Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tín

Thứ sáu, 04/05/2018 | 20:56
Bằng ý chí quyết tâm cao, ông Phạm Đức Long đã trải qua biết bao thử thách trên hành trình mưu sinh lập nghiệp nơi xứ người. Với những chia sẻ rất thật cùng Người Việt Odessa, một bức tranh toàn cảnh về chặng đường đầy gian nan nhưng cũng thật đáng tự hào của các doanh nhân Odessa được tái hiện.

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tínBan Thanh tra hội người Việt Nam tại Odessa

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Ấy vậy mà cũng đã mấy chục năm rồi kể từ khi ông còn là một lưu học sinh được nhà nước cử sang học tập tại trường Đại Học Hàng Hải Odessa. Cách trường ông không xa, chỉ vài phút đi bộ là tới kí túc xá 35 trên đường Frunze, nơi công nhân trong nhà máy giày da sinh sống. Thời gian rảnh, chàng thư sinh người Nam Định với dáng nhỏ nhắn ấy lại nhiệt tình đến giúp đỡ, hướng dẫn cách viết, cách đọc tiếng Nga cho các công nhân để mọi người sớm thích nghi và ổn định “nơi đất khách quê người”. Hẳn có lẽ do duyên số nên một trong những “học trò” của ông ngày ấy chính là vợ ông bây giờ - người con gái Thanh Hóa tên Phạm Thị Xuân.

Những tưởng rằng cuộc sống sẽ mãi êm đềm trôi như vậy, ai ngờ đâu, thời thế thay đổi khiến bao người nao núng. Liên Xô tan rã đúng vào năm ông tốt nghiệp đại học, nhận tấm bằng kĩ sư. Cú sốc lớn nhất chính là sự đóng cửa của nhà máy giày da Odessa và các nhà máy có người Việt đang làm trên toàn Liên Bang Xô Viết giai đoạn 1991-1992, nhiều người Việt lo lắng, hoang mang “nên bám trụ tiếp trên mảnh đất này hay về?”. Lúc đó, Việt Nam đang trong thời kì bao cấp nên còn nhiều khó khăn. Đáng trăn trở hơn, đứa con trai đầu lòng cũng mới chào đời nên ông đã quyết định ở lại Odessa mưu sinh với mong muốn ngày mai sẽ tươi sáng.

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tín
Ẩnh tại Lễ hội xuân quê hương của hội Hà Nam Ninh Odessa 2018

Quyết định ở lại, gia đình ông cũng như bao gia đình người Việt khác phải đối mặt với rất nhiều thách thức: nào là chính trị, kinh tế khủng hoảng, nào là giấy tờ hết hạn, nạn cướp bóc, trấn lột hoành hành... Ông bà đâu dễ quên những kí ức về tháng ngày gian truân phải ở nhờ, ở nhà thuê ấy. Khi được biết, dom 5 trên phố Dmitria Ulianova, Moscow - kí túc xá dành cho nghiên cứu sinh nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã chuyển thành khu trung tâm buôn bán thương mại, từ hai bàn tay trắng, ông tới đây bán hàng thuê, khởi nghiệp bằng chính trí thức và sức lao động của mình. Nhưng vì chính trị thay đổi, dường như không có nơi nào trên toàn Liên bang Xô Viết an toàn cả. Bọn “trộm cướp” sẵn sàng dí súng vào đầu bất cứ lúc nào chúng muốn và tính mạng những người như ông “ngàn cân treo sợi tóc”. Bởi thế bạn bè ông, người quyết ở lại, người gói ghém hành lí về quê, còn ông, nghe theo tiếng gọi của trái tim, quay trở lại về Odessa, gần vợ gần con. Nhận thấy sự khan hiếm của một số loại mặt hàng, nhiều lần ông đã đến Moscow lấy mang về bán, phục vụ nhu cầu thị trường. Hay tin nhiều bạn bè cũng đã quyết định ở lại Odessa lập nghiệp, dù vốn hiểu biết, kinh nghiệm kinh doanh, buôn bán không nhiều, ông sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ và rủ thêm vài người bạn đồng hành để chặng đường mưu sinh đi về bớt đơn độc. Kể đến đây, ông bỗng xúc động khi nhớ lại kỉ niệm với ông bà Mạnh Huyền ngay từ ngày đầu mới tốt nghiệp đại học, đã đồng ý quyết định đi buôn bán cùng ông bà.

