Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nỗi buồn ăn Tết xa quê

Thứ hai, 15/02/2021 | 02:02
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người Việt mình sống nơi xa xứ lạ khắp năm châu bốn bể lại nô nức kéo nhau về quê hương để tận hưởng tình yêu thương trong vòng tay ấm áp của mẹ cha, cô bác anh chị em bạn bè.

Nhưng tiếc thay, năm nay không được toại nguyện khi đại dịch Covid-19 hung hãn, phát triển tràn lan chặn đường qua biên giới, trong đó có thành phố Kharkov - UCRAINA. Nơi hàng nghìn gia đình Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập mấy chục năm trời qua.

Vâng, nỗi buồn ăn Tết xa quê đâu phải riêng tôi. Để rồi nỗi đau “Xuân này không về” ấy cứ nhức nhói mãi trong tim, theo ta suốt tháng ngày.

Nhớ. Trước Tết âm lịch mấy ngày, bước chân qua khắp các nẻo đường tại Trung tâm thương mại Барабашова lạnh lẽo vắng người mua thưa người bán, tôi liền lên tầng 2 của nhà hàng Hương Việt, nằm giữa chợ, đông người Việt qua lại, ồn ào tiếng mua sắm hoa quả hương phấn từ quê nhà, để tìm nguồn vui của không khí Tết ta. Tình cờ gặp H. Mãi mới nhận ra bởi chiếc khẩu trang trắng rộng vành che kín gương mặt trái xoan của cô gái Hà Nội xưa ấy.

Vừa kịp nghe tôi hỏi: “Chuẩn bị Tết đến đâu rồi hả em?” vội đáp: “Hương Việt cái gì cũng có mà anh”. Rồi tranh thủ thổn thức trải lòng:

- Năm nay kinh doanh tuy đầy khó khăn, buôn bán không có lời, nhiều người vẫn muốn về quê ăn Tết, nhưng cảnh đời éo le, đại dịch Covid cách ly nên chẳng được đón xuân ở quê nhà đã đành mà cả nơi đây chủ yếu cũng chỉ vui riêng trong nội bộ gia đình như thể mình tự cứu mình.

Nhìn em cảm thông, chạnh cả lòng mình gọn mấy lời an ủi: “Biết làm sao đây” xong, tôi đặt vấn đề:

- Em đã điện về nhà, thông báo xuân này không về chưa?

Chép miệng, H vội đáp “Đã” rồi nhẹ lời kể:

- Lúc cầm máy gọi, em lưỡng lự hỏi “nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”. Im lặng một giây, nghe rõ tiếng mẹ thở dài, thổng thức tình mẫu tử qua lời đáp ân tình: “Mẹ thương nhớ nhiều hơn, đang sống trôi nổi nơi xứ người cùng mọi người chung sức chung lòng diệt dịch Covid. Hẹn Xuân sau, gia đình đoàn tụ lại, xum vầy con à!” Ngừng một lát, thấm nhanh giọt nước mắt long lanh đọng trên làn mi cong, H bâng khuâng hỏi tôi: “Còn anh, có thiếu gì không?”

Cười vui tôi đáp:

- Đầy đủ tất cả món ăn cổ truyền: nem rán, bánh chưng xanh, giò, chả,.. do bạn bè, người quen tặng nhân dịp xuân sang, chỉ thiếu...

Chả để tôi nói hết câu, H hồi hộp hỏi:

- Cụ thể là gì. Anh có thể nói ra để em xem có giúp gì được không?

Thật lòng tôi trả lời ngay:

- Cũng như em, ngày Tết vắng người thân, xa quê hương sẽ buồn biết mấy.  Với anh còn nỗi riêng nữa.

Rồi chẳng để H hỏi là gì, tôi bộc bạch luôn: “Em biết không. Tháng 4 năm 2010, anh về đất tổ sau 34 năm xa nhà. Ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Hà Nội xưa ấy, anh đòi bằng được người anh trai đưa lên mộ cha thắp nén hương ân tình sâu nặng. Còn mẹ, vắng bóng khi anh còn nằm trong nôi, không có bia thờ vì nấm mộ biệt tích khi người ra xây dựng xóm làng trên nghĩa trang. Ngày khứ hồi về Kharkov, hẹn 2021 này Tết đến về với mẹ cha - khi tâm linh báo hương hồn mẹ đã trở về an tọa tại một ngôi chùa ở Gia Lâm, ngoại ô Hà Nội, để bày tỏ lòng biết ơn công nuôi dưỡng, sinh thành. Và, thắp nén hương nghĩa tình, vái vọng người anh trai ruột thịt đã 5 năm trời ra đi về cõi vĩnh hằng sau căn bệnh hiểm nghèo thì đại dịch Covid lại chắn đường cản ngăn. Thêm nữa thất hẹn mất cả niềm vui khi nhiều lần trực tiếp gọi điện thoại về quê thăm gặp Lê Minh Đức, một con người mang tầm vĩ mô, góp nhiều công sức và trí tuệ xây dựng cộng đồng ở Kharkov ngày một trong sạch và vững mạnh từ những ngày đầu hình thành Trung tâm thương mại Барабашова và Trần Đức Tựa - Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, người bền vững và dài lâu cũng như công minh và xứng tầm ở vị trí chủ yếu của tổ chức xã hội ấy luôn được quí mến, trân trọng. Hỏi rằng, có buồn không em?”

Đồng cảm nỗi buồn đón Tết xa nhà, vắng người thân lẫn bạn hiền ấy, vững tin vào ngày mai sáng ngời H thổ lộ như thể động viên tôi:

- Đại dịch Covid chắc chắn sẽ qua đi. Tết năm nay em sẽ về quê để được ngồi bên mái ấm của tình thương, để được nghe câu hát mẹ ru con thuở nào. Anh có tin như vậy không? Và ngày ấy anh cùng em đồng hành chứ?

Chả biết mai này thế nào, tôi vẫn mạnh dạn gật đầu cùng lúc trong tôi như vang lên bài ca chiến thắng và lời chúc ngọt ngào mọi người hãy quên đi nỗi buồn phải ăn Tết xa quê. Sống hạnh phúc ấm no dù cho Covid còn đang day dứt lòng người...

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” - Kharkov. Tháng 2-2021.