Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nét đẹp bền lâu và lắng sâu

Thứ hai, 23/07/2018 | 12:37
(27 tháng 7 - Ngày thương binh liệt sĩ)

Đã bao năm rồi “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu” thanh bình lặng lẽ và đồng bào ta yên ổn làm ăn dưới bầu trời trong sáng, với niềm vinh hạnh lớn lao là một nước nhỏ đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ, góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Và rồi để có được vị thế mang tầm vĩ mô ấy, ai cũng hiểu đấy là công lao to lớn cũng như sự hy vinh dũng cảm phần nhiều vì độc lập tự do Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân của anh bộ đội Cụ Hồ.
Vâng, quay lại thời gian khói lửa chiến tranh “Một mất một còn” ấy, đã có bao người quần nhau với giặc tới giọt máu cuối cùng của đời mình làm cho mẹ phải khóc thầm lặng lẽ, đã có bao người “Ngày trở về, anh bước lê/ Trên quãng đường đê đến bên lũy tre ...” biến thành nỗi đau chung cho mọi người. Để rồi, hàng năm vào ngày 27 tháng 7 - Ngày thương binh liệt sỹ, tất cả chúng ta ở quê nhà hay hải ngoại đều tưởng nhớ, ghi nhận, biết ơn và tri ân họ. Trong đó tính cả những ai đã từng khoác áo lính “ ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”.
Nhân chủ đề “Sâu nặng tình nghĩa” này, nghiên cứu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969), tôi thực sự cảm kích trước sự quan tâm sâu sắc của Người trong tình thương yêu bao la với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội: “Đối với các liệt sĩ, Bác dăn dò: Mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm, ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương và hợp tác xã phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Với những người trẻ tuổi tham gia bộ đội, thanh niên xung phong là những người đã được rèn luyện trong chiến đấu, có lòng dũng cảm và tương lai của họ còn dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cử họ đi học thêm các ngành nghề, đào tạo họ thành những người có chuyên môn giỏi, có tư tưởng tốt và lập trường vững chắc. Người cho rằng, họ sẽ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa Xã hội ở nước ta” ( Trích tài liệu chuyên đề “Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chính Minh – 1969 -2014”).
Đọc xong, liên hệ những năm trước đây, sự ra đời Hội cựu chiến binh Việt Nam ở một số tỉnh thành có người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập như Kharkov, Kiev, Odessa… và, năm ngoái thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam toàn Ucraina để thống nhất tiêu chí hành động là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha từ con tim biết yêu thương của anh bộ đội cụ Hồ trên chiến trường khói lửa năm xưa, nay lại có trên thương trường sôi động, để cùng nhau giữ vững và phát huy truyền thống “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến mà cũng anh dũng trong hòa bình” như Bác Hồ đã khẳng định trong bài phát biểu chào mừng tại buổi chiêu đãi trọng thể nhân kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam tròn hai mươi tuổi vào ngày 22 tháng 12 năm 1964.
Nhiều năm qua, những lần dự lễ hội kỷ niệm ngày Thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà (30-04) , ngày Thương binh liệt sĩ (27-07), ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) … do Hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh Kharkov tổ chức nhằm hội tụ những người từng đứng trong quân ngũ cùng nhau ôn lại một thời đã qua, củng cố thêm tình đồng chí trong thời gian tới để vượt qua mội khó khăn, gian khổ vươn lên tầm cao mới khiến tôi cảm thấy mình như đang hòa nhập và đồng hành với họ trên chặng đường dài tiếp theo nơi đất khách quê người. Đặc biệt những lần phối hợp với Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov tổ chức gặp gỡ thân mật với các cựu chiến binh Liên xô (cũ) ở Kharkov, từng công tác tại Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta còn giữ nguyên trong ký ức mỗi người.
Từ khía cạnh này, nhớ năm đầu tiên tới Mátx-cơ-va học tiếng Nga. Một lần bên tượng đài “Ngọn lửa vĩnh cửu”, tôi làm quen với một cựu chiến binh Liên Xô. Đoán tôi là người Việt Nam, ông ta bước lại gần bằng đôi nạng và hỏi luôn: “Việt Nam hả? Tôi rất hiểu các bạn. Tôi t ham gia chiến đấu và bị mất một chân trong chiến tranh. Chúng tôi rất lo lắng và cảm thông khi Hà Nội bị ném bom. ” Vâng, người cựu chiến binh ấy bị mất một chân trong chiến tranh. Đó là một cái giá rất đắt. Nhưng nhờ vậy, bây giờ trẻ thơ đang cắp sách đến trường, nụ cười hồn nhiên vui vẻ, nô đùa quanh chúng ta. Hạnh phúc biết mấy, là nhờ phần nhiều vào công lao của những người thương binh, liệt sĩ ấy.
Giờ đây, sống xa miền quê hàng vạn dặm đường, tôi thường tự nhủ nhớ về cội nguồn - Nơi ta sinh ra và lớn lên, nhớ công nuôi dưỡng sinh thành mới có ta ngày hôm nay. Nhất là, không thể mờ phai tấm gương hy sinh dũng cảm của anh bộ đội Cụ Hồ - Có người ra đi không bao giờ trở lại, có người trở thành anh thương binh sống đời hòa bình, vì độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn và hạnh phúc nhân dân. Để rồi, mỗi năm vào ngày thương binh liệt sĩ (27 tháng 7) nét đẹp sáng ngời chân lý ấy sẽ bền lâu và lắng sâu hơn trong tâm hồn những đứa con Đất Việt, sẽ giữ mãi muôn đời sau qua nhiều thế hệ biết tiếp thu và phát huy truyền thống tốt đẹp “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng Hành” - Kharkov, tháng 7 năm 2018


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN