Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Thời thế đổi thay, lòng người vẫn vậy

Thứ bảy, 31/03/2018 | 13:11
Trong cuộc sống, đôi khi thực tế khách quan và ý muốn chủ quan của con người trái chiều nhau. Vì thế muốn hòa nhập, vượt qua ta phải giữ nguyên trong mình đức tính cần cù sáng tạo cùng ý chí vươn lên thì may ra mới đạt được những gì mong mỏi theo nguyện vọng của mình.

Chợ giữa trưa vắng vẻ như đã về chiều

Vâng đã từ lâu ai cũng hiểu thường lệ hàng năm, sau Tết Dương lịch, chợ búa thăng trầm theo quy luật tự nhiên bao giờ cũng tuần tự: Tháng Giêng là tháng vắng vẻ, tháng Hai nhúc nhích chờ tháng Ba Xuân về mới bắt đầu khởi sắc thì tiếc thay, mới đầu năm 2018 thời tiết đổi thay quá nhiều. Thượng tuần, cuối tháng 3 rồi, tuyết còn phủ trắng mái nhà, trải dài trên đường, không gian lạnh buốt dưới 10 độ âm khiến chả nói đâu xa, trung tâm thương mại Барабашова – cái nôi mưu sinh của người Việt, nhiều buổi chợ chưa qua giờ Ngọ đã vắng tanh vắng ngắt như chùa Bà Đanh. Nhưng, dù cho kể cả mấy năm qua, khủng hoảng chính trị, kinh tế trên thế giới lẫn nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập còn đang kéo dài, chưa thấy dấu hiệu dừng, dân chợ búa cả Ta lẫn Tây vẫn quyết tâm bám chợ và người mình vẫn một nắng hai sương trụ lại nơi đây trong niềm tin và hy vọng “Sau cơn mưa trời lại sáng”.

Nếu ai hỏi vì sao? Vừa là câu trả lời vừa là để “nói có sách mách có chứng” xin được chia sẻ với bạn đọc gần xa của Người Việt Odessa tâm sự riêng tư của những người đang “cầm cự, tự lực tự cường” trên thương trường dẫu cho giờ đây không còn như ngày “xưa” nữa.

Hôm thứ 3 vừa qua, sau ngày nghỉ thứ 2 оптом (bán buôn) chợ vắng tanh, gặp N chưa kịp bày tỏ quan điểm “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” cho những ai biết tính toán, lo toan để có thể vượt qua cái dốc của kinh tế chợ ở thời điểm khó vực dậy này, thì ông chủ hàng áo da xịn, áo lông đắt tiền có chiều dài hơn 20 năm kinh doanh tại chợ Барабашова đã thổ lộ:

- Ngày đầu, vừa đụng độ với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế thị trường gây nên, vợ tôi đã hoang mang bàn lùi “bán rẻ hàng hóa, cửa hàng, thu xếp về Việt Nam”. Tôi gạt đi, thuyết phục vợ trụ lại với ý nghĩ đơn giản nhưng thật là cơ bản “Làm lại cuộc đời đâu dễ một khi đã hơn 20 năm xây dựng cơ nghiệp bắt đầu từ nơi đây, quê hương thứ hai – Kharkov này”.

- Chắc gia đình anh có “lực” nên dù có thâm vào vốn chút xíu cũng chẳng bõ bèn gì! Chứ những ai “sinh sau đẻ muộn” hoặc “chân ướt chân ráo” mới đến đây lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng thì lo lắng, bi quan cũng chẳng đáng trách lắm. Hơn nữa, đã mấy năm rồi, ngày bán lẻ vắng khách mua, buổi bán buôn hầu như lạnh ngắt lạc quan sao được! Tôi lựa lời bày tỏ quan niệm của mình.

