Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Những chàng trai Hà Nội theo dòng đời ở Kharkov

Thứ ba, 17/09/2019 | 20:08
Qua bao tháng năm trôi nổi theo dòng đời ở Kharkov, tôi may mắn quen biết khá nhiều người từ quê nhà sang đây mưu sinh. Gần đây nhất có một chàng trai “gốc” - “Hà Nội xưa 36 phố phường”, vừa bén rễ đồng hương đã gắn chặt bền lâu tình nghĩa anh em.

Nhớ …
… Vào một ngày đầu mùa xuân năm ngoái, đang buồn tênh một mình ngồi trực ban tại văn phòng Hội ở Trung tâm thương mại Barabashova thì họa sỹ cộng đồng La Thứ (Một thời đồng nghiệp với tôi trên trang mục “Những ngang trái cuộc đời”, khi bán nguyệt san “Tuần tin quê hương” còn thịnh hành) cùng một chàng trai “lạ lẫm” gõ cửa bước vào, hứng giọng giới thiệu:
- Họa sĩ Kiên, đồng hương với anh em mình, đến thăm Nhà báo và Hội đây.
Mừng rơn “Vị khách” chưa mời đã đến này, tôi đon đả đón chào rồi tranh thủ đun nước, pha chè xong đâu đấy, mới đặt vấn đề:
- Kiên sang đây công tác hay tiếp tục nhập học nâng cao tay nghề!
Khuôn mặt trẻ trung ửng hồng, Kiên lắc đầu vội giải thích:
- Em đã là dân chợ búa từ lâu rồi anh. Ngưng một lát, nhâm nhi ly trà xanh, Kiên ngắn gọn kể tiếp đôi điều về mình: Sinh ra, lớn lên ở phố Hàng Bún, từng cư trú ở làng Kim Liên (quê cha đất tổ của tôi) gần hồ 3 mẫu ra sao! Từ nhỏ yêu thích hội họa, tốt nghiệp khoa vẽ tranh sơn mài (1994-1995) như thế nào! Cuối cùng, số phận đưa đẩy năm 1998 cùng vợ hành trình đến Kharkov, buôn bán kinh doanh tại Trung tâm thương mại Barabashova, kiên trì từ bấy đến nay ra sao! Và …
Chả để Kiên nói tiếp, tôi thú vị tuyên bố:
- Có nghĩa là 3 anh em mình vừa là đồng hương, đồng nghiệp, lẫn đồng hành nơi xứ người chờ ngày về quê…
Cùng nhâm nhi ly trà xanh, ba chúng tôi mỉm cười nhìn nhau cảm thông như thể thống nhất quan điểm trên: “Cùng nhau sẽ chiến thắng”.

Họa sĩ Kiên "Nơi chợ búa"

