Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Niềm tin và hy vọng - Sau cơn mưa, trời lại sáng!

Thứ sáu, 12/10/2018 | 00:53
Trong cuộc sống đời thường lẫn buôn bán kinh doanh, dường như khó khăn bao giờ cũng liền kề với thuận lợi. Vì vậy, muốn tồn tại bền vững và mưu sinh lâu dài nơi đất khách quê người nhất thiết phải có niềm tin và hy vọng: Sau cơn mưa, trời lại sáng “Đồng thời cần phải đoàn kết chặt chẽ, yêu thương giúp đỡ nhau trên phương châm “Lá lành đùm lá rách” thì may thay khó khăn nào cũng có thể vượt qua”. Như lời nhắc nhở của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ucraina và Moldova Nguyễn Anh Tuấn trong buổi gặp gỡ cởi mở với đại diện các đoàn thể cộng đồng Việt Nam ở Kharkov vào chiều ngày 28 tháng 9 năm 2018.

Nhân chủ đề nóng hổi này, điểm lại thời gian qua, năm 1998, khủng hoảng kinh tế mang tính chất khu vực nhưng đã ảnh hưởng nặng nề tới Ucraina, tới thành phố Kharkov. Đặc biệt làm xấu đi tình hình buôn bán, kinh doanh tại trung tâm thương mại Барабошова, trong đó hàng ngàn người Việt đang tác nghiệp. Nguy cơ phá sản, vỡ nợ rất dễ xảy ra khi tỷ giá đồng đô la Mỹ so với đồng nội tệ lên xuống thất thường, khiến ngày bán lẻ vắng khách mua, đêm đổ buôn càng thưa thớt làm cho người bán ngao ngán, lo lắng từng phút giây. Không ít người bi quan “khóc thầm lặng lẽ” thụ động ngồi chờ qua “bi cực” đến “thái lai” hoặc ngậm ngùi khăn gói về quê hòng làm lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng! Trong khi đó, đa số cố tìm “cái khôn” trong “cái khó”, vững niềm tin để tự cứu mình, cùng anh em bạn bè kết tụ thành sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế mang tính chu kỳ này. Thế là “lửa thử vàng, gian nan thử sức” họ đã nhanh chong tự vực dậy, hòa mình vào nền kinh tế thị trường, vừa vươn lên từ khó khăn.

Ngày ấy, tôi đã gặp những con người như thế. Tân tâm sự:

- Buổi đầu, vừa đụng phải những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây lên, vợ tôi hoang mang đã bàn lùi “bán rẻ hàng hóa, công chỗ thu xếp về Việt Nam”. Tôi “phản đối” quyết định trụ lại với ý nghĩ đơn giản “làm lại cuộc đời đâu dễ khi đã hàng chục năm gây dựng cơ nghiệp tại chốn này”.

- Chắc gia đình anh có “lực” nên dù có thâm vào vốn cũng chả bõ bèn gì!” Chứ những ai vừa “chân ướt chân ráo” đến đây lập nghiệp thì lo lắng, bi quan cũng là lẽ thường thôi anh à! Tôi vừa hỏi vừa giải thích.

Lắc đầu nguầy nguậy, Tân vội đáp ngay “không hẳn như vậy” rồi bộc bạch quan điểm của mình:

- Tôi cho rằng đã làm kinh tế phải có vốn, biết tích lũy và đầu tư theo khả năng của mình thì mới có thể chèo chống nổi sóng gió. Sau đó, điều quan trọng hơn cả là phải có niềm tin và hi vọng.

Thấy lạ, trong lúc không ít người hoang mang, giao động trước cảnh tượng “khủng hoảng kinh tế đang gõ cửa từng căn hộ, từng công chỗ” mà anh ta vẫn đề cập tới “niềm tin” tôi ngỡ ngàng chất vấn:

- Từ đâu anh có hai từ chắc nịch?

Mỉm cười, Tân trả lời:

- Hiện thời tuy chưa có đủ bằng cớ để chứng minh câu anh hỏi, nhưng theo kinh nghiệm bản thân, với chiều dài gần 10 năm bươn chải nơi chợ búa đầy sống động và những bước thăng trầm của thị trường từ bấy tới nay nhiều người “dân chợ búa” như tôi vẫn tồn tại đứng vững cho đến bây giờ nên tôi tự tin dám nói như vậy.