Lắc đầu nguầy nguậy, N giãi bày như thể khẳng định:

- Đành rằng như vậy nhưng không hẳn như thế, Bởi, người làm kinh tế phải có vốn, biết tích lũy và đầu tư theo khả năng của mình thì mới có thể chèo chống nổi sóng gió. Hoặc giả, những năm trước được “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” phù hộ độ trì “có của ăn của để” gửi về quê đầu tư, nay khó khăn nên “hồi âm”, chờ thời cũng cần lắm chứ! Ngừng một lát, giọng lạc quan, hắn nhấn mạnh, và điều quan trọng hơn cả là phải có niềm tin, hy vọng và đợi chờ.

Thấy lạ, trong lúc không ít người hoang mang, dao động trước cảnh tượng “khủng hoảng kinh tế đang gõ cửa từng nhà, từng gian hàng ở chợ” mà anh bạn vẫn đề cập tới “niềm tin”, tôi “vờ” ngỡ ngàng đặt vấn đề:

- Từ đâu anh có hai từ “chắc nịch” ấy?

Cười xòa, N đáp:

- Hiện thời, chưa đủ bằng chứng để trả lời câu anh hỏi. Nhưng nghiệm từ bản thân hơn 20 năm trời bươn trải nơi chợ búa đầy sôi động cùng những bước thăng trầm, khó khăn nhiều hơn thuận lợi từ bấy đến nay, đâu phải riêng gia đình tôi mà nhiều người vẫn tồn tại và vừng vàng về tinh thần trụ lại nơi đây cho đến tận bây giờ. Nên tôi tự tin dám nói như vậy.

- … Và, mai ngày nữa. Tôi phụ họa thêm cho trọn vẹn nghĩa tình, sau đó hỏi thêm, theo anh trong lúc này ta phải làm gì?

- Theo tôi, mọi người cần bình tĩnh, tháo gỡ từng phần chứ đừng bi quan dao động, hơi va vấp một tý là đã í ới nhau “về quê”. Về đâu! Nếu không có “vốn” và sức mạnh về tinh thần. Phải không anh?

Tôi gật đầu hoàn toàn nhất trí rồi “lại bổ sung thêm” hai từ “niềm tin và hy vọng” cho con tim hai đứa cùng đập một nhịp hòa vào khối cộng đồng chung thêm vững vàng.

- Mỗi người, mỗi gia đình là một bộ phận không thể tách rời cộng đồng người Việt. Vì thế “cùng nhau sẽ chiến thắng”.

Những ngày này, nhiều buổi đi quanh co góc chợ vẫn thường xuyên gặp gỡ với số đông bạn bè là dân chợ búa. “Tay bắt mặt mừng” thăm hỏi, động viên, an ủi nhau xong là lời hẹn ước “gặp lại”. Thêm nữa là những lần nhận được “hồi âm” qua làn sóng điện của bạn bè ở Одесса, Киев, Херсон, Житомир, Донецк… Nhất là giọng nói thân thương, ấm tình người của các nhà thơ, nhà văn cộng đồng “năm xưa” của Tạp chí “Tuần tin Quê Hương” (TTQH) (cũ) như Thương Giang, Đỗ Thị Hoa Lý, Hà Thu, Việt Anh, Phương Dung, Minh Kiểm… hẹn hội tụ tại Kharkov nhân kỷ niệm 20 năm báo TTQH (12/05/1998 – 12/05/2018) để cùng nhau ôn lại những ngày qua, thì hỏi rằng có cảm động không cơ chứ!

Nhớ bạn hiền gần xa, chẳng hiều vì sao mấy ngày gần đây, tôi nghe đi nghe lại nhiều lần bản giao hưởng “Định mệnh” bất hủ của nhạc sĩ Beethoven thiên tài. Bởi lẽ giản đơn, kết thúc bản giao hưởng ấy thể hiện sức mạnh tiềm tàng trong con người đã chiến thắng “định mệnh”. Trong đó có chúng ta. Phải không các bạn?

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành – Kharkov" – Tháng 3/2018


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN