Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Sự khác biệt của lễ Giáng sinh theo Công giáo và Chính thống giáo

Thứ hai, 24/12/2018 | 16:14
Bắt đầu từ năm 2018, người dân Ukraina chính thức có thêm một ngày nghỉ lễ mới - lễ Giáng sinh (Noel, Christmas) của Công giáo, diễn ra vào đêm 24 sang ngày 25 tháng 12.

Lễ Giáng sinh của dòng Công giáo (dòng Catholic, hay Thiên Chúa giáo châu Âu - theo cách gọi của người Ucraina) hay dòng Chính thống giáo (dòng đạo Thiên Chúa ở một số nước Đông Âu, như Nga, Ucraina, Gruzia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ…) đều là lễ kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus ra đời cách đây hơn hai nghìn năm, nhưng lại diễn ra cách nhau hai tuần - Giáng sinh Công giáo tổ chức vào đêm 24 sang ngày 25 tháng 12 hàng năm, còn Giáng sinh Chính thống giáo tổ chức vào đêm mùng 6 sang ngày mùng 7 tháng 1. Sở dĩ có sự khác biệt đó là do hai dòng đạo này sử dụng hai loại lịch khác nhau: Công giáo dùng lịch Gregorius (Dương lịch ngày nay), còn Chính thống giáo sử dụng lịch cũ - lịch Julius.

Mặc dù khác biệt về ngày tháng như vậy, nhưng về căn bản, cả hai ngày lễ Giáng sinh nói trên đều lấy cơ sở là truyền thuyết về sự xuất hiện của Đức Chúa Jesus, với biểu tượng là ngôi sao Bethlehem vụt sáng trên bầu trời trong đêm dài nhất của năm.

Không chỉ có vậy, hai ngày lễ Giáng sinh của Công giáo và Chính thống giáo còn có nhiều điểm khác biệt nữa, do ảnh hưởng của phong tục truyền thống vùng miền, cũng như nghi thức tôn giáo.

Chẳng hạn, Giáng sinh 25/12 là ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất của Công giáo, trong khi với Chính thống giáo thì Giáng sinh 7/1 chỉ là dịp lễ có tầm quan trọng thứ hai, sau lễ Phục sinh (thường vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5).

Vào dịp lễ Giáng sinh, người theo Công giáo không nhất thiết phải ăn chay, còn người theo Chính thống giáo thì bắt buộc phải ăn chay để thể hiện lòng thành kính của mình hướng về Đức Chúa.

Món ăn đầu tiên trong bữa tiệc Giáng sinh của giáo dân Công giáo là bánh thánh, còn của giáo dân Chính thống giáo là món cháo mạch nấu cùng nhiều loại hạt và mật ong, nho khô. Bàn tiệc Giáng sinh của người theo Chính thống giáo cũng phải có đủ 12 món chay, tượng trưng cho 12 vị Thánh tông đồ, còn Công giáo thì không bắt buộc.

Cây thông Noel là biểu tượng chính của dịp lễ Giáng sinh Công giáo. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, biểu tượng không thể thiếu trong lễ Giáng sinh của Chính thống giáo lại là một bó bông lúa mỳ, trang trí cùng một số loại hoa khô.

Đêm Giáng sinh, người theo Công giáo nhất định phải hành hương đến nhà thờ, nhưng không nhất thiết phải tham gia hành lễ. Trong khi đó, giáo dân Chính thống giáo thường tham gia thánh lễ từ chiều tối, kéo dài đến gần sáng, với nhiều phần nghi thức khác nhau, từ lễ cầu nguyện đến di hành xung quanh nhà thờ.

Tục lệ hát đoản khúc Giáng sinh chúc mừng lẫn nhau không mấy phổ biến trong Công giáo và thường chỉ được mọi người thực hiện trong gia đình. Còn với người theo Chính thống giáo, đây là nghi thức không thể thiếu, được thực hiện bởi những đoàn thiếu nhi mặc trang phục đẹp, đi đến từng nhà, hát chúc phúc mọi người để được cám ơn bằng bánh kẹo, đồ ăn hoặc tiền.

Tặng quà cho người thân, đặc biệt là trẻ em, là thủ tục hết sức quan trọng và không thể bỏ qua trong ngày lễ Giáng sinh của người theo Công giáo. Nhưng với Chính thống giáo thì thủ tục này hầu như không mấy phổ biến và cũng không nhất thiết phải làm.

Cũng liên quan đến tục lệ trên đây, nhân vật không thể thiếu trong dịp lễ Giáng sinh Công giáo là hình ảnh Ông Già Noel với bao quà nặng trên vai đến từng nhà phát cho trẻ em. Còn dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo thì không có sự tham gia của Ông Già Noel. Chính thống giáo có một nhân vật khác, cũng phát quà cho trẻ em tương tự như Ông Già Noel - đó là Thánh Nhikolai, được coi là vị Thánh bảo trợ cho trẻ em và những người bất hạnh. Nhưng lễ tặng quà của Thánh Nhikolai diễn ra vào đêm 18 sang ngày 19 tháng 12 Dương lịch, trước lễ Giáng sinh khá xa và không liên quan gì đến sự ra đời của Đức Chúa Jesus.

Theo tuantinquehuong