Vâng, Ngày ấy, từ thời Liên Xô (cũ) ai đã từng khoác áo công nhân đổi đời thành dân chợ búa, kể cả sinh viên, hiện đang mưu sinh tại nơi đây chắc hẳn không thể quên sự kiện: mùng 3 tháng 3 năm 1994 là ngày Hội đồng hương Việt Nam tại Kharkov ra đời, mà ông Đinh Văn Nhời làm Chủ tịch. Một tổ chức xã hội đầu tiên của cộng đồng Việt Nam đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng có liên đến người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Kharkov. Bốn năm sau, lịch sử sang trang, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov thành lập (24/04/1998) trên cơ sở sáp nhập hai Hội: Hội đồng hương Việt Nam và Hội Hữu nghị Văn hóa thương mại Ucraina – Việt Nam tỉnh Kharkov. Hội bắt đầu từ ngày ấy, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Lê Viết Lam, tồn tại cho đến tận bây giờ với chủ trương đúng đắn: vì một cộng đồng trong sạch và vững mạnh được đông đảo bà con lao động ủng hộ, vững niềm tin. Thêm nữa, cùng năm, ngày 12 tháng 5 “Tuần Tin Quê Hương” gốc gác từ “Tuần Tin” của Hội Hữu nghị Văn hóa Thương mại Ucraina – Việt Nam tỉnh Kharkov và “Quê Hương” của Hội đồng hương, ra mắt độc giả báo số 1, được đánh giá cao về tinh thần trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Năm nay, vào tháng 5 – nắng ấm trên quê hương thứ hai này, “Tuần Tin Quê Hương” vừa tròn 20 năm tuổi đời, tràn đầy sức sống. Vì thế, dù cho báo đã tạm dừng bốn năm về trước với số 368 (ngày 28/02/2014) nhưng trong tôi con tim vẫn thức hoài theo chiều dài 16 năm trời cuộc đời làm báo cộng đồng (1998-2014) cùng đồng nghiệp “lao tâm khổ tứ” vun vén ý tưởng xây đắp “Tuần Tin Quê Hương” là “người bạn của mọi nhà” thành hiện thực – ngàn năm đâu dễ phôi phai.
Hôm vừa rồi, ngồi bên “Tuyển tập” “Tuần Tin Quê Hương: từ số 1 đến số 368, dày “cộm” khoảng trên 16000 trang báo khổ A3, chưa tính 4 trang bìa (có lẽ chỉ tôi mới có). Lật ngược thời gian, từ số báo đầu mỏng manh 16 trang, đen trắng tới số 5 tăng lên 26. Sau đó theo thời cuộc mỗi ngày một đi lên lẫn nguyện vọng của bạn đọc gần xa thiết tha yêu cầu, số trang theo nội dung lên nhanh 36, 44 và 48 – thêm bìa nữa là 52 in màu toàn diện cả trong lẫn ngoài. Rồi mới đầu chỉ là Bản tin của cộng đồng Việt Nam tỉnh Kharkov, Ucraina, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, Ucraina. Qua một thời gian không xa, với nội dung phong phú, mở rộng đến cộng đồng Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập ở nhiều thành phố khác tại Ucraina lại được Ban lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev công nhận, bắt đầu từ số 64 “Tuần Tin Quê Hương” trở thành cơ quan ngôn luận và tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Ucraina, với ý nghĩa cao quý, gần gũi “người bạn của mọi nhà”. Thêm nữa, số lượng phát hành buổi đầu mới có 400, tăng dần lên 700, tiến nhanh lên 1000. Báo đến tay độc giả, ngoài Kharkov còn chuyển lên Kiev, tới Kherson và đến tận thành phố cảng Odessa, cả về Việt Nam, trong đó có Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài như thể thay lời báo cáo công tác báo chí ở hải ngoại, luôn hướng về cội nguồn – nơi tuổi thơ ta dệt bao ước mơ muốn trở thành nhà báo.
