghỉ trọn vẹn, đầm ấm và đầy ắp yêu thương.
Phông chữ trong đình làng đã không còn xa lạ với bà con người Việt tại Odessa. Bởi mỗi một sự kiện diễn ra, một lần nữa phông chữ và ảnh Bác Hồ lại thêm lần xuất hiện. Tôi sẽ không dẫn ra đây những sự kiện, những buổi họp định kì mà tôi sẽ chỉ gợi lại, giúp mọi người nhớ về những chiếc bánh chưng xanh tình nghĩa, những buổi quyên góp từ thiện bằng tất cả cái tâm, cái đức trọn vẹn mà bà con nơi đây dành cho những hoàn cảnh, số phận kém may mắn hơn mình. Cựu trưởng làng nguyên trưởng Ban từ thiện Odessa hiện đang do ông Phùng Đăng Dương đảm nhiệm, vậy nên chắc không quá khó hiểu khi bà con trong làng luôn tích cực phát huy tinh thần tương thân tương ái của cha ông ta. Và hơn thế, mỗi năm các gia đình đóng góp 20 dolla để dành riêng cho việc thăm hỏi, ốm đau, phúng viếng. Tất cả các hoạt động chi tiêu của làng đều được ghi chép công khai, minh bạch để tạo lòng tin hơn trong bà con, từ đó giúp làng càng thêm đoàn kết và phát triển.
Ông còn nhấn mạnh rằng: “tất cả thành viên trong làng đều là hội viên của Hội Người Việt tại Odessa, và người Chi hội trưởng rất trẻ và tài năng chính là anh Nguyễn Tấn Thành. Thật đáng mừng, bà con không chỉ có ý thức đóng góp quỹ làng mà còn rất có trách nhiệm đóng hội phí, mỗi năm số lượng hội phí thu được ngày một tăng dần, giúp chúng ta triển khai thêm nhiều những phong trào, hoạt động nhằm phát triển, mang hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới. Mặt khác, hành động đó thể hiện chính ý thức, trách nhiệm của bà con với tổ chức, với cộng đồng. Bên cạnh các thành viên tích cực tham gia các công việc của làng như: ông Vũ Anh Dũng, Nguyễn Tấn Thành, Đặng Thị Huyền, Lê Văn Thành (Hương), ông cũng không giấu nổi cảm xúc khi phải thừa nhận rằng: “Dù là ở đâu, làng nào cũng có chuyện này chuyện kia, dạo gần đây, trong làng xuất hiện một vấn đề nổi cộm với các bạn thanh niên nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng cùng với các gia đình bảo ban, giáo dục các cháu luôn phải biết gìn giữ và sống theo đúng thuần phong mĩ tục của người Việt chúng ta từ bao đời.”
Thời gian có hạn, chào ông tôi ra về mà lòng háo hức chờ đợi đến ngày hội làng sắp tới. Vô tình gặp bà Phù Thị Hiển – vợ y tế làng Vũ Anh Dũng, cảm xúc trong tôi dâng lên gấp bội. “Sắp tới hội làng rồi, các cô đang đếm từng ngày đây, năm ngoái dư âm mấy trò chơi truyền thống như đá bóng, nhảy bao bố đến bây giờ cô vẫn chưa quên. Cô tin chắc rằng năm nay sẽ còn vui hơn nữa”. - Bà hứng khởi cho biết. Phía xa, ông Hoàng Trung Hiếu đang cùng các anh em tới đình làng chơi thể thao, gặp tôi, ông niềm nở cho biết: “tối nào chú cũng phải cùng mấy anh em chơi mấy ván bóng bàn, dần thành thói quen, chẳng biết từ khi nào nó đã trở thành món ăn tinh thần chẳng thể thiếu. Sau những giờ bộn bề công việc, đây là lúc các chú có thể thoải mái tinh thần, nâng cao sức khỏe và quan trọng hơn tinh thần đoàn kết giữa anh em được nâng cao, ngày mai mình lại có thêm năng lượng để tiếp tục công việc của mỗi người.” Chào tạm biệt mọi người tôi bị tiếng trẻ nhỏ và hình ảnh những em bé đáng yêu đang vui chơi níu chân lại hồi lâu. Ngước mắt lên nhìn những tòa nhà cao và những âm thanh thân thương đang hiện hữu phía dưới, tôi mơ hồ cứ nghĩ mình đang ở một khu đô thị nào đó ở Việt Nam và quên mất mình đang ở xứ người. Lòng tôi bỗng dâng trào một sự tự hào sâu sắc về người Việt mình, bởi dù ở bất cứ nơi đâu, mọi người sống cũng rất có tổ chức, đoàn thể, ban bệ, có nề nếp và đoàn kết với nhau. Tôi hân hoan bước đi và chờ đón ngày hội làng sắp tới!
Vô Ưu