Gợi lại chặng đường đã qua, giọng ông chậm rãi đầy tiếc nuối “ấy vậy mà cũng đã 30 năm rồi, thời gian trôi nhanh quá!”. Nhớ năm nào, từ một Sỹ quan, Đại úy trong Sư đoàn 308 tại Hà Sơn Bình cũ, ông khoác trên mình chiếc balo nhẹ hều chỉ vài bộ quần áo, đến với một chân trời mới bắt đầu hành trình mưu sinh, lập nghiệp. Nói đến đây nét mặt ông bỗng dịu lại “nếu năm đó, tôi không may mắn nhận được suất đi lao động tại nhà máy giày da chắc tôi cũng sẽ xin được phục vụ tiếp cho đơn vị”. Hơn chục năm cần cù, tích cực rèn luyện trong sư đoàn, bản thân ông đã có sự gắn bó, nặng tình nặng nghĩa với anh em và với chính công việc mình làm. Dù cho ông chuyển về phục viên sau khi Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 227/HĐBT về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp thì ông vẫn muốn xin được ở lại tiếp tục phục vụ, tiếp tục làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ với quê hương, đất nước. Nhưng may mắn thay, ông là một trong số ít những cán bộ ưu tú nhận được suất đi lao động theo diện Hiệp định giữa hai nước Việt Nam-Liên Xô.
Ngày ấy năm 1988, người con xứ Nghệ đã hòa cùng đoàn công nhân đến từ mọi miền của Tổ Quốc tụ họp về mái nhà chung 35 trên đường Frunze, bắt đầu một chặng đường mới với hi vọng tương lai tươi sáng sẽ sớm mở ra. Nở nụ cười đôn hậu, ông chia sẻ: “thời đó, ở Việt Nam còn khó khăn lắm, chiến tranh biên giới Việt Trung lại chưa kết thúc, nên được sang mảnh đất này, với tôi là một cơ hội lớn giúp giải quyết vấn đề công ăn việc làm thời bấy giờ. Lúc bước chân đi tha hương, tôi cũng chỉ mong sau này về sắm được cái xe đạp, xe máy để đi, mua cho bố mẹ bộ đài tối tối nghe tin tức, thời tiết, hay chỉ đơn giản là trang trí lại nhà cửa chút thôi, chứ nào có dám mơ mộng cao sang, xây nhà lầu, mua xe hơi đâu”. 4 năm theo hợp đồng kết thúc, với đồng lương ít ỏi nhận được hàng tháng, cuộc sống gia đình cũng chưa ổn định nên ông đành kìm lòng, nén nỗi nhớ gia đình, quê nhà ở đó, tiếp tục bươn chải, mưu sinh. Đây là một trong những lí do khiến ông quyết định bám trụ trên mảnh đất này.
Rồi qua vài lần đi chơi với bạn bè, cái duyên của ông với người con gái quê Hà Nam tên Ngô Thị Hảo bắt đầu chớm nở. Dù thời đó, bà đang là công nhân nhà máy dệt tại thành phố Zhytomyr, cách chỗ ông hơn trăm cây số, cứ ngỡ khoảng cách có lực cản vô hình nhưng với ông bà, mọi thứ ngược lại. Xa xôi chỉ khiến hai trái tim thêm gần lại và yêu thương mãnh liệt hơn. Mơ ước về một mái ấm gia đình, về người vợ hiền ngày ngày nấu những món ngon thơm lừng trong căn bếp nhỏ, về những chặng đường phía trước, dẫu có khó khăn đến đâu, ông vẫn có bà luôn ở bên quan tâm, chia sẻ đã tiếp cho ông thêm niềm tin, nghị lực bám trụ trên mảnh đất này.
Liên Xô tan rã, nhà máy giày da Odessa đóng cửa, quyết tâm bám trụ nơi đây, ông cũng như bao công nhân năm đó, xoay sở đủ nghề để kiếm từng đồng trang chải, ổn định cuộc sống. Số trước, Người Việt Odessa cùng ông Tạ Đình Đại đã chia sẻ ít nhiều tới bạn đọc sự gian truân, vất vả thời đó. Nhưng cũng nhờ bản lĩnh sẵn có được rèn luyện lâu năm trong môi trường quân đội đã giúp ông vững vàng hơn rất nhiều, lạc quan, kiên định, phấn đấu vì mục tiêu đã đề ra. Hẳn như ông cha ta từng nói “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”, hai ông bà luôn cùng nhìn về một hướng, chia sẻ với nhau những thăng trầm cuộc sống thì cầu vồng rực rỡ rồi sẽ hiện lên ngay sau khi cơn mưa kia ập đến bất ngờ.
Tình yêu đơm hoa kết trái, hai đứa con kháu khỉnh lần lượt chào đời, những bộn bề, lo toan cho cuộc sống càng đè nặng lên đôi vai ông. Sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, nghèo khó. Ông hiểu rõ sự vất vả, cực khổ và ước muốn được đổi đời mãnh liệt nhường nào. May mắn được đặt chân đến mảnh đất này ông cũng đã quyết tâm thực hiện điều đó. Và giờ, ông lại mong muốn, làm thế nào để hai người con được ăn học đầy đủ, được tạo mọi điều kiện phát triển tốt nhất. Vậy là thêm một lí do thôi thúc giúp ông cố gắng bám trụ, vươn lên, dù không ít lần hai ông bà đã mất sạch tiền bạc, giấy tờ. Có lúc tưởng chừng bất lực, bà đã phải cho con về Việt Nam. Sau gần 2 năm, từ 1999-2000 đến 2001-2002, gia đình lại đoàn tụ tại Odessa thân yêu. Lối suy nghĩ tích cực, lạc quan, “mất thì làm lại” và hạnh phúc gia đình đã có tác động không nhỏ đến ông bà. Những lúc làm ăn khó khăn, khi trở về căn phòng nhỏ có vợ, có con tươi cười đã giúp ông thêm niềm tin, kiên định vào một ngày mai tươi sáng.
