Thật vậy, chả nói đâu xa, riêng ở Kharkov chúng tôi, cùng lúc khủng hoảng kinh tế mang tính chất toàn cầu, đất nước ta đang sinh sống, làm việc và học tập đổi thay quá nhiều cộng thêm dịch Covid-19 kéo dài nặng nề tưởng chừng không có điểm dừng đã ảnh hưởng trực tiếp tới buôn bán, kinh doanh cũng như tinh thần lẫn sức lực con người, khiến dân chợ búa nói chung, trong đó có Người Việt mình càng bồn chồn, lo lắng miên man trong suy tư: “phận mình ra sao!” Nhưng dù cho Trung tâm thương mại Барабашова nhiều hôm vắng tanh như chùa bà Đanh, khách mua thưa thớt, người bán lắm buổi “về tay không”, chợ vẫn tồn tại. Đặc biệt chị em phụ nữ Việt Nam không bỏ sót một ngày cần cù, chăm chỉ làm ăn bằng lương tâm và trách nhiệm của người vợ thủy chung, người mẹ hiền từ “chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau” rất đáng để “cánh mày râu” trân trọng, tự hào. Và tôi, vốn tâm đắc với chủ đề này từ lâu, mong mỏi qua “Người Việt Odessa” chia sẻ đôi điều với bạn đọc gần xa.
Vâng, mấy ngày liền trong tuần tháng 11 năm nay, trời lạnh hẳn, nhiều đêm dưới độ âm, ngỡ hàng mùa đông đang vào vụ. Nào ngờ, những dãy cửa hàng kính lộng lẫy ánh đèn chật kín áo lông thú, áo da “sịn” cùng Куртка đủ kích cỡ, màu sắc,..và các mặt hàng đồ ấm khác như áo len thổ đầy đặn, găng tay dày dặn, mũ lông che tai... đặc sản xứ hàn đới, vắng người qua lại ngoài các ông chủ, bà chủ ngồi buồn tênh: khẩu trang che kín mặt để hở mỗi ánh mắt lo âu, không nói một lời ngoài tiếng thở dài não ruột. Kể cả tôi mỗi lần đi qua, con tim chợt đập nhanh thêm như thể hòa nhịp vào nỗi buồn không của riêng ai ấy của dân chợ búa. Bạn đồng hành từ những ngày đầu có chợ ở Kharkov từ những năm 90 của thế kỷ trước liên tục cho đến tận bây giờ.
Hôm vừa rồi, đang lững thững đi chậm từng bước vì những ngày này có việc gì đâu, tình cờ gặp Th. Người phụ nữ trẻ trung, nhỏ nhắn - em là cô gái Bắc Giang, rét thì mặc rét việc nhà em lo, đứng thui thủi một mình bên cửa hàng bán đầy ắp Куртка của mình. Dừng chân bên em, chưa kịp mở miệng hỏi “công việc thế nào!”, Th đã ngỏ lời than vãn:
- Anh tính, nhiều hôm khách hàng xem lướt qua không hỏi giá rồi lạnh lùng bỏ đi hoặc những buổi sáng sớm, hàng bầy ra chiều thu vào nguyên vẹn... thì hỏi anh, tình trạng chợ kéo dài mãi thế này, lấy gì mà sống!
Cảm thông nỗi buồn ấy, không của riêng em, tôi cố gắng tìm lời động viên như thể tự an ủi chính mình vì đã bao năm rồi bản thân mất nhiều hơn được nhưng cùng cộng đồng vẫn vững bước mà đi:
- Anh tin rằng mọi khó khăn, trở ngại sẽ qua đi một khi mọi người biết chung sức cộng lòng và tự mình quyết tâm, phấn đấu, đợi chờ như chân lý đời thường “hết đêm rồi lại đến ngày” em à! Thấy Th im lặng trong suy tư, tôi đặt vấn đề, trước tình hình này. Em có chuyển hướng gì mới trong kinh doanh chưa!
Nhớ lại, Th nhoẻn miệng cười tươi thổ lộ:
- Cũng đã bán thêm qua Internet anh à. Nhưng mới vào cuộc còn chậm lắm anh.
- Vạn sự khởi đầu nan em à! Miễn sao với niềm tin “có công mài sắt có ngày nên kim” thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Ngừng một lát, nhớ nhiều ngày thấy Th “cô đơn” tác nghiệp, tôi hỏi cho ra nhẽ: “phu quân đâu mà lâu không gặp?”
Chép miệng thở dài, Th vội đáp:
- Lẩn thẩn tính toán thế nào nhà em tự quyết về phép theo chuyến bay thương mại vừa rồi. Túi bụi trăm công ngàn việc ra sao nay đã khứ hồi được đâu. Ngưng một lát, Th hoài vọng nói tiếp, mặc dù em đã hết sức can ngăn với lý do tuổi không còn trẻ, tiền lại không có nhiều trong tay thì làm được gì. Thấy anh ấy im lặng, em khuyên, thà rằng tiếp tục trú ngụ quê hương thứ hai này, chờ hai con học hành đến nơi đến chốn, đủ điều kiện về quê “đổi đời” cũng chưa muộn phải không anh?
Nghe xong thấy Th phân tích quá chí tình nhưng không dám trả lời đúng hay sai vì mỗi người có riêng suy tư, mỗi gia đình có riêng hoàn cảnh, tôi ậm ừ tán thành bằng lời khen thật lòng:
- Có nghĩa là từ ngày ấy đến nay, em một mình tần tảo chợ búa, lo toan việc nhà vất vả quá nhỉ!
Th im lặng. Đôi mắt đen láy phía trên khẩu trang che kín mặt, đau đáu hướng về phương Nam, chờ ngày hội ngộ với người chồng trong “tình yêu có từ nơi đâu”.
Liếc nhìn đồng hồ thấy đứng lâu vào thời điểm Карантин này e là không nên, tôi vội tạm biệt Th với lời chúc mọi việc tốt kành. Hẹn gặp lại vào lúc vợ chồng đoàn tụ trên quê hương thứ hai này.
Đi được mấy bước đường, tranh thủ ngoảnh lại nhìn Th nhắn nhủ: “đừng bao giờ quên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng và bạn bè nhé!”
Kết thúc mấy lời tâm tình nét đẹp phụ nữ Việt Nam có từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến nay, chợt nhớ đến những thiếu phụ góa bụa đang tần tảo chợ búa, lo toan việc nhà ở Kharkov này, tôi càng ngưỡng mộ, khâm phục họ muôn vạn lần hơn thế.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành”-Kharkov. Tháng 11-2020.