Nhớ mãi, đầu năm 2008, không khí Tết Dương lịch còn đang hừng hực, rạo rực trong lòng người thì buồn thay ngày mồng 9 tháng 1, ông Đinh Văn Nhời – nguyên Chủ tịch Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (1994-1998), giám đốc công ty TNHH Hữu Nghị (1995-2006), phó Chủ tịch thứ nhất Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov khóa I (1998-2001), sau cơn bệnh hiểm nghèo đã đột ngột ra đi về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 66 tuổi (1942-2008) để lại “nỗi buồn không của riêng ai” cho người thân ruột thịt, anh em bạn bè, cho cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Kharkov, cho cả số lượng không ít dân bản xứ có quan hệ gần gũi với gia đình ông.
Thời gian hững hờ trôi, tính đến hôm nay (09/01/2018) ông Nhời ra đi đã tròn 10 năm mùa đông giá lạnh. Chao ôi! Nhanh quá nhưng hình ảnh con người giản dị hết mình vì mọi người ấy vẫn bền lâu trong tâm trí nhiều người. Với tôi, thêm nữa là những kỷ niệm lắng sâu trong ký ức một thời cùng ông và cộng sự tâm huyết xây dựng một tổ chức xã hội đầu tiên và duy nhất tại Kharkov – Hội đồng hương Việt Nam (ngày 03/03/1994) với mục đích đúng đắn “Vì một cộng đồng trong sạch, vững mạnh”, một thời chung sức chung lòng thành lập công ty Hữu Nghị (1995) để hợp pháp kinh doanh trên thương trường sôi động từ chợ Trung tâm đến Trung tâm thương mại Барабашова vào những ngày đầu khai sinh lập địa (06/1996) đến khi kết thúc hợp đồng với công ty chủ quản АИЭК (2006). Ngày ấy, hụt hẫng trước những đổi thay của đời lại “tham công tiếc việc” một thời “làm chợ”, có lần tôi than thở “Biết làm gì bây giờ”, cười xòa, ông Nhời an ủi: Chú mày (ông thường xưng hô như anh em một nhà vậy) đừng lo lắng nhiều cho bận tâm. Hãy biết chờ đợi, cái gì đến sẽ đến theo quy luật “được mất”. Yên lòng, qua nhiều tháng năm bươn chải, nghiệm thấy tôi vẫn là tôi, gần gũi cộng đồng như cái thủa ban đầu lưu luyến ấy!
Tác giả và ông Nhời (bên phải) 1995
Nhớ mãi, những tháng năm là phó Chủ tịch thường trực, phó giám đốc công ty Hữu Nghị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tâm tình, việc chung, riêng mới càng hiểu rõ hơn ông là “người của cộng đồng”, tính tình xởi lởi, giọng nói “mộc mạc thôi mà cũng nhớ mãi” và câu cửa miệng “thế là tốt rồi” ai cũng vui lòng. Mặc dù biết ông chưa hiểu hết “đầu xuôi đuôi ngược” câu chuyện, đã thổ lộ! Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch nhưng ít khi ông muốn “xuất đầu lộ diện” ở lễ hội, công đường chốn đông người “com-lê củ-sếch” mà nhiều hơn là nơi chợ búa dân dã bên những người quần nâu áo vải, quanh sạp hàng công chợ. Có lần tôi cười hiền lành giải đáp: vấn đề chính là “gặp ai” và làm được những gì cho “người ấy” – ngừng một lát, ông thân mật bảo, chắc chú mày đã biết đấy là số đông dân chợ búa đang mưu sinh tại chợ, để họ nhận thấy quyền lợi, tự nguyện viết đơn và tự giác thực hiện “nghĩa vụ” hội viên của mình (đóng hội phí). Cảm phục con người bên ngoài dáng dấp chân chất cũng như cách ăn nói “củ mà củ mì” chất phác của dân miền núi Cao Bằng mà biết tìm ra sức mạnh của Hội có từ đâu tôi mạnh dạn bổ sung thêm đôi lời: như vậy, đồng nghĩa với câu phương ngôn “hữu xạ tự nhiên hương” anh nhỉ? Ông im lặng đồng tình. Hai chúng tôi nhìn nhau đầy cảm thông.
