Vì sao? Nếu có ai hỏi, xin mạn phép trả lời ngay: Bởi đức tính siêng năng, cần cù chăm chỉ làm ăn “kiếm từng xu tiết kiệm từng hào” bên “người bạn đường” của họ là chiếc xe đẩy bốn bánh “vuông thành sắc cạnh”, rong ruổi theo chiều dài các góc chợ, từ sớm tinh mơ đến lúc chiều tà - như lời nhận xét rất khách quan cùng tâm tình từ đáy lòng nhiều người. Chủ đề “Chuyện người bán nước chè rong quanh chợ” chắc chắn sẽ lôi cuốn, thu hút những ai muốn biết những suy tư thầm kín, những việc làm lặng lẽ như định mệnh của họ khi thời thế đổi thay cùng những biến động khôn lường của bản thân mỗi người. Vì có ai nghĩ và ước mơ “xuất ngoại” để trở thành “người bán nước chè rong” bao giờ đâu! Cũng như tôi, những tháng ngày “lỡ bước sang ngang”, đi làm bằng METRO cũng buồn tủi phận mình lắm chứ. Nhưng bù lại, lợi thế dã ngoại có nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người cùng cảnh ngộ ấy ngay trên thương trường sôi động, càng thấm thía hơn khi chính cuộc đời mình cũng đã đổi thay quá nhiều.
Hồi tạp chí bán nguyệt san “Tuần tin quê hương” còn đang thịnh vượng, phát hành rộng rãi trên địa bàn ở các thành phố lớn có người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại UCRAINA đã đăng tải bài phóng sự “Người đi bộ dài nhất ở chợ Барабашова” (số 341 - 16/7/2012) với lời kết khẳng định là người bán nước chè rong, được đông đảo bạn đọc theo dõi, ủng hộ. Tiếp đến, tháng 9 năm 2018, trên mục “chia sẻ” này, “Người Việt Odessa” giới thiệu thêm với độc giả “bốn phương trời” hình ảnh lủi thủi “một nắng hai sương” và tâm sự đáy lòng của người bán nước chè khi tự nguyện gắn bó với người bạn đường là chiếc xe đẩy qua bài “Chuyện người bán nước chè rong” của tôi.
Lần này, tháng 10 năm 2020, vào thời điểm dịch Covid càng bành trướng, phá rối cuộc sống yên bình của nhân loài, khắp 5 châu 4 biển và mọi người ai nấy đều nghiêm túc thực hiện những quy chế Карантин phòng chống bệnh do Bộ y tế UCRAINA quy định, mà trước hết phải đeo khẩu trang (МАСКА) khi đi trên đường phố, đặc biệt trong siêu thị, nơi chợ búa, chốn đông người... càng hết sức cẩn trọng hơn, tôi viết thêm đôi điều về họ, khi hàng ngày có mặt tại chợ Барабашова hình ảnh dòng người bán nước chè rong “đeo khẩu trang liên tục và lâu dài ở chợ” luôn lọt vào đôi mắt.
Hôm thứ 5 giữa trời nắng vàng mùa thu ấm áp vừa rồi, lững thững đi bộ ra METRO về nhà. Buồn tênh, mới giữa trưa, phiên chợ bán buôn đã về và chả hiểu thế nào, cảm giác cổ khô họng “thèm” một ly chè xanh. Chợt nhìn thấy cô gái Việt, đeo khẩu trang rộng vành che kín mặt, bán nước chè bên đường, tôi liền bước lại gần. Qua đôi mắt “huyền” hàng mi cong với dáng cao cao người thanh thanh, cùng mái tóc đen vờn bên đôi vai tròn lẵn, nhận ra B - khúc ruột miền Trung, quen nhau từ thời khu chợ Hữu Nghị của Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov còn tồn tại, tôi thân mật chào hỏi xong, tranh thủ vào đề luôn:
Từ tháng 3 đầu năm đến nay, tác nghiệp tại chợ, khẩu trang đeo liên tục và lâu dài từ sáng đến chiều như em chắc không dễ thích nghi ngay đâu B nhỉ?
Qua 2 lớp vải mỏng che mặt, giọng xứ nghệ “dễ thương” của B tôi nghe rất rõ:
- “Trước lạ sau quen” anh à! Nhất là với chúng em, hàng ngày tiếp xúc với khách hàng thuộc nhiều lứa tuổi và dạng người khác nhau trong xã hội còn là lương tâm và trách nhiệm nữa. Kể cả sau này, trời đất phù hộ Карантин kết thúc, em cho rằng những ai bán lương thực, thực phẩm, đặc biệt là bán nước chè rong như chúng em vẫn phải đeo khẩu trang hàng ngày khi tiếp xúc với khách hàng để giữ gìn vệ sinh chung.
Tán thành quan điểm mang tính thời sự nóng hổi của B xong, tôi nói thêm:
- Hơn nữa Карантин, Bộ y tế UCRAINA công bố kéo dài đến hết năm. Ngừng một lát thở dài, tôi nói tiếp. Khi nào kết thúc, đâu ai hay biết, phải không em! Thấy B gật đầu, tôi liền hỏi, dùng khẩu trang thường kỳ cũng tốn kém lắm em nhỉ?
- Thì biết làm thế nào hả anh! Đáp xong B nói nhỏ cốt chỉ để tôi nghe, cũng may, chị gái em là thợ may, tự làm hết thẩy đảm bảo kỹ thuật chả khác gì ở tiệm thuốc (АПТЕКА). Mừng thầm cho B, tôi mỉm cười. Chợt nhớ lời khuyên nhủ: tránh tiếp xúc, trò chuyện dài lâu vào thời kỳ này, vội tạm biệt B với lời khen vụng về:
- Hình ảnh em. À quên, những người bán nước chè rong ở chợ, nghiêm túc đeo khẩu trang liên tục và bền lâu trong ngày là một nét đẹp “riêng” trong những ngày chống dịch thế này, chắc chắn để lại ấn tượng mạnh mẽ cho anh và khách hàng dân bản xứ đấy!
Em cười vui khi nghĩ về mình. Nhưng vì làn vải mỏng che kín đôi môi hình trái tim nên tôi không nhìn thấy mà rõ hơn, đôi mắt của em đã nói lên tất cả. Còn tôi, quên uống nước chè xanh vẫn cảm thấy ngọt ngào qua giọng nói êm dịu của “cô gái bán nước chè rong”...
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” - Kharkov. Tháng 10/2020