Nửa tin nửa ngờ. Song kỳ lạ thay, qua mấy tháng sau, chợ nhúc nhích dần rồi nhộn nhịp hẳn. Nhìn dòng người mua bán tấp nập bên công chỗ “ngập hàng hóa” đủ các thể loại và nét mặt hân hoan của dân chợ búa ta lẫn tây, nhớ lời anh bạn Tân thổ lộ, hóa ra đúng.

Trọn vẹn ngót một thập niên “trời yên biển lặng”, cuộc sống phơi phới đi lên, mặc dù thi thoảng vẫn còn những đợt sóng nhỏ lăn tăn vỗ đôi bờ như thể nhắc nhở người ta đừng quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì!

Trong khi ai nấy đang phấn khởi vững bước xây dựng hạnh phúc gia đình trên quê hương thứ hai này bỗng dưng trời nổi gió vào những ngày cuối năm 2008, gieo xuống đầu người dân cuộc khủng hoảng kinh tế dữ dội, trên phạm vi toàn cầu như một định mệnh. Khắp chốn mọi nơi, giá “xanh” đột ngột bập bùng, xuống thấp lên cao, ngân hàng đóng băng giao dịch, chợ búa ngừng trệ “bán mua”. Hàng hóa khan hiếm, giá cá tăng vọt “cung cầu” ngược chiều khiến cảnh quan chợ càng thêm tiêu điều… Nhưng rồi cũng qua đi, chợ búa ổn định dần đến cuối năm 2013 “mặt trời đang hửng sáng, sưởi ấm lòng người” thì đầu năm 2014, cuộc khủng hoảng chính trị lẫn kinh tế của nước sở tại, đồng bộ xuất hiện. Khó khăn chất chồng lại đổ lên đầu dân bản xứ lẫn chúng ta. Cảnh chợ “buồn thỉu buồn thiu” ập đến mọi người: Chợ mới giữa trưa đã vắng vẻ như đã về chiều, 2 ngày (thứ hai, thứ năm) bán buôn trong tuần hầu như không còn giữ được truyền thống ấy nữa… còn đang kéo dài cho đến tận bây giờ.

Vào những ngày này, gặp lại Tân, người bạn đương thời, từng nếm trải nhiều giai đoạn “lịch sử” khó khăn trên, tôi ướm hỏi:

- Theo anh, những ảnh hương từ bão tố chính trị, kinh tế nơi người Việt mình đang sinh sống, làm việc và học tập có điểm gì khác biệt so với những thời kỳ trước?

- Cũng thế thôi, theo tôi rồi cũng sẽ qua đi, miễn sao mọi người cần phải bình tĩnh tháo gỡ từng phần. Cùng nhau phục hồi những vết thương do khủng hoảng gây ra chứ đừng lợi dụng nó mà lừa đảo “móc tiền trong túi bạn bè” để tự cứu mình.

Tân cố nhấn mạnh đoạn cuối, như để nhắc nhở mọi người, thú vị tôi hỏi tiếp:

- Về phía mình, gia đình anh có phương án gì cụ thể để khắc phục những khó khăn trước mắt?

- Là một bộ phận không tách khỏi khối cộng đồng chung, chúng tôi cũng phải gánh chịu chứ. Tân đôn hậu đáp rồi hỏi tôi: Nhưng anh có tin “sau cơn mưa trời lại sáng!?

Tôi gật đầu hoàn toàn nhất trí rồi phụ họa thêm đôi lời cho trọn nghĩa:

- … với những ai biết tự lực cánh sinh, quyết tâm vươn lên bằng niềm tin và hy vọng.

Chia tay bạn về nhà, nhớ hoài câu nói chí tình trên và chẳng hiểu vì sao vào những ngày đầu tháng 10 này tôi nghe đi nghe lại nhiều lần bản giao hưởng “định mệnh” bất hủ của nhạc sĩ Bet-tho-ven thiên tài. Bởi một lẽ giản đơn, kết thúc bản giao hưởng ấy thể hiện sức mạnh tiềm tàng trong con người đã chiến thắng “định mệnh”.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 10-2018.