Nhớ những lần gặp gỡ khách từ Việt Nam sang, từ nước thứ ba và các thành phố khác tại Ucraina đến Kharkov, khi có trong tay tặng phẩm “Tuần Tin Quê Hương” đều phát biểu cảm tưởng ngắn gọn bằng lời có “cánh”: báo phong phú về nội dung, đẹp đẽ về hình thức xứng tầm với báo chuyên nghiệp. Nghe xong, phấn khởi, tự hào đã đành mà còn nhận ra ngay những nguyên nhân tích cực dẫn đến thành quả tốt đẹp ấy là công sức đầu tư của những người sáng lập như: ông Phạm Nhật Vượng, ông Lê Viết Lam, là cái tâm làm báo của Ban biên tập, của cộng tác viên, là tình yêu không thể thiếu của bạn đọc gần xa. Nhân đây, xin ghi lại một đoạn cảm nghĩ của nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ucraina Đoàn Đức trong thư Chúc mừng số 100, đăng tải trên số đặc biệt 100 (20/07/2002) “…Trong tủ tư liệu của tôi có từ số 1 đến số 99 của “Tuần Tin Quê Hương”. Tôi đã có đầy đủ cơ sở và tư liệu để nhận xét một cách khách quan sự phát triển về lượng và chất của “Tuần Tin Quê Hương”, sự trưởng thành và tiến bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, về cái Tâm “làm nghề” của Ban biên tập nói chung và ông Tổng biên tập nói riêng”. Thêm nữa trên bìa 4, số báo này còn in đậm nét chân dung tập thể những người làm báo đương nhiệm và tâm tư tự đáy lòng họ. Đó là Tổng biên tập Nguyễn Trọng Cơ: “Tôi nguyện hiến dâng tình yêu và sức lực cho tờ báo cộng đồng; Phó TBT Đặng Minh Trường: “Tuần Tin Quê Hương” là nguồn động viên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc là các BTV Đỗ Thị Thanh Hà: “tôi luôn cố gắng học hỏi mọi người”; Vũ Huy Dương: “Hãy châm trước cho những người làm báo nghiệp dư”; Nguyễn Hoàng Nam: “Được làm việc cho báo là một niềm vinh dự”; Lê Viết Hà Minh: “Đối với tôi, viết báo không những chỉ bằng khối óc mà còn phải bằng cả trái tim”; Võ Hoài Thanh: “Mong độc giả có những giây phút thú vị với Tuần Tin Quê Hương”. Vậy thì với sự đồng tâm, nhất trí cao độ đó, lẽ nào không làm lên tất cả!
Đại sứ Đoàn Đức tặng bằng khen cho những người đầu tiên có công sáng lập và BBT TTQH.
Nhớ mãi lần “bạo mồm, bạo miệng” hứa sưu tầm tư liệu viết “Lịch sử cộng đồng Kharkov qua những tháng năm”. Chợt nghĩ lại thấy hơi vội bởi “Tuần Tin Quê Hương” đã là những trang sử ghi lại hết thảy những sự kiện “muôn hình, muôn vẻ” diễn ra ở nơi đây.
Đến hôm nay, đã 4 mùa Xuân “Tuần Tin Quê Hương” vắng bóng trên thương trường báo chí cộng đồng. Nhiều đêm thao thức thâu canh nhớ nhung những người đã cùng tôi chung tay vun đắp “Tuần Tin Quê Hương” thành mái nhà chung cho ai muốn gửi gắm tâm hồn mình qua vần thơ, áng văn. Nhiều hôm ước muốn cuộc hội ngộ tao khang với ai đã bén duyên nhau trên trang báo cộng đồng vào ngày TTQH tròn hai mươi tuổi. Nhưng “lực bất tòng tâm” cộng thêm còn nhiều khó khăn khách quan khác nên đành tạm dừng. Chờ thời. Để rồi trong thâm tâm tôi lúc nào cũng… đời đời nhớ mãi những người đầu tiên đã cùng tôi trong một con thuyền báo chí từ Kiev, Odessa, Kherson đến Kharkov này
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” – Kharkov tháng 5 - 2018