Nhắc lại những gì đã qua, chắc mọi người còn nhớ: Đầu năm 2020, khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu tiếp tục kéo dài, thêm dịch Covid-19 vừa mới nhen nhóm đã phong tỏa khắp chốn mọi nơi, ảnh hưởng trực diện cuộc sống yên lành của nhân loài. Trong đó có trên dưới 10 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên quê hương thứ hai - UCRAINA. Riêng Kharkov, chừng hơn 1000 gia đình mưu sinh ở Trung tâm thương mại Барабашова - nguồn sống chính của dân chợ búa chúng tôi. Năm ngoái, nếu ai đã từng đến Trung tâm thương mại Барабашова - khu chợ bán buôn, bán lẻ lớn nhất miền Đông Ucraina và cả châu Âu nữa mục sở thị nhiều tháng ngày cảnh chợ “vắng như Chùa Bà Đanh” chắc hẳn cảm thông ngay “nỗi buồn không của riêng ai” ấy của những ông chủ bà chủ người Việt Nam lẫn dân địa phương, phải bằng lòng với những buổi chợ mà mới giữa trưa đã như về chiều hoặc sáng vội vàng bày hàng, cả ngày túc trực, nụ cười nở trên môi chào người mua hàng, chiều tất bật dọn về tay không. Ngày hôm sau vẫn vững bước mà đi. Không một lời than vãn vì tự hiểu rằng, không ai lo cho mình bằng chính mình.
Chắc ai cũng biết, năm 2020, hai chuyến bay Tình nghĩa cuối tháng 3 và thương mại cuối tháng 8, số ít người quá lo toan phận mình sẽ ra sao khăn gói lên đường về quê, hy vọng đổi đời nhưng cuối năm lác đác xuất hiện người khứ hồi. Vừa tốn kém tiền bạc, vừa để trôi mất đi thời gian, bởi tuổi đời đã cao, trong tay lại không sẵn đồng tiền hoặc bên này, vợ trẻ ngóng trông, con cái còn nhỏ, chưa đến tuổi trưởng thành.
Số đông trụ lại phần lớn biết mình là ai, hiểu rõ những gì có hôm nay bắt đầu từ đâu. Hơn nữa, gia đình lớn người Việt ở Kharkov này đã quần tụ, sát cánh bên nhau qua bao tháng ngày “lá lành đùm lá rách”, chung một tấm lòng, gốc gác là công nhân sang đây theo hiệp định kinh tế được ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô cũ.
Cuối năm 1982 là nhà máy Thủy lợi, Búa Liềm vào đầu năm 1983.
Những ngày mùa xuân 2021, tháng giêng là tháng nghỉ ngơi nhưng chợ búa vẫn thu hút mọi người: “Vì ngồi nhà quanh bốn bức tường buồn lắm. Hơn nữa, gắn bó với chợ còn là cái nghiệp của chúng em khi đã tự nguyện và cảm thấy đời thăng hoa khi hằng ngày tiếp cận, gần gũi, tâm sự, chuyện trò với đồng nghiệp xung quanh là dân chợ búa” như lời kể của Th, khi gặp em tôi đặt câu hỏi: “Vì sao?”
Gần đây, thấy lại dấy lên chiều hướng “về quê”. Lúc đầu đông người đăng ký, sau giảm dần với nhiều nguyên cớ khác nhau.
Gặp Th thui thủi một mình bên công hàng, vắng bóng người mua, vui vẻ chào em xong tôi đặt vấn đề mang tính thời sự nóng hổi:
- Tình cảnh chợ búa "đuội" thế này, chưa biết ngày nào trời hửng sáng, em có định đưa các cháu về không?
Nghiêm túc lắc đầu, Th trải lòng:
- Mỗi người có riêng mình hoàn cảnh gia đình lẫn quan niệm sống, tự lo liệu cho bản thân. Còn em, trước khi quyết định làm việc gì đấy dù nhỏ hay lớn cần suy nghĩ chín chắn, cân nhắc được mất những gì. Kẻo hấp tấp, vội vàng hối hận đã muộn phải không anh? Thấy tôi còn im lặng, mải mê trong suy tư, em bộc bạch tiếp: em tin rằng mai này, khi kinh tế thế giới lẫn nơi mình đang sống sẽ đổi thay, dịch bệnh cũng sẽ qua đi theo quy luật tự nhiên. Hơn nữa, cháu trai lớn nhà em đã tốt nghiệp cao học, đã đi làm ở Kharkov, cháu gái học xong trung học phổ thông đều là công dân UCRAINA, còn em, thẻ định cư hợp pháp dài lâu, có căn hộ riêng. Củng cố gia đình hội nhập dần vào cuộc sống dân bản xứ thì đi đâu bây giờ ngoại trừ trụ lại nơi đây. Nhớ cội nguồn, chờ ngày về quê anh à!
Thấy Th tâm sự quá hợp lý hợp tình, tôi ngỏ lời động viên em như thể an ủi chính mình: năm 2021 này đang và sẽ có nhiều đổi thay sáng ngời. Và chợt thấy đôi mắt đen láy của đối tác đang hướng về phía tôi, tôi nói tiếp: cho chúng ta, có anh và em gần nhau hơn...
Nguyễn Trọng Cơ
Bạn Đồng hành _ Kharkov. Tháng 1/2021