Được biết giai đoạn 2014-2015 tình hình kinh tế tại Ucraina bị khủng hoảng trầm trọng, còn kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, tôi thắc mắc tại sao bà con vẫn bám trụ nơi đây? Ông chậm rãi nói “thực ra, khủng hoảng kinh tế đã khiến công việc buôn bán trì trệ hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi luôn tin tình hình sẽ sớm ổn định trở lại. Hơn nữa, công việc kinh doanh vẫn đang trong tầm kiểm soát và phần lớn bà con chúng tôi sau bao năm gây dựng đã có nền tảng cuộc sống vững vàng, có nhà cửa, phương tiện đi lại và điều kiện sống tốt, nên chúng tôi vẫn luôn mong tình hình sẽ sớm khởi sắc. Gắn bó lâu năm trên mảnh đất này, chúng tôi cũng chỉ ngày ngày tập trung vào buôn bán kinh doanh nên cũng không rõ lắm xu hướng phát triển trong nước đang như thế nào, thị trường bất động sản đã đóng băng gần chục năm rồi, cũng không biết khi nào mới sôi động trở lại để mà về đầu tư”. Và ai ngờ đâu, giờ đây thị trường nhà đất ở Việt Nam lại phát triển như vậy. Bạn đọc nếu còn nhớ bài viết mà Người Việt Odessa chia sẻ cách đây không lâu, chắc sẽ dành sự tôn trọng, ngưỡng mộ nhiều lắm cho những con người có tầm nhìn xa, trông rộng, những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng, trong Hội giày da Odessa như ông Nguyễn Hồng Quảng, Phạm Đức Long…?
Và vì mảnh đất Odessa này có khí hậu hiền hòa, mát mẻ, có những người dân địa phương thân thiện, tốt bụng đã góp một phần không nhỏ níu chân bà con ở lại, quyết tâm bám trụ nơi đây. “Bởi lẽ đó nên ngày nào bà nhà tôi cũng đều đặn đi dạo quanh trên con đường quen thuộc để tập thể dục, nâng cao sức khỏe đấy” – hướng ánh nhìn ấm áp, đầy yêu thương sang bà, ông nói. Bà Hảo niềm nở “Đi dần thành quen ấy, sáng sáng tôi thường rủ mấy chị em trong Làng Sen đi dạo quanh bờ biển, thoải mái nhất là khi dang tay ra đón ánh nắng mai và hít thở bầu không khí trong lành nơi đây. Tôi thấy mình khỏe hơn hẳn, bao mệt mỏi, bệnh tật như được xua tan”. Không dừng lại ở đó, ông bà ôn tồn kể tôi nghe thêm những lần mất sạch mọi thứ, tưởng chừng chẳng biết bao giờ mới gỡ lại được, bà con trong cộng đồng hay tin đã đến khuyên bảo, động viên kịp thời. Liều thuốc bổ tinh thần ấy đã khiến ông mạnh mẽ, vững vàng hơn, để từng bước bắt đầu lại. Trong thâm tâm, ông bà luôn ghi nhớ, biết ơn mảnh đất này và cảm ơn những người bà con thân thiện, tốt bụng trong cộng đồng. Dù đi muôn phương, quê hương thứ hai này vẫn ở trong tim mọi người. Phải chăng cũng vì thế, mà ông bà Thanh Thực đã gây dựng "Odessa giữa lòng Nha Trang"?
Ngồi hồi lâu, chúng tôi vui mừng xen lẫn ngạc nhiên hết sức khi nhận ra là đồng hương rất gần của nhau. Bà hỏi thăm tôi đủ thứ, rằng tôi đã quen với cuộc sống bên này chưa, ăn uống như thế nào, có hợp khẩu vị không… Cảm giác như tôi đang được bao bọc trong chính vòng tay của gia đình mình vậy. Lòng tôi rộn ràng những xúc cảm khó tả lắm. Và tôi đã thấu, bà con ta, những người dân đất Việt, dù bao năm bôn ba nơi xứ người, dù trải qua bao thăng trầm, lo toan cho cuộc sống thì họ vẫn giữ đúng phẩm chất quý báu của con người Việt Nam, mộc mạc, chân thành mà nặng tình nặng nghĩa. Đức tính đó như sợi dây vô hình gắn kết bà con, giúp cộng đồng Người Việt tại Odessa thêm phần vững mạnh, đoàn kết. Đáng nhớ hơn, bài học quý giá mà ông bà muốn gửi tới chúng ta, những thế hệ thứ hai, thứ ba… trong cộng đồng, đó là “hãy xác định mục tiêu rõ ràng trước khi làm một việc gì đó, và hãy kiên định, quyết tâm đến cùng để đạt được mục tiêu đề ra, bởi có công mài sắt có ngày nên kim”.
Chào ông bà ra về, lòng tôi như muốn nán lại thêm chút nữa. Sau bao gian nan, thử thách, màu thời gian đã nhuốm lên mái tóc phong sương kia nhưng ông bà vẫn luôn giữ cho mình sự hài hước, tình cảm chân thành yêu thương nhau khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Và mỗi khi nhớ về nhà máy giày da Odessa như một dấu ấn cộng đồng nơi đây, chúng ta lại nhớ về những con người mạnh mẽ, lạc quan, nhiệt huyết, luôn cố gắng, quyết tâm hướng về phía trước, về một tương lai tươi sáng.
Vô Ưu