Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nghĩa tử là nghĩa tận

Thứ sáu, 11/08/2017 | 23:14
Câu “nghĩa tử là nghĩa tận” này, dù chỉ nghe thoáng qua đã giúp ta nhận ra tấm lòng nhân hậu và cử chỉ nghĩa hiệp của người sống đối với người đã khuất sâu nặng biết chừng nào.

Cũng như, bấy lâu nay từ Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (1994), Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov (1998) cho đến tận bây giờ, trong công tác cộng đồng thường đề ra nhiệm vụ “hiếu hỉ, tang lễ là một trong những việc làm quan trọng mà Hội đặc biệt quan tâm” càng làm cho ta thấy rõ hơn tính nhân văn trong công tác cộng đồng cao cả và bao la như thế nào.

Thật vậy, hơn 20 năm trời qua, từ ngày có Hội đến nay, tôi dám khẳng định, chưa có một trường hợp rủi ro nào xảy ra trong cộng đồng, Hội không đứng ra lo toan chu toàn. Và dù cho có nhiều khó khăn, trở ngại nơi đất khách quê người nhưng mọi nghi thức mai táng theo phong tục tập quán người Phương Đông – từ khâm niệm, cầu hồn, nhập quan đến tụng kinh, niệm phật, khấn vái, thắp hương, đốt nhang… theo nguyện vọng tâm linh của gia đình, người thân, ruột thịt yên tâm (ngày, giờ, địa điểm) đều được thực hiện một cách nghiêm túc như ở quê nhà để người xấu số sớm siêu thoát, thanh thản trở về cội nguồn – Đất mẹ Việt Nam “nơi tuổi thơ ta đã trải qua, đẹp như giấc mơ”.

Sự thật, chưa một lần lãnh đạo Hội chủ trương thành lập ban tang lễ. Nhưng rồi, từ thực tế khách quan trong cuộc sống, Ban tang lễ đã tự hình thành “không thể thiếu được” để giúp đỡ cộng đồng lo “mồ yên mả đẹp” cho người xấu số - một việc làm không phải ai cũng muốn làm và làm tốt nếu thiếu lương tâm và trách nhiệm, việc làm tuy không nặng nề “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhưng chỉ có thể hoàn thành được không ngoài con tim biết yêu thương, tấm lòng nhân hậu và tính nhân đạo cao cả trong mối quan hệ người với người là bạn.

Thật đáng trân trọng và tự hào, tính nhân văn trong công tác cộng đồng của Hội và những ai thực hiện đó qua cả một quá trình dài như thế thì dù cho, có kể ra bao nhiêu nữa cũng chả hết. Và, có lẽ cũng chả cần vì ai đã từng sống, làm việc và học tập tại Kharkov đều biết hết.

Lần này, xin nhắc lại một vài trường hợp xảy ra từ đầu năm 2017 để mà chia sẻ, để mà động viên thân nhân những người đã khuất. Đó là chị Phạm Thị Huệ, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 43 đầy sinh lực và vào “ngày Tình yêu ” – 14/02; anh Nguyễn Văn Khích mới 57 tuổi “vẫn còn xuân chán” đã đột ngột ra đi giữa đêm 19/03 “định mệnh”. Rồi gần đây nhất, nỗi đau mang đến mọi người, chị Nguyễn Thị Sự vừa tròn 55 tuổi đời đã phải qua vĩnh hằng sau căn bệnh hiểm nghèo.

Cùng gánh chịu “nỗi buồn này không của riêng ai” cộng đồng Kharkov từ Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, Hội đồng hương các tỉnh, thành gia đình người thân ruột thịt, đến bạn bè gần xa một thời là công nhân sang đây lao động theo hiệp định kinh tế, được ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ); dân chợ búa mưu sinh trên thương trường sống động, đã chung tay gánh vác đưa người xấu số “về quê” trọn vẹn tấm lòng “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Và, lần nào cũng vậy, đứng quanh linh cữu người ra đi lặng lẽ trong giấc ngủ ngàn thu, nghe tiếng mõ điểm theo cung bậc lời cầu an của nhà chùa cùng lúc tiếng khóc nức nở của người thân ruột thịt, trên đầy một vành khăn tang vang liên hiệp liên hồi…khiến những người ở lại, đôi mắt ai nấy đều ngưng tròng, ngấn lệ, khuôn mặt khắc khổ “một nắng hai sương” trầm ngâm dường như chung một suy tư: Thương thay một kiếp người thật phù du quá ngắn ngủi đã đành mà còn ngẫm phận mình trước mệnh trời “giàu nghèo sang hèn, sớm muộn cũng trở về cát bụi”. Để rồi, từ đây cùng một ước vọng, những ai đang tồn tại trên trần gian này hãy cố gắng làm những gì hữu ích cho bản thân lẫn cho đời. “Mình vì mọi người” trước đã rồi “Mọi người mới vì mình” sau. Nhất là trong cách đối nhân xử thế với anh em, bạn bè cả trong buôn bán kinh doanh phải khiêm tốn, độ lượng, chân tình “biết mình là ai” chứ đừng coi mình quá quan trọng, thêm bạn bớt thù để.. lỡ khi đến lượt mình “Nhắm mắt xuôi tay” còn có những giọt nước mắt buồn rơi theo. Đặc biệt, hiện thời trên thế giới lẫn nơi ta đang sống còn nhiều khó khăn lắm trở ngại thì quan hệ “Người với người là bạn” lại càng cần phải củng cố, gắn bó, khăng khít như “tay với chân” muôn vạn lần hơn lên.

Với tôi, gần hai mươi nhăm năm trời qua – vừa là tự nguyện vừa là nhiệm vụ Hội giao phó – cùng mọi người lo hậu sự, đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng trong cái tình “nghĩa tử là nghĩa tận”. Và, sau mỗi lần hoàn thành nghĩa vụ từ thiện ấy, tôi luôn tâm niệm: khi còn đang sống chúng ta phải đoàn kết, thương yêu nhau thật sự chứ đừng để lúc người anh em, bạn bè, đồng chí gặp rủi ro mới nhỏ nước mắt thương tiếc thì e đã muộn màng.

Viết tới đây, tự dưng trong tôi cứ băn khoăn vương vấn hoài chưa tìm thêm được “lời hay ý đẹp” để ngợi ca Hội cùng những người có tấm lòng, cử chỉ hào hiệp “vì nghĩa tử ấy”. Nhưng nghĩ đi ngẫm lại thấy bằng thừa, một khi chủ trương đúng đắn của Hội; hành động cao cả của những “ông hậu sự cộng đồng” đã nói lên tất cả cũng như bà con cộng đồng ở Kharkov, ở các thành phố khác tại Ucraina có người Việt sinh sống đều biết đến từ lâu…

Nguyễn Trọng Cơ

Bạn đồng hành – Kharkov.