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tínHình ảnh tại buổi liên hoan mừng con trai ông nhận học bổng Thụy Sỹ

Cũng có thời gian ông bà chuyển hướng sang làm nghề dịch vụ để kiếm chút vốn. Dẫu biết nghề này rất nguy hiểm nhưng ông bà vẫn cố gắng làm tạm, vừa làm vừa lo sợ. Ông nhớ như in “cái ngày đông lạnh cứa da cứa thịt, tuyết ngoài trời rơi trắng xóa, mấy anh em phải chạy bán sống bán chết trước sự đuổi bắt của các thanh tra an ninh kinh tế”. Về sau, có giai đoạn, gia đình người Việt nào cũng hoang mang, nản lòng, nản chí trên mảnh đất này, bởi cứ tích lũy được bao nhiêu lại bị mất bấy nhiêu, có người còn bị nguy hiểm đến cả tính mạng, may mắn thay, nhà ông không bị mất nhiều nhưng thấy rõ được sự nguy hiểm của nghề “tạm bợ’ này, đặc biệt khi nhận được thẻ định cư, ông bà đã quyết định dừng hẳn và cùng một số anh em dấn thân sâu hơn vào buôn bán, kinh doanh, trở về Việt Nam lấy hàng và mang qua Odessa bán.

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tínHình ảnh cả đại gia đình trong buổi lễ mừng con trai ông nhận học bổng

Từ bàn tay trắng kiếm được chút vốn đâu phải dễ. Khi sương đêm còn đang bao trùm thành phố, ông bà đã có mặt ở chợ để kịp giao, bán hàng cho khách. Có giai đoạn, ông bà không biết đến khái niệm ngày nghỉ là gì. Dù ngày hay đêm, sự đông đúc, náo nhiệt, ồn ào tiếng kẻ mua người bán nơi thương trường ấy vẫn không hề thuyên giảm. Các cô, các mẹ đang ở cữ cũng phải đi phụ chồng, chứ đâu có được nghỉ dưỡng như bây giờ. Nào là con khóc trong xe thèm hơi mẹ, nào là những bà, những mẹ tranh thủ cho con bú lúc ngớt khách mua hàng không khỏi khiến nhiều người chạnh lòng, thương xót. Bởi cuộc sống mưu sinh, bởi điều kiện chưa có, lấy đâu ra khoản nhờ người trông trẻ? Thế nên không hiếm gặp những bé còn rất nhỏ vẫn ngày ngày ngồi ngoan ngoãn một chỗ để bố mẹ tập trung bán hàng. Và đứa con trai của ông bà cũng không phải là ngoại lệ.

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tín
Cả gia đình tự hào, hạnh phúc khi nhận những bó hoa tươi thắm của bạn bè, bà con chúc mừng con trai ông bà nhận học bổng

Nếu chỉ nói không thôi, vài ba câu từ đâu diễn tả hết được nỗi khó khăn, vất vả của bà con người Việt thời điểm đó. Qua những thử thách, ông bà lại đúc rút cho mình thêm những kinh nghiệm quý báu để đứng vững hơn trên thương trường. Dẫu vậy, người đàn ông thư sinh ấy vẫn luôn khiêm tốn tự nhận mình may mắn. Người Việt ở đây, chắc hẳn ai cũng nhớ đến giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hàng hóa trì trệ năm 2012-2013. Cũng thời gian đó như doanh nhân Nguyễn Hồng Quảng chia sẻ với bạn đọc trong bài Khát vọng làm giàu trên quê hương rằng thị trường bất động sản trong nước đã đóng băng gần chục năm và dự đoán sẽ sớm sôi động trở lại. Con mắt nhìn xa trông rộng của ông đã hướng ông có những quyết định đúng đắn, chính xác. Ông dừng hẳn việc nhập hàng về bán, dồn hết số vốn mình có để đầu tư, mua đất ở nhà, đợi ngày sàn bất động sản nóng lên. Kết quả là không những ông không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế ở Ucraina mà còn rất thành công trong ngành bất động sản nước nhà. Đâu chỉ vậy, với vai trò là một người bố trong gia đình, ông rất chú trọng việc đầu tư cho con cái học hành. Thật xúc động khi nghe vợ ông chia sẻ, vì nhà xa trường nên có những hôm ông phải sắp xếp thời gian, vừa đi làm vừa đưa đón con đi học sao cho kịp giờ vào lớp. Hai hộp cơm bà chuẩn bị chu đáo vẫn còn ấm nóng luôn để sẵn trong xe để cả ông và con tiện lúc nào ăn lúc ấy.

Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tín
Hình ảnh kỉ niệm cả nhà chúc mừng con gái đạt thành tích cao trong học tập

Kinh tế ổn định, con cái ngoan ngoãn là cốt lõi của những viên mãn mà bao nhà đang cố gắng, mong ước có được. Và rồi còn niềm vui nào lớn hơn nữa, khi cả cộng đồng hay tin chính anh con trai ông - Phạm Thế Cường đã xuất sắc nhận được học bổng toàn phần trị giá 200 nghìn đô của Viện nghiên cứu EPEL (thành phố Laussane) Thụy Sỹ. Em gái Cường là Phạm Mỹ Linh cũng có nhiều thành tích cao trong học tập. Đây chính là hoa thơm, trái ngọt, là niềm tự hào, là món quà vô giá mà hai người con dành tặng ông bà, giúp ông bà “mát lòng mát dạ” sau bao năm tháng truân chuyên. Hướng ánh nhìn trìu mến sang người vợ ngồi bên cạnh, ông không quên cảm ơn nhà máy giày da Odessa đã tạo cơ hội để ông có được người vợ tuyệt vời như vậy. Với sự nhạy bén trong kinh doanh, nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái cùng những bữa cơm ngon canh ngọt và tất cả sự quan tâm, tình yêu thương mà ngày ngày bà dành cho chồng, cho con, bà vẫn luôn là một người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình, là hậu phương vững chắc luôn sát cánh cùng ông trên mọi nẻo đường của cuộc sống, vun đắp mái nhà hạnh phúc mà bao người ngưỡng mộ.

Tâm sự của ông Phạm Đức Long trong lễ hội mừng xuân của hội HNN Odessa 2017

Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng người đàn ông với mái tóc đã điểm sương và nụ cười đôn hậu ấy đã không quên gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến mảnh đất Odessa này – nơi đã cho ông có được ngày hôm nay. Vén nhẹ tấm rèm cửa nhìn từ ban công tầng 10 ra bãi biển Arkadia xinh đẹp, chúng tôi cùng nhau hướng mắt tới những khu chung cư cao đồ sộ kia, nơi có không ít bà con người Việt đang sinh sống, phía xa xa là màu xanh dịu mát hòa quyện giữa trời và biển ôm trọn cả thành phố vào lòng. Ông khẽ nói “mảnh đất thân yêu này, ngày nay đã đổi mới, hiện đại hơn rất nhiều rồi, bà con trong cộng đồng cũng nhiều người đã ổn định, có điều kiện mua nhà, mua đất, trở về quê hương đầu tư, đóng góp hơn ngày xưa”. Tuy đã quen mắt khi ngắm mọi thứ nơi đây, nhưng ánh nhìn của ông như đau đáu một nỗi niềm gì đó. Phải chăng là mong muốn, khát vọng được làm việc gì đó, đóng góp, đầu tư giúp quê hương thứ hai này phát triển hơn nữa? Và đây đâu còn là lời của riêng ông nữa, ông đã thay lời muốn nói, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của cả cộng đồng người Việt nơi đây rồi.

Cùng nhìn lại một chặng đường dài gần 30 năm, thật đáng khâm phục nghị lực, ý chí kiên cường của người Việt Odessa đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nhưng vẫn giữ cho mình sự chất phác, mộc mạc, giản dị mà “nặng tình nặng nghĩa”. Bởi thế nên chữ Tâm (phía dưới có dòng chữ tâm thành nghĩa trọng sáng bền lâu) được ông bà trang trọng khắc để chính giữa phòng khách như nhắc nhở thêm chính mình “dù làm gì, ở đâu, chữ Tâm luôn phải được ghi nhớ và mang theo”.

Vô Ưu