Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Những ngày đầu nơi đất khách

Thứ năm, 17/05/2018 | 13:08
Nếu như ông Nguyễn Văn Tấn gợi lại những kí ức khó quên trước ngày qua xứ người mưu sinh lập nghiệp thì ông Đặng Xuân Tiếu – cựu thành viên nhà máy giày da tiếp tục cùng Người Việt Odessa tái hiện lại bức tranh toàn cảnh từ ngày đầu đặt chân đến Odessa thân yêu thật nhiều kỉ niệm và niềm vui.

Những ngày đầu nơi đất khách

Ông Đặng Xuân Tiếu sinh ra và lớn lên nơi cuối con sông Hồng phù sa, màu mỡ - quê hương Thái Bình. Với lòng nhiệt tình, sôi nổi tuổi hai mươi, ông tình nguyện lên đường, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ với quê hương, đất nước. Ai cũng ngạc nhiên hỏi: Tại sao ông đi lính lâu thế? Những 5 năm?. Ông hóm hỉnh đáp “à thì chắc tại tôi chăm chỉ nên đơn vị giữ lại”. Những tưởng ra quân, ông sẽ về đoàn tụ với gia đình, cấy dăm ba sào ruộng phụ bố mẹ làm kinh tế, nhưng may mắn đã mỉm cười, ông nhận được suất đi lao động ở Liên Xô.

Thời gian đó, Đặc khu Quảng Ninh mới xác nhập vào quân khu 3 nên số suất được đi rất ít mà hầu hết chỉ ưu tiên cho tuyến 1, cho các chuyên viên chuyên nghiệp và sĩ quan. Còn ông lại đang là lính, ở tuyến 3 vì thế, sự ngờ vực trong ông càng lớn dần. “Giàu thì đi Đức – trí thức đi Nga” - ông luôn chắc mẩm quan niệm ấy nên nghĩ dù nhận được thông báo rồi vẫn chưa có gì là chắc chắn cả. Đất nước đang thời kì bao cấp, kinh tế gia đình còn eo hẹp, khó khăn, ông giấu bố mẹ, đến khi gần bay mọi người mới biết. Đồ nghề ông mang theo cũng chỉ vài bộ quần áo, người thân không đến tiễn được vì ông bay gấp quá, nhà lại xa. Tự trấn an bản thân để xua đi tâm trạng buồn, tủi “đời lính bao gian khổ đã trải qua rồi, bốn bể đều có thể là nhà”, ông mỉm cười hòa cùng 150 người hôm đó, lên chuyến bay ấy, đến một chân trời mới với hi vọng tương lai sẽ tươi đẹp hơn, gia đình sẽ không phải khổ nữa.

Được rèn luyện lâu năm trong môi trường quân đội, có thể lực tốt nên ông nhanh chóng thích nghi với máy bay, với mùi điều hòa, với tiếng ù khi máy bay cất cánh gây ra chênh lệch về áp suất. Hơn thế, ông tươi cười nói thêm “trên chuyến bay ấy có đội trưởng và phiên dịch nên tôi cũng an tâm hơn, không lo lắng gì nữa”. Xuống đến sân bay Moscow, ông vẫn nhớ như in cảm giác choáng ngợp khi lần đầu tiên thấy “sân bay sao mà to, rộng mà lại còn đẹp thế!”, mấy người trong đoàn bỗng co rúm vì lạnh cứ ngỡ ở Nga lạnh quanh năm, rồi sau các ông mới biết ở đó họ bật điều hòa. Thấy có người cầm biển ra đón về Odessa, ai cũng mừng rỡ như vớ được quà, “và thế là đoàn chúng tôi nghỉ ngơi rồi lên chuyến bay đến thẳng Odessa”.

Những ngày đầu nơi đất khách

Hàng chữ to đùng “nhiệt liệt chào đón” được treo ngay cổng vào ốp 35 trên đường Frunze, cổ họng ông bỗng nghèn nghẹn đi khi kể lại những kỉ niệm đó. Đó là tòa nhà khang trang, mới nguyên vẫn còn nồng nặc mùi sơn. Sau khi trải qua mấy chục giờ bay, lại bắt gặp hàng chữ chào đón bằng chính tiếng mẹ đẻ mình khiến lòng ông ấm lạ. Thế là từ đó, mọi người coi nhau như anh em một nhà, cùng nhau lên nhận phòng và bắt đầu làm quen, ổn định với môi trường nơi đất khách.

Có thể nói, sẽ rất khó để hòa nhập và ổn định cuộc sống nếu không biết tiếng của người bản địa. Vậy nên, sau một tuần, cả đoàn bắt đầu làm quen, học tiếng Nga. Học từ mới, ngữ pháp, cấu trúc câu và đặc biệt “Моя семья, моя родина” là hai bài khóa khi đó, giáo viên đã bắt các ông phải học thuộc lòng. Ông lắc đầu cười trừ, bộc bạch “hồi đó chúng tôi ngại học thuộc lắm nhưng giáo cứ bắt học”. Như một phản xạ vô thức, ông đọc lại vài câu thơ năm xưa cùng những cảm xúc dường như tất cả còn mới mẻ, tinh khôi hệt ngày ông mới sang. Моя семья есть папа, есть мама, есть брат и есть сестра... Моя родина... B Вьетнаме есть Хошимин и в России есть Ленин...”

