Cộng đồng người Việt Nam ở Odessa gói bánh chưng chào đón năm mới Kỷ Hợi. Ảnh: Thúy Nguyễn
Gìn giữ nét đẹp truyền thống
Những người sống ở trời Tây nói với tôi rằng, cuối năm là thời gian được những người con xa xứ mong chờ nhất, bởi đây dịp mọi người được tụ họp để cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tết nơi phương xa tuy không nhộn nhịp như ở quê nhà nhưng chan hòa tình nghĩa.
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề, Hội Người Việt Nam tại tỉnh Odessa, Ukraina đều đặn tặng mỗi gia đình 2kg gạo nếp, 1 tờ lịch năm mới để động viên và lan rộng không khí năm mới trong toàn cộng đồng.
Hoạt động thường niên được mọi người háo hức chờ đón nhất là chương trình gói bánh chưng từ thiện. Ông Nguyễn Như Mạnh - Chủ tịch Hội Người Việt tại Odessa kể: Năm nào cũng vậy, bà con người Việt sẽ quây quần tại một nhà văn hóa. Năm nay, chúng tôi chọn Nhà văn hóa làng Staritskogo để cùng nhau gói bánh. Những nghệ nhân khéo léo chọn loại gạo nếp hạt thật to và thơm, đỗ vàng ươm, xay mịn, con lợn thật khỏe để làm thịt và lá dong được rửa sạch, cắt theo khuôn. Bà con í ới nhỏ to, nói chuyện rôm rả, tất cả cùng làm, cùng cầu mong một năm mới an khang, yên vui, hạnh phúc.
Khác với ở Việt Nam, mùa Đông ở Ukraina rất lạnh, nên vất vả nhất vẫn là công đoạn luộc bánh. Ông Mạnh nhớ, những năm tuyết phủ trắng trời, mọi người cùng nhau chặt củi, bắc bếp từ sớm, phải che chắn cho lửa khỏi tắt và cùng quây quần quanh những nồi bánh chưng, duy trì đều lửa để bánh rền, thơm ngon. Vất vả là vậy, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương...
Sau khi trừ mọi chi phí làm bánh, số tiền còn lại sẽ được cho vào Quỹ từ thiện của Hội Người Việt Nam để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, viện trợ những trường hợp cần cứu giúp không riêng gì ở Odessa, mà còn gửi về quê hương ủng hộ người dân vùng thiên tai, dịch bệnh.
Những ngày giáp Tết các mặt hàng đưa từ Việt Nam sang luôn được bà con tìm mua nhiều, ai cũng muốn trong nhà có những sản vật quê hương để Tết xa quê nhưng vẫn thấy ấm lòng.
Với vị trí thuận lợi gần cầu hàng không Thổ Nhĩ Kì nên rau cỏ, hoa quả tươi ngon từ Việt Nam được chuyển sang Odessa liên tục. Đặc biệt, trước Tết, nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ, tươm tất mâm ngũ quả cúng gia tiên, đồ khô, gia vị Việt để nấu các món truyền thống.
Nếu ngày mồng một Tết trùng vào ngày chợ làm việc thì bà con ở đây vẫn cố sắp xếp để ra mở cửa hàng lấy ngày đầu năm. Hi vọng một năm mới tấn tài tấn lộc, buôn may bán đắt. Họ cũng thu xếp về sớm nấu nướng, đi đến các nhà anh em, bạn bè chúc Tết.
“Năm nay, do tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, nên nhiều gia đình cho con cái về quê ăn Tết. Tuy khó khăn đó là nỗi lo, là áp lực nhưng cũng là dịp để mọi người trở về đoàn tụ, chung vui đón Tết đầu năm”, ông Mạnh nói.
Giữa tiết trời Đông lạnh giá, mọi người ngồi quây quần bên nhau vớt bánh chưng. Ảnh: Thúy Nguyễn
Khắc khoải nỗi nhớ nhà
Với người Việt, Tết là dịp để mỗi người con phương xa trở về sum vầy bên gia đình. Với những người con xa xứ điều đó không dễ thực hiện bởi khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế, con cái học hành… nhưng họ đều chung tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.
Xa quê hương đã mấy chục năm, cô Trần Thị Thúy (định cư tại Odessa) chia sẻ: Dù xa nhà đã lâu, coi nước sở tại như quê hương thứ 2, nhưng mỗi độ Xuân về tôi lại thấy nhớ cái Tết sum vầy, đầm ấm ở quê nhà.
“Rất lâu rồi, tôi không có dịp về quê ăn Tết. Để các con không quên phong tục Tết cổ truyền, vợ chồng tôi đã giải thích tỷ mỷ cho các con hiểu ý nghĩa của ngày Tết và cùng nhau vào bếp nấu mâm cỗ cúng gia tiên”.
Năm nay tình hình kinh tế tại Ukraina rất khó khăn, mọi người làm ăn vất vả hơn nhiều. Nhưng gia đình nào cũng cố gắng dành thời gian chuẩn bị khá đầy đủ mọi thứ cho ngày Tết, vẫn có đủ bánh chưng, hương vàng, giò chả… Ngoài hoa tươi nhiều gia đình còn hái lộc về cắm cho có không khí mùa Xuân giống như tại quê nhà.
Đối với các bạn sinh viên mới xa nhà, thì nỗi nhớ lại càng thêm da diết. Cô sinh viên năm 4 Khoa Ngôn ngữ Nga - Đại học Tổng hợp Odessa Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: Tết thường vào tháng 2, khi ấy kết thúc kỳ nghỉ đông rồi nên bọn em chỉ quây quần nấu bữa cơm thôi.
4 năm là sinh viên cũng là 4 năm Thúy ăn Tết xa nhà. Một mình học tập nơi xứ người, không người thân thích nên Tết nào cũng vậy, Thúy lại ngồi khóc thút thít vì… nhớ nhà.
Những chiếc bánh chưng luộc xong được rửa sạch và đặt ngay ngắn trên bàn. Ảnh: Thúy Nguyễn
“Ở bên này 4 năm rồi - nghe có vẻ lâu, cơ mà giao thừa năm nào em cũng khóc chị ơi. Nhớ da diết những ngày cuối năm ở quê nhà có đào, có mai, có quất… rồi mọi người quây quần gói bánh chưng em “thèm” lắm. Thèm bữa cơm gia đình ngày cuối năm. Thèm đi chúc Tết ông bà, người thân. Thèm cả gặp bạn bè nữa...”.
Năm đầu tiên em gọi về đúng lúc Giao thừa, bố mẹ nhớ em, em bên này tủi thân và nhớ mọi người. Giao thừa nhưng ai cũng khóc. Sau năm ấy em chỉ dám gọi vào mùng 2, mùng 3 thôi. Bà em già rồi, Tết nào cũng hỏi sao chưa thấy Thúy về. Gọi điện thoại qua Facebook, bà mắt kém không nhìn thấy chỉ suýt xoa "bà nhớ cháu lắm", em cũng chỉ nói được câu "cháu nhớ bà lắm", thế là cả 2 cùng khóc.
Những ngày Tết, ở bên này tụi em thường đến nhà nhau chơi cho đỡ tủi thân. Năm thứ nhất sang học, em tập trung cùng các anh chị Trường Hàng hải Quốc gia Odessa nấu những món kiểu truyền thống Việt Nam, có giò, có nem, có gà luộc và ăn đúng vào giờ xem chương trình truyền hình trực tiếp đón năm mới theo giờ Việt Nam.
Từ năm thứ 2, em quen biết nhiều cô chú ở Hội Người Việt ở Odessa nên chúng em đến ăn Tết cùng các cô chú. Lúc về còn được các cô cho tấm bánh chưng, miếng giò. Các cô chú ở đây tốt bụng lắm, con cái đều đi học xa nên lo cho bọn e như con đẻ ấy…
Tết nơi xa xứ không kéo dài như trong nước, có nhiều người tranh thủ đi hàng trăm cây số chỉ để đến ngồi bên nhau vài giờ, ăn với nhau một bữa cơm Việt Nam và cùng nhau cầu mong một mùa Xuân mới an lành, hạnh phúc sẽ đến. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để họ có một cái Tết ấm lòng...
Nàng dâu tây ấn tượng với Tết Việt
Chị Lena Vasilevna là cô gái tây chính hiệu (người gốc Ukraina) bén duyên với anh chàng gốc Việt đã 23 mùa Xuân. Nhiều năm được ăn Tết cổ truyền tại Việt Nam để lại rất nhiều ấn tượng trong chị.
Chị Lena kể, những năm gần đây không có dịp về Việt Nam ăn Tết nhiều, nhưng gia đình tôi vẫn duy trì phong tục đón Tết cố truyền của người Việt. Năm mới đến, chồng tôi đem về nhà một cành đào. Anh ấy nói, nếu Ukraina có cây thông thì Việt Nam có cây đào. Con trai tôi thì rất thích Tết Việt vì khác với bạn bè là cháu được đón 2 lần năm mới và 2 lần được nhận quà.
Tôi đặc biệt ấn tượng với các món ăn Việt Nam, đặc biệt là vào năm mới. Chồng tôi hàng năm vẫn mua 4 chiếc bánh gạo nếp gói trong những chiếc lá xanh, rồi cùng với một con gà luộc, đĩa hoa quả và để lên một chiếc bàn nhỏ để thắp hương cho ông bà, bố mẹ đã mất.
Nàng dâu tây Lena Vasilevna đón Tết cổ truyền bên những người bạn Việt Nam. Ảnh: NVCC
Tôi cũng rất ấn tượng khi nhìn người Việt Nam lấy lá xanh bọc gạo rồi cho vào nồi to để luộc. Họ rất tỷ mỷ và khéo tay, họ làm rất vui vẻ nữa. Tôi được hướng dẫn nhưng rất phức tạp nên tôi chỉ giúp mọi người rửa lá xanh.
Chị Lena cười rồi tiếp tục câu chuyện: Tôi không hiểu lắm về nguồn gốc bánh gạo bọc lá và từng thắc mắc, tại sao không nấu trong các nồi điện nhiều công dụng mà phải kỳ công gói vào lá, nhưng khi ăn thử mới biết khá ngon và có mùi vị đặc biệt… có lẽ là do được gói trong lá.
Món ăn tôi thích nhất là món thịt băm trộn rau, mỳ, sau đó bọc lại và rán. Người Việt gọi đó là “nem”. Ngoài ra còn rất nhiều các món khác như giò, thịt gà luộc, tre non, sa lát đều rất đặc biệt và ngon.
Vào ngày Tết, người Việt đến nhà nhau chúc Tết, sau đó tụ tập lại rất đông để ăn uống, hát hò… Mọi người còn mua pháo hoa về đốt rất vui. Năm mới Việt Nam thường vào lúc 7 giờ tối giờ Ukraina nên mọi người có nhiều thời gian vui chơi…
Theo Thanhtra.com.vn