Khi xung đột nổ ra, ông Nguyễn Như Mạnh (63 tuổi) đã chọn bám trụ lại thành phố Odessa (Ukraine), trong khi vợ và con cháu của ông đã sơ tán đến đất nước khác. Một năm trôi qua, ông và người Việt ở thành phố này đã dần quen với chiến sự, nhưng ký ức về buổi sáng kinh hoàng hôm đó vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Mạnh chia sẻ: “5 giờ sáng hôm ấy nghe tiếng nổ, không hiểu tiếng nổ gì và nổ rền luôn. Tiếp đó là những cú điện thoại của những anh em đồng nghiệp công tác xã hội ở Kharkiv và Kyiv gọi về bảo ở chỗ chúng tôi bị tấn công rồi. Gia đình các con đang sum họp, các con đang đi học làm việc bình thường, ngày mai thì chả có ai xung quanh. Và những vụ pháo nổ, những vụ người bị thiệt mạng. Đấy là những kỷ niệm tôi nghĩ là khó quên lắm, nặng nề lắm".
Ông Mạnh đứng trước cổng Làng Sen ở thành phố Odessa, nơi có 300 hộ gia đình Việt Nam sinh sống
"Trừ những bà con về với Việt Nam, với vòng tay gia đình, thì mọi người tạm quên đi nỗi lo lắng. Còn những người sang châu Âu thì mọi người lo sợ lắm, mọi người không biết là cuộc chiến này dài bao nhiêu. Các cháu đến nơi mới cũng chưa hội nhập được. Còn những người ở lại thì cũng lo sợ chứ, những tháng đầu bom đạn bay trên đầu hàng ngày, rồi những tiếng báo động, rồi công việc thì gián đoạn, điện nước thì mất”, ông nói thêm.
Ông Mạnh chia sẻ, gia đình đang đông đủ thì bỗng dưng mỗi người một nơi, chỉ mình ông ở lại cũng có những lúc rất buồn và cô đơn. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, bạn bè và đồng hương, ông đã vượt qua thời gian khó khăn nhất. Tình đoàn kết của cộng đồng người Việt ở xứ người cũng đã giúp ông có thêm động lực bám trụ kiên cường ở Odessa.
"Tôi là cựu sinh viên trường Đại học Y Odessa, cho nên khi chiến sự xảy ra, những người từng học ở Đại học Y Odessa lập ra nhóm liên lạc và thường xuyên liên lạc hỏi thăm chúng tôi, rất là cảm động. Tình cảm của gia đình, địa phương, quê hương, chúng tôi nhận được sự động viên, ủng hộ rất tốt", ông nói.
Cả gia đình ông Mạnh gặp nhau tại Berlin, Đức
Vì chiến sự, người đàn ông 63 tuổi này phải xa cách vợ con. Họ chỉ biết gọi cho nhau mỗi khi thấy nhớ. Ông luôn chờ đến dịp lễ tết để được đến thăm họ ở Đức và Đan Mạch.
"Nói chung những ngày đầu thì mọi người rất là buồn và mọi người cũng lo lắng không biết bao giờ lại gặp nhau, bao giờ được đoàn tụ. Thế nhưng, bây giờ mọi người đã xác định rồi, bây giờ mình cố gắng làm sao chờ các dịp nghỉ hè, Noel, nghỉ Tết mình tập trung gia đình năm nay ở điểm này, năm sau ở điểm khác. Mùa hè chúng tôi cũng gặp nhau ở Đan Mạch, nơi bà xã tôi đang lánh nạn ở đó. Còn mùa đông, Noel và Tết dương lịch, gia đình tôi tập trung ở Đức, nơi con tôi đang làm việc. Như vậy thì mình giải quyết được vấn đề tâm lý và động viên lẫn nhau", ông kể lại.
Theo ông Mạnh, cuộc sống hiện giờ cũng có nhiều bất tiện nhưng đã ổn hơn nhiều so với những ngày đầu chiến sự. Đặc biệt, người dân cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài.
Ông cho biết: "Nhìn chung cuộc sống mọi người đã ổn định dần dần, tinh thần mọi người đã ổn định dần dần”.
Ông nói: “Thứ nhất là những người ở Việt Nam đã dần dần quay trở lại Ukraine. Phần đông mọi người tiếp tục bám trụ và kinh doanh. Còn với người ở lại, hoàn cảnh địa phương cũng có nhiều thay đổi. Những ngày 3-6 tháng đầu, tình hình an ninh rất nguy hiểm. Chúng tôi chứng kiến những người dân địa phương chết vì bom đạn và cái gì cũng thiếu, xăng dầu đi lại rất khó khăn. Nhưng bây giờ nó đã khác. Ví dụ 5-6 tháng về trước, mua xăng dầu rất khó, nhiều khi xếp hàng cả ngày mới mua được 5-10 lít xăng. Nhưng mà xăng dầu bây giờ thì lại thừa mứa, mọi người còn được bán những đợt giảm giá nữa. Còn thực phẩm thì giá lại rẻ hơn 20-30%. Về đi lại, giao thông thì tương đối thuận tiện. Còn các cháu học sinh thì ngoài đi học chương trình online của chính phủ thì các phụ huynh cũng tổ chức mời các thầy cô giáo địa phương đến dạy cho các cháu”.
Cuộc họp của cộng đồng người Việt còn bám trụ ở Odessa
Ông Mạnh cho biết người Việt ở đây thích nghi rất nhanh và rất lạc quan nên có thể khắc phục những khó khăn do chiến sự: "Tất nhiên là cái khó khăn nhất trong sinh hoạt là điện vì cơ sở điện bị tấn công, có khi bị mất 2-3 ngày liền. Có ngày chỉ có 2-3 tiếng có điện thôi. Thế nhưng người Việt mình ở đây thích ứng rất nhanh. Ở Odessa này cộng đồng mình có Làng Sen, có 300 căn hộ của người Việt Nam mình, mọi người mua sắm những trang thiết bị, mua cả những máy đắt tiền, máy nổ cho 300 căn hộ để đề phòng mất điện kéo dài. Mọi người nhân thời gian rảnh rỗi để tu sửa căn hộ của mình, những công trình phụ của làng mình tốt hơn. Và công việc làm ăn thì mọi người thích ứng rất nhanh, kết nối lại với những bạn hàng cũ và những người địa phương để buôn bán trở lại”.
Với ông Mạnh, Odessa không chỉ là nơi sinh sống, mà còn là quê hương thứ hai. Ước muốn duy nhất của người đàn ông này là chiến sự kết thúc và tất cả mọi người đều được sống trong bình yên, hạnh phúc.
"Chiến sự xảy ra thì bọn mình tin là nó sẽ kết thúc và một ngày nào đó gia đình mình lại đoàn tụ", ông nói.
Báo Thanh Niên