Thói đời người có “quyền cao chức trọng” thường thành đạt về kinh tế nhưng với ông Nhời dường như ngược lại. Như lần chúng tôi đến thăm bà quả phụ Liubov Alexeievla sau một năm ngày ông Nhời mất, mà căn hộ nơi bà sinh sống như chả có gì thay đổi. Vẫn chiếc tivi màu cũ kĩ, trần nhà giấy dán bị bong. Thấy vậy chúng tôi tranh thủ hỏi: Khi mất tài sản ông để lại chắc cũng khá, sao bà không thuê thợ sửa chữa hoặc mua chiếc tivi mới xem cho đỡ hại mắt, bà trả lời qua hai hàng nước mắt: “Tôi nói có thể chẳng ai tin. Ông nhà tôi từng làm giám đốc. Vậy mà khi qua đời không để lại cho mẹ con tôi một xu nào. Có người mách ra các nhà băng để hỏi xem ông có tiền gửi trong các tài khoản hay không, nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì tôi thì già yếu, các con tôi đều ở xa”. Nghe xong, chúng tôi dự đoán qua cách “đối nhân xử thế” hằng ngày với mọi người xung quanh, ai cũng tin và cảm phục đức tính nhân hậu, độ lượng, “thương người như thể thương thân” của ông.
Nhớ về ông Nhời, không thể không nhắc đến tầm mắt của một con người biết mình biết người – đang ở đâu và làm gì, qua lời phát biểu chân tình của ông với tư cách là Chủ tịch Hội đồng hương, bày tỏ ý nguyện thống nhất Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov và Hội hữu nghị Văn hóa & Kinh tế U-Việt tỉnh Kharkov (24-03-1997, do Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch) thành một tổ chức xã hội duy nhất của cộng đồng Việt Nam tại Kharkov. Và, thế là sau buổi gặp gỡ thân mật giữa Ban chấp hành Hội đồng hương và Hội hữu nghị U-Việt vào tháng 3 năm 1998 tại nhà hàng “Tre xanh” nằm trên đường phố Kirgiskaya đã trở thành hiện thực – Ngày 24/04/1998, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov ra đời do anh Lê Viết Lam làm chủ tịch và ông Đinh Văn Nhời là phó chủ tịch thứ nhất khóa đầu tiên ấy.
Nhớ mãi nữa, lần ông Nhời đưa tôi bản danh sách BCH Hội đồng hương ngày đầu (1994) do ông tự viết bằng tiếng Nga để chuyển đổi thành tiếng Việt vào trang sử phát triển cộng đồng Kharkov. Nhẩm đọc, thấy trong số Ban lãnh đạo, ngoài Đào Văn Sùng hộ chiếu Việt Nam, còn lại bốn người: Chủ tịch Đinh Văn Nhời, ba Phó chủ tịch Đặng Việt Hùng, Vương Mạnh Cường và tôi đều mang quốc tịch Liên Xô (cũ) tôi áy náy hỏi ông: “Tình hình này liệu Việt Kiều mình có ngại mang tiếng “quyền cố” không anh?”. Lắc đầu, ông Nhời nghiêm túc giải đáp: “một khi anh em mình đều gốc Việt “máu đỏ da vàng” lại chung ý tưởng, đồng tâm hợp lực xây dựng phong trào cộng đồng nơi đất khách quê người trên tình thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau thật lòng thì làm gì có sự phân biệt nhỏ nhoi ấy!” Quả thật, những lần tiếp xúc, trò chuyện với bà con lao động ở trong ốp, ngoài chợ đầu nhận được ánh mắt trong sáng, nụ cười đầm ấm trong mối quan hệ “người với người là bạn” và sự trân trọng nữa.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất cố Chủ tịch Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov Đinh Văn Nhời, viết mấy dòng tâm sự này những mong chia sẻ cùng ai nỗi thương tiếc vô hạn về con người hết mình vì cộng đồng ấy. Để rồi, đừng bao giờ quên quá khứ khi mình đang có những gì trong tầm tay. Cũng như dạy dỗ con cái, thế hệ hiện thời hãy nhớ ngày hôm nay là tiền đề cho ngày mai tương lai sáng ngời. Thương Nhớ anh – ông Đinh Văn Nhời. Một con người!
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” - Kharkov tháng 1/2018