Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nỗi đau vắng mẹ

Thứ tư, 17/07/2019 | 06:58
Sống trên đời này, ai cũng có riêng mình người Mẹ ruột thịt “9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau”. Để rồi chắt chiu công nuôi dưỡng sinh thành, câu nói ấm tình mẫu tử “Mẹ ơi! Con yêu mẹ thật nhiều. Mẹ là Phật sống của đời con” luôn là tấm lòng son sắt trọn đời của mỗi chúng ta.

Nỗi đau vắng mẹ

Nhưng với tôi, buồn thay chưa một lần được thì thầm bên tại Mẹ câu nói ân tình ấy vì Mẹ đã qua đời khi tôi còn trong nôi. Nỗi đau vắng mẹ day dứt mãi trong tôi, cho đến bây giờ côi cút sống nơi xứ người.

Nhớ khôn nguôi, mấy chục năm về trước, buổi đầu cắp sách đến trường, nắm tay Cha theo dòng người “Mẹ bên con nhỏ nhiều hơn bố”, tôi bần thần hỏi”

- Ba ơi, Mẹ ở đâu?

Thoáng một nét buồn động trên đôi mắt qua bao tháng ngày đợi chờ nuôi con vất cả, Ba im lặng lắc đầu, rồi hứa: “Chiều nay mới nói”. Đúng hẹn, trong căn phòng nhỏ chỉ có hai người. Ôm đôi vai nhỏ nhắn của tôi trong vòng tay, Ba ngon ngành kể lại cuộc đời lam lũ nuôi con của Mẹ, gia đình sum họp một nhà đang yên lành ra sao thì Mẹ đột ngột ra đi sau cơn bệnh hiểm nghèo như thế nào. Trút hơi thở cuối cùng của đời mình, đôi mắt âu sầu Mẹ lặng nhìn tôi, chới với nắm không chặt bàn tay nhỏ bé “Thắng con út mới tròn một tuổi đời”, thều thào vĩnh biệt. Lúc ấy nào tôi có biết gì ngoài tiếng khóc trẻ thơ.

Chờ Ba nói xong, đồi mắt ngưng tròng, ngẩn ngơ tôi hỏi:

- Con có giống Mẹ không?

Nhẹ nhàng lắc đầu, Ba âu yếm bảo:

- Mẹ thế nào anh trai con thế nấy. Ngoài vóc dáng cao cao người thanh thanh ra còn cả giọng nói thăng trầm rõ nét của người làng Kim Liên ra nữa. Tâm đắc thấm từng lời song vẫn chưa hình dung nổi hết thẩy, tôi bền hỏi:

- Ảnh Mẹ, Ba cất ở đâu?

Như thể chạm vào nỗi đau của Ba, Ba thở dài đáp:

- Không có gì vì hôm ấy, buồn rầu lo tang lễ chẳng ai nghĩ tới.

Ngẩn ngơ tiếc hoài, không biết Mẹ là ai. Con tim tôi đau nhói âm thầm chịu đựng theo tháng năm đợi chờ ngày lành tháng tốt bốc mộ - đưa di hài (xương cốt) Mẹ về nghĩa trang thanh tịnh, dựng bia lưu giữ trọn đời. Nhưng buồn thay, ngôi mộ Mẹ tôi nằm ở thửa ruộng sau đê La Thanh, nước ngập cuốn trôi không còn nữa. Đôi mắt nhưng tròng, lạnh lẽo đứng bên Ba, cùng anh chị và người thân xót xa phận Mẹ, thấy lòng mình buồn tênh bì nỗi đau “Biết ngày nào gặp lại Mẹ thân”.

Thời gian qua đi, sau 34 năm trôi nổi xứ người, mùa xuân 2010, tôi về quê thăm nhà trằn trọc với suy tư “Mẹ ở đâu?”.

Hôm cùng người anh trai ruột thịt “quì bên cạnh Mộ Cha” – ra đi vào cõi vĩnh hằng trước mấy ngày máy bay Mỹ B52 giải thảm bom khu phố Khâm Thiên chúng tôi (28/12/1972).

Đôi mắt ngưng tròng, tôi hỏi người anh như tự hỏi mình:

- Biết bao giờ gặp lại Mẹ yêu!

Vội chùi giọt lệ bên khóe mắt, giọng hân hoan anh đáp:

- Gia đình ta đã “tìm thấy” Mẹ rồi, em à! Ngừng một lát, chả để tôi kịp hỏi “ở đâu”, anh tôi vào đề luôn, thường lệ vào những ngày Phật giáo, nhớ công nuôi dưỡng sinh thành của Mẹ Cha anh đưa các cháu đền Chùa Kim Liên, thắp hương cúng vái Tổ tiên, cầu xin phước lành. Bỗng một lần, thật diệu kỳ, Mẹ nhập hồn vào đứa cháu dâu, vợ thằng con út của anh, nói rằng: “Mẹ đã tại ngoại tại chùa Gia Lâm, ngày rằm mùng một hãy đến đấy gặp Mẹ nhé”.

Vâng lời Mẹ dặn, cũng là để khắc sâu trọn đời ơn Cha nghĩa Mẹ, nhà ta không bỏ qua một ngày nào. Và, em có biết không sau những lần ấy, nỗi đau vắng Mẹ giảm dần muôn vạn lần trong anh.

Còn tôi, giờ đây vẫn sống xa nhà, nguyện khắc sâu thêm trong tâm trí “Công Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng” để chờ ngày Về quê, sum họp gia đình.

Viết mấy dòng tâm sự về Mẹ, như thể để tự răn mình đã đành mà con cầu mong những ai đó có Cha có Mẹ đừng bao giờ làm cho Cha Mẹ buồn bằng tư duy và hành động theo đạo lý làm người.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov – Tháng 7-2019