Lúc tạm biệt, nắm chặt bàn tay chắc nịch của anh bạn trẻ, tôi hẹn gặp lại vào bất kỳ lúc nào thuận lợi cho cả hai bên. Kiên khẽ khàng đáp “Vâng” thay lời hứa.
Dần dà sau đấy, những lần “vội vã” gặp nhau chốc lát thăm hỏi sức khỏe, chợ búa lẫn gia đình cho dịu nỗi nhớ còn khi hàn huyên dài lâu vào những buổi chợ “vắng người mua, thưa người bán” thì đủ điều hết về mình đến chuyện đời mong sao hòa nhập với nơi mình đang sinh cơ lập nghiệp. Và rồi, do cùng một quan điểm tự hào là người Hà Nội khiêm tốn, giản dị, không lùi bước trước khó khăn, tôi và Kiên dễ đồng cảm nhiều vấn đề “Con người và thời cuộc” để động viên nhau gắng vượt qua những cản trở hiện tại, hướng tới tương lai bằng niềm tin và hy vọng.
Làm tôi hỏi Kiên:
- Em đã đọc bài “Đi đâu và về đâu bây giờ” của anh ở chuyên mục “Chia sẻ” của “Người Việt Odessa” chưa?
Cười vui, Kiên đáp: “Đôi ba lần rồi anh à!” rồi khẳng định:
- Em rất tán thành chính kiến của anh “về quê hay ở lại” tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi người, mỗi gia đình. Miễn sao ích nước lợi mình. Sau đó, giọng trầm hẳn, Kiên trải lòng: Còn em, tròn 20 năm trời (1998-2018) bươn chải nơi chợ búa đầy sống động, qua những bước thăng trầm, khó khăn nhiều hơn thuận lợi từ bấy đến nay, đâu phải riêng gia đình em mà nhiều người vẫn tồn tại vững vàng về tinh thần, ổn định về kinh tế trong khuôn khổ cho phép, quyết tâm trụ lại vững vàng niềm tin vào ngày mai sáng ngời ở quê hương thứ 2 Ucraina này. Phải không anh?
Tôi nhẹ nhàng gật đầu thay cho lời khen suy tư chín chắn, dám nghĩ dám làm của “cậu em”.
Qua tháng ngày, tình cảm giữa tôi và gia đình Kiên càng trở nên thân thiết khi được biết “chàng trai Hà Nội ấy” là phu quân của Dung - Cô gái xinh tươi của quê hương quan họ Bắc Ninh, vốn là con út yêu của nhà thơ Nguyễn Tiến Đường - Hội viên VHNT Bắc Ninh, phó chủ tịch CLB thơ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh. Người mà tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện vào tháng 9-2013, khi nhà thơ đến thăm Kharkov và tặng tôi tập thơ “Nắng trong mưa” - Nhà xuất bản văn học Hà Nội 2013. Với dòng chữ viết tay thân thương: Kính tặng Nguyễn Trọng Cơ, TBT báo “Tuần tin quê hương” Kharkov, ký tên Tiến Đường.
Nhắc đến chuyện hôn nhân, Kiên thổ lộ: Phải bắt đầu từ tình yêu chân thành, gia đình hạnh phúc là sự vun vén “chung lưng đấu cật” của cả vợ lẫn chồng. Rộng hơn về quan hệ xã hội, cụ thể là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Hội người Việt Nam. Kiên bộc bạch: “Phải có sự đóng góp xây dựng Mái nhà chung cộng đồng ấy của mọi người” chứ đừng có sống như “cây tầm gửi” (ý nói những ai “cố tình” không gia nhập Hội mà vẫn sống yên bình dưới bầu trời Kharkov).
Tôi hiểu và hiểu hơn hôm Kiên tặng Hội bức tranh sơn dầu tầm cỡ, tự sáng tác “Hoa hồng” màu sắc lộng lẫy “với phong cách riêng và có sức truyền cảm mãnh liệt nên bao giờ cũng được mọi người yêu thích” - Như lời nhận xét của họa sĩ La Thứ, người có nhiều tác phẩm hội họa biển trời, phong cảnh hữu tình của đất nước Ucraina tươi sáng. Còn tôi, vốn khiêm tốn quen “làm nhiều hơn nói” thầm cảm ơn tấm lòng chân tình của anh bạn trẻ họa sĩ ấy. Lại càng tôn trọng hơn khi Kiên tặng gia đình tôi bức tranh sơn dầu “Quốc Tử Giám”, như thể gợi lại tình cảm tôi đã xa nhà 46 năm trời, nhớ về văn hóa cổ dân tộc nằm ở trung tâm thành phố - Hà Nội xưa.
Gần đây nhất, đến thăm Kiên ở khu B, làng Thời Đại, ngắm những bức tranh treo khắp Cờ Va, với nhiều chủ đề khác nhau với lời tâm tình của họa sĩ “Sau những giây phút căng thẳng nơi chợ búa, em gửi tâm hồn mình vào hội họa mà từ nhỏ em yêu thích nó, gắn bó với nó như cô gái “tình nhân”. Nghe xong, tôi càng khâm phục và trân trọng thêm anh bạn trẻ - Người Hà nội của tôi.

Những tác phẩm hội họa của Kiên

Thay lời kết, chúc Kiên “Yên tâm vững bước mà đi, luôn thành đạt theo dòng đời ở Kharkov - và cả chúng ta nữa đang sinh sống, làm việc và học tập ở Ucraina này!”

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” - Kharkov, tháng 9.2019