Mọi thứ dần đi vào ổn định, ông bắt đầu làm quen với công việc trong nhà máy. Lúc đầu nhận việc ai cũng có chút bỡ ngỡ nhưng ông tự tin nói sự khéo léo, cần cù chăm chỉ của người Việt mình sẵn có nên ai cũng nhanh chóng hòa nhập”. Trước lạ sau quen, mọi người làm việc dần thạo tay, có những buổi chiều, sau giờ làm, các ông lại tranh thủ rủ nhau đi tham quan những danh lam thắng cảnh, đi dạo trong công viên thành phố, hay đơn giản là lúc chiều tà ra cảng ngắm hoàng hôn, thả hồn mình nghe tiếng biển thở than qua từng lớp sóng vỗ, nhờ những làn gió mát lạnh cuốn trôi mọi phiền muộn và cả nỗi nhớ nhà.

Những ngày đầu nơi đất khách

Khoảng thời gian ấy, mái nhà ốp 35 thật đông vui, thân thiện. Mọi người đến từ khắp nơi trên dải chữ S nhưng khi được tụ họp lại nơi đây thì coi nhau như anh em một nhà, cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Ánh mắt ông bỗng sáng lên như vui hơn khi kể về những thùng hàng đầu tiên các ông xếp hàng mãi mới mua được để gửi về giúp đỡ bố mẹ. Và cả những ngày lễ tết, mọi người quây quần, nấu nướng ăn uống như một đại gia đình. Còn gì vui hơn khi các ông đứng lên tổ chức làm chủ hôn, chúc phúc cho những cặp đôi cũng là công nhân trong nhà máy, mọi người ai cũng vui lây, hào hứng làm những mâm cỗ thật to, thật linh đình chúc họ trăm năm hạnh phúc.

Những ngày đầu nơi đất khách

Rồi sau khi Liên Xô tan rã, nhà máy giày da đóng cửa, ông bắt đầu bôn ba, mưu sinh lập nghiệp, làm quen với buôn bán, kinh doanh, như trong bài báo trước Người Việt Odessa đã chia sẻ bạn đọc Ông Phạm Đức Long – Kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tín. Nhờ bạn bè giới thiệu làm quen, ông gặp lại người lính cùng đơn vị năm xưa, đồng hương với ông. Đó chính là người vợ đang ngồi kế bên ông lúc này - bà Vũ Hồng Sim. Sau bao khó khăn, giờ đây, hai người con ông đều đã khôn lớn, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, và ông đang giữ chức trưởng Ban thanh tra Hội Người Việt tỉnh Odessa trước sự tín nhiệm của tất cả bà con trong cộng đồng nhưng ông không quên cảm ơn nhà máy giày da Odessa, cảm ơn mảnh đất Odessa này đã cho ông có được ngày hôm nay. “Khí hậu, người dân địa phương luôn hiền hòa, tốt bụng, cộng đồng bà con người Việt Odessa nói chung, tập thể công nhân trong nhà máy giày da nói riêng dù đến từ mọi miền trên tổ quốc nhưng luôn coi nhau như anh em một nhà, chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Tôi rất trân trọng tình cảm đó và hứa sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, vai trò của mình”.

Những ngày đầu nơi đất kháchBan Thanh tra hội người VN tại Odessa

Những ngày đầu nơi đất khách

Ngồi dưới bóng mát của giàn nho, trong sân kia những luống rau, gia vị Việt vừa được tắm mát, ông bà cùng ôn lại kí ức đẹp một thời. Mái tóc đã điểm xuyến những sợi bạc nhưng chất lính, chất hài hước, chất bộ đội cụ Hồ cởi mở mà nặng tình nặng nghĩa của cả ông và bà như vẫn vẹn nguyên. Hẳn thế mà “đi dân nhớ, ở dân thương”, ngày nghỉ, bạn bè đồng hương Thái Bình, bà con chi hội Lvov – nơi ông bà sinh hoạt… lại đến quây quần, tụ tập khiến ngôi nhà thêm phần ấm cúng với không ngớt tiếng nói, cười giòn tan. Cũng khoảng sân này, mỗi dịp tết đến xuân về, dù tuyết dày đến đâu, gió rít to đến đâu mọi người vẫn quây quần cùng nhau căng bạt che chắn, chặt củi, bắc bếp thực hiện công đoạn luộc những chiếc bánh chưng xanh tình nghĩa. Gia đình ông bà năm nào cũng đảm nhiệm phần công việc cực nhất, vất vả nhất nhưng vì cái tâm, cái đức với người nghèo nên ai cũng thoải mái, nhiệt tình, nghiêm túc. Nhờ nét tính cách hóm hỉnh, chân chất vốn có, ông càng được bà con trong cộng đồng tôn trọng, tín nhiệm nhiều hơn. Sự tin tưởng của bà con vào Ban Thanh tra, vào Hội Người Việt chính là điều kiện tiên quyết giúp Cộng đồng Người Việt Odessa thêm phần vững mạnh.

Những ngày đầu nơi đất khách

Vô Ưu


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN