Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nhớ về Hà Nội – một miền quê

Thứ bảy, 30/12/2017 | 00:23
Tôi có thói quen viết nhật ký, ghi chép một vài suy tư về mảnh đời trôi nổi trong những tháng năm bươn trải nơi xứ người, về miền quê để mà thương mà nhớ, để dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội – Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình với bao kỷ niệm sâu sắc trong ký ức tuổi thơ, theo ta suốt cuộc đời.

Hà Nội đó! Quê tôi, làng Kim Liên đó. Vào mùa hè, hồ sen bao quanh làng rực rỡ màu hồng của hoa, dạt dào hương thơm của nhụy và xanh rờn một dải mượt mà của lá gợi cho ta cảm xúc về một cuộc sống bình yên dịu dàng như những cô gái Hà thành duyên dáng trong tà áo dài dân tộc thanh lịch vào ngày khai trường hay những buổi lễ hội rực rỡ cờ hoa.

Tôi sinh ra vào một ngày hè nóng bỏng tại ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên. Nơi ấy đã giữ lại trong tôi nhiều kỷ niệm thời ấu thơ, qua đi không bao giờ trở lại, nhiều kỷ niệm một thời nông nổi cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim mà mỗi khi bâng khuâng nhớ lại càng hiểu hơn tâm hồn người Hà Nội.

Mùa thu năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tầng tầng lớp lớp các anh “Bộ đội Cụ Hồ” từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội, diễu qua phố Khâm Thiên. Dân cư già trẻ gái trai khu phố tôi đổ ra đường reo vui đón mừng các anh, ân tình trao những bó hoa tươi thắm, gắn lên ngực áo nhau tấm huy hiệu chân dung Hồ Chủ Tịch mà nước mắt ngưng tròng, bởi lẽ bao năm chờ đợi mới có ngày hôm nay.

Thời gian lạnh lùng, hững hờ trôi đi chẳng đợi chờ ai. Nhưng thời gian có bao giờ làm phôi phai đi “những kỷ niệm một thời nông nổi/ Cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim”. Nhớ mãi làng hoa Ngọc Hà nằm ẩn mình cuối dốc đường Hoàng Hoa Thám. Quanh năm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông lúc nào cũng rực rỡ đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc: Chỗ này là màu đỏ thắm đậm của hoa Hồng, chỗ kia là màu vàng kín đáo của hoa Cúc, chỗ kia nữa ngây ngất màu tím thủy chung của hoa Lay-ơn còn chỗ này được tỏa sáng bằng màu trắng nhẹ nhàng của những bông hoa Thược dược… Và, muôn màu muôn vẻ khác trải rộng khắp thôn, khoác lên khắp xóm của Làng hoa một tấm thảm thiên nhiên lộng lẫy. Vào những ngày cuối năm chuẩn bị bước sang mùa Xuân, chúng tôi thường có thú vui rủ nhau đạp xe vào tận cổng làng và được gia chủ đồng ý, vén từng luống cây, ngắt những cành hoa tươi thắm mua về cắm lên bàn thờ Tổ, đón chào năm mới. Riêng tôi, bao giờ cũng mua thêm bó hoa Mười giờ cuống dài, màu trắng hồng để tặng cô bạn gái cùng lớp, chớm nở tình yêu thuở học trò. Kỷ niệm buổi ban đầu gặp em vào lúc 10 giờ sáng, ngày mồng 10 tháng 10 năm ấy. Cho đến bây giờ, ở nơi đây xa Hà Nội, tôi vẫn giữ cho riêng mình một nhánh hoa 10 giờ ướp khô trong quyển sách, để mỗi lần mở ra nhớ lại một thời đã qua trong ký ức tuổi thơ đẹp như trăng Rằm.

Tôi nhớ Hà Nội. Nhớ mặt nước Hồ Gươm quanh năm xanh vời vợi, màu xanh giữ nguyên trong ta những kỷ niệm của thời gian. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc được xây dựng từ bao đời nay vẫn cùng tháng năm yên bình soi hình trên hồ Hoàn Kiếm mà ở đó mang trong mình những huyền thoại thiêng liêng của dân tộc cùng những nét cổ kính của kiến trúc Phương Đông. Và, có lẽ không ai trong chúng ta vào đêm giao thừa của năm mới không đến đây, nhẹ bước qua cầu gỗ Thê Húc vào đền, thắp một nén hương cắm lên bát nhang bên tượng Phật, xin một quẻ bói xin phước lành, hái một nhánh cây lấy lộc cho năm sau rồi mới về nhà “xông đất” cùng mẹ cha thưởng thức “Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”.

Mùa Thu năm 1973, ngày tôi lên đường, Hà Nội vẫn còn nóng bỏng, đau thương mất mát bởi chiến tranh hủy diệt của giặc Mỹ xâm lược. Xong Hà Nội vẫn còn đó, người Hà Nội vẫn sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng tiếp tục xây dựng cuộc sống mới, khắc phục những khó khăn những tồn tại nặng nề do hậu quả của những lần máy bay khổng lồ Mỹ B52 giải thảm bom. Phố Khâm Thiên của tôi chỉ trong giây phút vào một đêm đông lạnh buốt – ngày 28 tháng 12 năm 1972 – máy bay Mỹ đã phá trụi hàng trăm ngôi nhà, cướp đi bao mạng người vô tội ở phố tôi – mà tôi đã ghi trong hồi ký “Tôi ra đi từ những nơi ấy, ngày ấy” viết bằng tiếng Nga, thời sinh viên năm 1975 – do anh Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa nhiệt tình giúp đỡ, dịch – đăng tải trên chuyên mục “Chia sẻ” của Người Việt Odessa ngày 11/12/2017 nhân 45 năm nỗi đau người Hà Nội.

Ngày cuối cùng xa Hà Nội, tôi nuối tiếc mãi một điều là không đến được nghĩa trang Văn Điển, cắm lên mộ người cha những nén hương thời thơ ấu với hoa Mười giờ.

Ai cũng có một miền quê để mà thương mà nhớ, để mỗi lần nhớ lại thấy lòng mình bâng khuâng, nuối tiếc một thời đã qua đang nằm trong ký ức. Để rồi, bước chân tôi đã qua bao nẻo đường lòng vẫn nhớ về Hà Nội vẫn thầm mong một ngày trở về quê hương gặp gỡ lại người thân, thăm lại những con đường, những cánh đồng lúa vàng, những con đò sang ngang…

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov – 2017

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN