Bước vào thăm lớp vào một buổi chiều đang giờ học, ấn tượng đầu tiên của tôi là giọng nói dịu dàng của cô giáo và sự tập trung, hứng thú của các em nhỏ trong bài học. Các em một lát lại thi nhau gọi: “Cô ơi! Chữ này…đọc thế nào cô?”, “Cô ơi! Cháu…cháu viết thế này có đẹp không cô?”, Cô ơi! Sao cô không cho cháu điểm?”... Cứ như thế cô giáo quay hết bên bàn này rồi bên kia, xem bài cho từng em một.
Cô Vũ Thị Thơm chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình có nhiều người theo nghề giáo nên từ nhỏ cô đã có niềm đam mê với nghề. TP Hải Phòng, nơi cô sinh ra và lớn lên là một trong thành phố luôn đi đầu trong những phong trào giáo dục trên cả nước, nên cô luôn thường xuyên theo dõi, chủ động nắm bắt các chủ trương giáo dục, cũng như theo sát các quá trình thay đổi phương pháp dạy học trong nước để áp dụng phần nào vào việc dạy học ở đây”.
Đã từng giảng dạy 15 năm ở Việt Nam, cô Vũ Thị Thơm nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến trong việc dạy và học. Hiện tại lớp học của cô ở đây có 24 em học sinh, chia làm 2 lớp: lớp 1 – 16 em, lớp 2 – 8 em. Tuy số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng dạy và học, tạo thuận lợi cho việc quan tâm sát sao đến từng em. So với dạy ở nhà, việc dạy học ở đây có nhiều khó khăn hơn, do các em ở những lứa tuổi khác nhau nên việc nhận thức không đồng đều, vốn từ của các em còn hạn chế, thời gian học và nói tiếng Việt của các em rất ít, chỉ thứ bảy và chủ nhật. Phần lớn các em học trên trường hay với bà Tây, bố mẹ bận công việc, ít có thời gian vui chơi với các con, cho nên việc luyện về phát âm và từ ngữ cho các em rất vất vả.
Ngoài việc dạy cho các em con chữ, cô còn luôn chú ý uốn nắn các em từ việc nhỏ nhất như cách cầm bút, sách vở, dáng ngồi. Rèn luyện cho các em tác phong và cách cư xử sao cho đúng.
Không chỉ dạy cho các em những kiến thức, những yêu cầu cơ bản của các em như trong sách giáo khoa, cô còn thường xuyên tổ chức cho các em những hoạt động khác vừa học vừa chơi nhằm giúp các em thêm hứng thú trong học tập cũng như tình yêu với tiếng Việt: viết báo tường, các hoạt động văn nghệ…
Những bài báo tường do các em tự làm đang được tổng kết và chờ cô giáo trao giải.
Cô giáo cũng chia sẻ, ngoài những buổi dạy, cô cũng phải làm thêm để lo cho cuộc sống gia đình, nên với cô những giờ lên lớp là những niềm vui, được sống trong không khí lớp học, với các em nhỏ, giúp cô xua vợi đi những nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, cũng như thỏa niềm mơ ước mà cô đã từng theo đuổi.
So với những nơi khác, điều kiện lớp học còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, đồ dùng dạy học còn thiếu nên phải tận dụng tối đa mọi thứ xung quanh để minh họa và giúp các em tìm hiểu. Bàn ghế không phù hợp và đảm bảo cho các em, sách, vở ô ly, mẫu chữ, những bài viết mẫu theo tiêu chuẩn thiếu thốn nên cô phải thường xuyên liên hệ với ở nhà để gửi sang, lấy tư liệu dạy học. Tuy nhiên, các em ở đây đều sống tập trung nên thời gian học được đảm bảo, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng và được sự quan tâm, tạo điều kiện của ban quản trị làng cũng như các bậc phụ huynh học sinh với lớp học.
Là một nhà giáo và tâm huyết với nghề, ai cũng mong những học trò của mình ngày một tiến bộ, học giỏi, nên người. Việc dạy trẻ có nhiều khó khăn hơn đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn, bền bỉ, chỉ những ai có tấm lòng yêu quý con trẻ mới có thể làm tốt được. Chia sẻ những mong muốn của mình, cô giáo nói, cô rất mong được mang kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền đạt cho thế hệ thứ 2 và thứ 3 của người Việt ở đây, mong các em sau này về nước có thể giao tiếp và làm việc thật tốt. “Người Việt không thể không biết Tiếng Việt”. Tất cả vì con em chúng ta. Mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa của các cấp lãnh đạo để lớp học có điều kiện học tập tốt hơn cho các em và đạt được những mục tiêu đề ra năm 2017.
Trần Xuyến