Trên đường tìm về quán đồ ăn Việt Nam Kim – Natasha mới mở, tôi mường tượng ra tô phở nóng hổi với miếng chanh tươi, thìa tương ớt đỏ rồi chỉ biết suýt xoa, vỗ về cái bụng đang cồn cào đói. Đến quán, tôi xếp hàng sau người đàn ông có nụ cười thân thiện chào tôi ngay lúc vào. Thật may, thời gian chờ đợi của tôi bỗng vui và có ý nghĩa hơn khi nghe ông chia sẻ về món ăn yêu thích tại quán: “Vợ chồng tôi rất thích món súp này, món ăn rất ngon, đặc biệt là nước dùng và các gia vị của quê hương các bạn rất thơm, hấp dẫn, khác với súp của cải đỏ truyền thống của chúng tôi, nhưng vì bận nên chúng tôi không thể đến quán ngồi ăn mà ngày nào tôi cũng ghé qua quán mua về như thế này”. Vừa kịp hỏi tên ông là Lukevich Petria, thì món phở của ông đã chuẩn bị xong, tôi chỉ kịp chào ông, chúc ông ngon miệng và đến lượt mình gọi món để lấp đầy cái bụng đang đói. Nghe nói quán mới mở nhưng lượng khách khá đông vì trước kia ông bà đã bán hàng cơm nhiều năm rồi, nay chuyển về đây, bên cạnh món cũ, gia đình bán bổ sung thêm phở cổ Hà Nội và bún chả để quảng bá, giới thiệu nét đẹp tinh tế trong ẩm thực Việt Nam cho bạn bè quốc tế.
Nhìn tô phở, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ về những buổi sáng tiết thu, đầu đông lành lạnh, những cô gánh phở hay đi rong ngoài đường. Một đầu gánh là chiếc chạn con đựng bát đũa, các lọ gia vị và có ngăn kéo đựng bánh phở, thịt bò. Đầu kia là bếp lò với nồi con nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục được đun bằng than. Khách đến ăn, chẳng ai ngần ngại kéo một chiếc ghế nhỏ ngồi ngay bên hè phố hay trong các quán nhở sực nức mùi thịt bò và nước dùng chỉ để được thưởng thức trọn vị thanh tao của tô phở Hà Nội đúng cách nhất. Giờ đây, cùng với sự phát triển của xã hội, những gánh hàng xưa không còn nữa, thay vào đó là những quán như quán tôi đang ngồi chẳng hạn, điều hòa mát lạnh.
Còn gì tuyệt hơn, khi mà ta có thể thưởng thức một tô phở đúng vị Hà Nội ngay trên xứ người, sau vài phút ngớt khách, tôi đã có dịp trò chuyện với chị Ngọc Thư. Hóa ra, nhờ người họ hàng có truyền thống lâu năm bán phở tại phố cổ Hà Nội truyền cho bí quyết nấu chuẩn phở cổ Việt mà những người sành ăn thường tìm đến quán chị đông như vậy. Chị cho biết, từ nguyên liệu: xương, thịt, gia vị, rau thơm... tất cả đều phải tươi sống, chọn phần ngon nhất. Bánh phở, bún... đều được nhập từ Việt Nam để đảm bảo sợi phở dai, mềm, chuẩn vị. Đặc biệt, công đoạn khó nhất là hầm nước dùng với những gia vị gia truyền trong vòng 12h đồng hồ, sau khi sôi thì ninh lửa nhỏ, hớt bọt liên tục cho vị ngọt từ xương ra hết để mang đến cho khách hàng những tô phở nhiều chất dinh dưỡng nhất. Tôi hỏi: “Có phải cứ nước trong, bánh dẻo, thịt mềm... ắt sẽ là phở ngon không, thưa chị?”. Chị chỉ cười và nhẹ nhàng đáp: “Chỉ có những người sành ăn, hiểu sâu về ẩm thực mới có thể nhận biết ra sự khác biệt của phở Hà Nội với các vị phở khác. Phở Hà Nội xưa có cái thơm, thoang thoảng, vị ngọt tịnh mà chẳng nồng như Phở Nam Định, chẳng đậm như Phở Nam... Thế nhưng, chính cái vị thoang thoảng ấy đã làm nên sự tinh tế, cái vấn vương của thức quà Hà Nội xưa, rồi đi vào lòng người không hay”.
Tại chợ có nhiều quán bán phở đã rất lâu rồi. Mỗi quán đều có những bí quyết để giữ gìn hương vị phở riêng biệt, đặc trưng cho mỗi vùng miền, mỗi dòng họ và cũng đã có không ít các quán phở do chính những người bản địa nơi đây tìm tòi, chế biến, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cái công, cái tâm mà từng người chủ quán gửi gắm vào tô phở. Chính lẽ đó, nhiều người Việt, người dân bản địa cũng hay ghé qua các quán thưởng thức món ăn, tiếp thêm năng lượng cho chính mình. Như ông Andrey Sivash – cục trưởng cục thông tin báo chí của hội đồng thành phố Odessa, dù đường xa nhưng hàng tuần ông vẫn đến chợ để ăn những tô phở Việt. Dần thành thói quen, mỗi lần ông đến một quán khác nhau để thưởng thức vị thanh của phở, ủng hộ giúp các quán phát triển, và sâu xa hơn, đó chính là tinh thần hữu nghị, tình đoàn kết, sự ủng hộ của người dân nơi đây dành cho những bà con trong cộng đồng Người Việt phát triển, kinh doanh trên chính mảnh đất này.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp Đại Học đã quyết định ở lại, lập nghiệp trên mảnh đất này, với mong muốn giới thiệu quảng bá ẩm thực Việt Nam tới bạn bè thế giới. Ngoài bạn Nguyễn Việt Mi với BUBBLE TREND, nhiều bạn trẻ có ý tưởng cùng gia đình phát triển kinh doanh tại các khu chợ lớn nhỏ, không chỉ bán phở, bún chả mà còn có cả cơm buffet kèm theo cái loại xôi, chè... thơm ngon, hi vọng sẽ để lại dấu ấn ẩm thực Việt trong lòng mọi du khách.
Đặc biệt, có một điều đáng tự hào: món phở của Việt Nam đứng đầu danh sách 40 món trên thế giới nên thử trong đời theo trang Business Insider công bố. Thật tiếc không thể ghé qua tất cả các quán phở nơi đây nhưng tôi luôn được nghe những phản hồi rất tốt của người dân bản địa về món ăn tinh tế này. Và được biết, không chỉ tại các chợ lớn nhỏ, nhiều người còn đang lên kế hoạch mở rộng mô hình làm ăn, phát triển tại các nơi đông người, trung tâm thành phố với mong muốn sẽ quảng bá sâu rộng hơn nữa ẩm thực Việt đến bạn bè thế giới. Chúc cho tất cả các quán phở Việt luôn đông khách, và một ngày không xa, đó sẽ là món ăn yêu thích của tất cả mọi người!
Vô Ưu