Ai đã từng vào khúc ruột Miền Trung, thăm thành phố Vinh rồi đến Làng Chùa, Làng Sen – nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, chắc không khỏi xúc động khi bước chân vào ngôi nhà tranh đơn sơ mà ở đó có những kỷ vật rất đỗi cao quý, vô cùng thiêng liêng. Bởi nó làm sống dậy những kỷ niệm thời ấu thơ của Bác Hồ vĩ đại, trước ngày Người ra đi tìm đường cứu nước.
Từ lâu, chẳng phải riêng tôi mà đã là người Việt Nam đều ghi nhận, nhớ mãi ngày 19 tháng 5 năm 1890 – ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu – Người mà toàn dân thân thương gọi bằng hai từ giản dị rất đỗi gần gũi: Bác Hồ. Để rồi, hằng năm, vào tháng 5 bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim, nhân dân cả nước long trọng kỷ niệm sinh nhật Bác – Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho hạnh phúc nhân loại, cho giang sơn thống nhất một nhà. Cũng từ đấy, những trang sử mới huy hoàng về đất nước, con người được viết lên từ đây – từ Bác Hồ - Người Việt Nam đẹp nhất. Bởi Bác là người sáng lập ra Đảng ta, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Bởi tâm hồn trong sáng, đạo đức tuyệt vời cùng ý chí cao cả suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân của Bác.
Trang 81 trong “Tuyển tập 105 lời nói của Bác Hồ” (Nhà xuất bản văn hóa thông tin – 1995) ghi lại một thời điểm lịch sử. Ai đọc cũng đều cảm động: “Ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại đền thờ các Vua Hùng, Phú Thọ (Nay là tỉnh Vĩnh Phú) Bác Hồ giao nhiệm vụ và căn dặn Đại đoàn quân tiên phong, trước khi vào tiếp quản thủ đô. Bác mặc bộ quần áo nâu, ngồi ở bậc cửa thềm. Bác hỏi bộ đội:
- Các cháu có biết đền thờ ai đây không?
Một chiến sĩ thưa:
- Báo cáo với Bác, đền thờ một ông vua ạ!
- Nhưng vua nào? Bác hỏi lại.
Một chiến sĩ khác trả lời:
- Dạ Vua Hùng Vương ạ!
Bác lại hỏi:
- Thế Vua Hùng là người thế nào?
Một đồng chí khác đứng lên thưa với Bác:
- Dạ, Vua Hùng là một ông vua yêu nước ạ!
Bác gật đầu nói:
- Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như vậy, ông Vua Hùng chính là ông tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến Tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây là như thế đấy. Để rồi, đã qua đi nhiều năm tháng cũng như sẽ còn bao nhiêu thời gian tiếp đến, hình ảnh Bác Hồ vẫn giữ mãi trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt, vẫn là đề tài sáng tác muôn thuở cho văn học nghệ thuật theo chủ đề: Tháng 5 – Nhớ Bác Hồ.
Hàng năm, chúng ta tổ chức Lễ kỷ niệm sinh nhật Bác không chỉ cùng nhau ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những hi sinh lớn lao của Người cho non sông, đất nước mà còn là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự ngưỡng mộ chân thành đối với Người – vị cứu tinh của dân tộc mang tầm vĩ mô lớn. Bởi:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn bọc trăm dòng máu nhỏ.
Để, dẫu rằng, đã qua đi hơn một thế kỷ kể từ ngày sinh của Bác (1890-2018) và cũng đã 49 năm Người ra đi vào cõi vĩnh hằng (1969-2018) nhưng cả bấy nhiêu thời gian, trong tâm khảm người Việt vẫn chỉ có Bác, sắt son trọn đời. Cũng như với thế hệ mầm non: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng”. Hướng về Bác là toàn thể nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc. Viết về Bác đã có nhiều tác phầm văn thơ tuyệt tác. Kể cả người ngoại quốc. Nhãn quan sinh động của họ: Hồ Chí Minh – Việt Nam là một mà tiêu biểu là bộ phim tài liệu nổi tiếng của các nhà điện ảnh Cuba mang tựa đề “79 Mùa Xuân” – với ý nghĩa nội dung tư tưởng bao la: Mùa Xuân của một con người đã nhân rộng thành mùa Xuân vĩnh cửu của Tổ quốc Việt Nam.
Về Bác, có lẽ chẳng còn từ ngữ nào đẹp hơn, giản dị hơn mà thấm đậm tình người bằng chính lời của Người khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo trước ngày 21/01/1946: “…Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” (Trích tuyển tập 105 lời nói của Bác Hồ - trang 45) – và nữa là lời căn dặn của Người trong cách giao tiếp, đối nhân xử thế như cuộc sống hàng ngày: “…Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ lẫn nhau để mưu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể món nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta…”
Vào những Ngày, Tháng, Năm lịch sử này, nhớ Bác, chúng ta những con cháu của Người sẽ nghĩ gì và làm gì hữu ích cho đời, cho Tổ quốc Việt Nam thêm phồn vinh. Muốn được, hãy làm theo lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Làm nên tất cả: “Vì một cộng đồng trong sạch và vững mạnh” như chủ trương bền lâu của Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov đề ra cũng như phương hướng duy nhất đúng “Vì một cộng đồng đoàn kết, ổn định và phát triển” của Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, mà tôi hằng trân trọng, tự hào và đợi chờ.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 5/2018