Từ lâu, đồng hành với cộng đồng trên chặng đường dài nơi xứ người này, bản thân từng trải qua nhiều cuộc bể dâu, những điều trông thấy, tôi nhận ra chân lý cuộc đời: những ai làm việc gì dù lớn hay nhỏ biết lấy Đạo đức làm gốc trên phương châm “lá lành đùm lá rách” đều thành công dù ít hay nhiều và đều được mọi người cảm phục thầm kín và dài lâu.
Tâm đắc với chủ đề này. Nhớ mãi. Trưa ngày mồng 9 tháng 1 năm nay, dạo quanh vài góc chợ, gặp mấy người bạn thân, với nỗi buồn man mác tôi trải lòng ngay: Nhanh thật, đã tròn một giáp (12 năm) ông Đinh Văn Nhời - một người của mọi người ra đi về cõi vĩnh hằng. Nhưng hình ảnh vị chủ tịch đầu tiên của Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (1994) vẫn in sâu đậm nét trong tâm khảm người Việt mình, một thời là hội viên của Hội đồng hương, một thời là dân chợ mưu sinh ở khu chợ Hữu Nghị (1996) tại trung tâm thương mại Барабошова mà ông Nhời làm giám đốc. Với tôi, cộng sự cùng ông từ thuở ban đầu, kể cả hội đoàn (1994) lẫn công ty (1995) tới ngày ông trở về cội nguồn (9-1-2008) luôn khắc ghi trong tôi.
Có lần, vừa nhắc đến tên Đinh Văn Nhời, có người đã thổ lộ: Tôi biết bác Nhời từ những năm 90 của thế kỷ trước, gần gũi chuyện trò ai cũng phục phong cách mộc mạc giản dị, thật thà trong lời ăn tiếng nói và nhân hậu trong việc làm là những nét đẹp riêng chiếm được tình cảm của mọi người. Lần khác, nhắc đến chợ, có chị vốn là công nhân làm việc tại Kharkov theo hiệp định hợp tác kinh tế giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô cũ, hưng phấn bộc bạch: Sau ngày hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã. Nhà máy đóng cửa, dân công thất nghiệp theo, có người Việt mình. May thay đổi đời bắt đầu từ chợ_ chợ “Hội đồng hương Việt Nam” thuộc công ty Hữu Nghị quản lý. Và dần đã đi lên ngoài ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” còn là sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của công ty và Hội mà ai cũng dễ nhận ra. Ngừng một lát, giọng đậm đà hồi tưởng, chị tâm sự. Sau ngày bác Nhời mất, vắng bóng ông già tóc phai màu và câu nói bâng khuâng “thế là tốt rồi” mỗi lần bác hỏi một ai “công việc thế nào!” càng làm chúng tôi nhớ bác nhiều hơn.
Hồi còn sinh thời, ông Nhời rất quan tâm đến công tác cộng đồng, đặc biệt là công việc hậu sự lo toan, chôn cất những ai xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng được bà con lao động gia đình người thân biết ơn và ghi nhận công lao nghĩa tử là nghĩa tận ấy như sự cố anh Hân chết thê thảm khi bị kẻ gian treo cổ trên cành cây; anh An và bạn đi lấy hàng ở Хмельницкий bị kẻ cướp lấy tiền xong chôn sống tại một khu rừng hoang vắng; anh Mười cô đơn ra đi sau căn bệnh hiểm nghèo. Và bây giờ, Hội người Việt tỉnh Kharkov (1998), một tổ chức xã hội luôn được khắc ghi về “lương tâm và trách nhiệm” trong việc giải quyết thấu đáo, trọn tình vẹn nghĩa trong mọi trường hợp khó khăn, phức tạp đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng theo tâm linh đạo Phật, theo nguyện vọng của gia đình.
Gần đây nhất, tình cờ tìm được bức thư từ Việt Nam gửi sang đã lâu, thấy có liên quan đến chủ đề “tình sâu nghĩa nặng” này, mạn phép đăng lại “nguyên bản”, mong muốn được chia sẻ với bạn đọc gần xa để rồi cùng tôi ghi nhận cái Tâm của những ai trong suy tư và hành động “vì một cộng đồng trong sạch và vững mạnh”:
“Điền Hải ngày 15/7/2011
Kính gửi bác Cơ và Hội đồng hương người Việt Nam UCRAINA.
Thay mặt gia đình cháu gửi lời chúc sức khỏe đến bác và Hội đồng hương.
Khi em cháu về nước, gia đình cháu cũng đã viết thư cảm ơn gửi qua bác và Hội, nhưng vì một lý do nào đó mà thư không đến được bên đó, mong bác và Hội thông cảm, gia đình cháu cũng xin nhận lỗi.
Bác ạ! Cháu biết dù người Việt Nam mình ở đâu cũng có tình thương, tình đoàn kết gắn sâu vào máu thịt từng người. Như vậy em cháu mới được về nước. Qua đây gia đình cháu rất tỏ lòng biết ơn bác và Hội mình ở bên đó. Nhờ anh Chiến và chị Diệu, cháu cũng biết sức khỏe của bác và công việc làm ăn của Hội mình ở bên đó. Ở bên này gia đình cháu cũng bình thường và gia đình cháu cũng lo cho Mười được mồ yên mả đẹp. Số phận của em cháu không may nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của bác và Hội, gia đình cháu không bao giờ quên ơn.
Dù có tiền của thì gia đình cháu cũng không qua được đó để đưa em cháu về quê. Công ơn của bác và Hội như một người cha, người anh của nó.
Những việc làm của bác, anh Chiến, chị Diệu, chị Hạnh và Hội người Việt Nam mình bên đó gia đình cháu không lấy gì so sánh được. Khi nào có điều kiện, bác hoặc những người trong Hội về nước hãy đến với gia đình cháu theo địa chỉ:
Nguyễn Xuân Đệ, thôn Điền Hải, Phong Điền, thành phố Huế
Thôi cháu chúc sức khỏe của bác, Hội mình luôn luôn làm ăn phát đạt, có nhiều nghĩa cử cao đẹp hơn nữa đến với những người Việt Nam xấu số hoặc ko có điều kiện may mắn. Và lời chúc đoàn kết trong Hội.”
Cháu Nguyễn Xuân Thanh - anh trai Nguyễn Xuân Mười
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành”- Kharkov. Tháng 2-2020