Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Mùa Thu nhớ Bác – Cả cuộc đời vì nước, vì dân

Thứ tư, 05/09/2018 | 12:02
Hằng năm, cứ mỗi độ Thu về, cả đất nước lặng người trong nỗi đau vô tận: Hồ Chủ tịch mà nhân dân Việt Nam kính trọng gọi là Bác Hồ ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại nỗi nhớ niềm thương chẳng thể nguôi ngoai cho cả dân tộc.

Quên sao được, 49 năm về trước: ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, nhân dân cả nước ta bàng hoàng, xúc động nghe qua đài loa phóng thanh mắc trên khắp phố phường, giọng nói đau buồn của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, báo tin: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta không còn nữa. Đau thương này thật là vô hạn, tổn thất này thật là lớn lao…” Thế là, không còn nghi ngờ gì nữa, Bác đã đi xa thật rồi.

Mấy chúng tôi ngồi âm thầm, lặng lẽ bên nhau lắng nghe tin tức qua làn sóng, nhức nhối con tim. Không ai nói một lời bởi còn gì để nói nữa khi trong ngôn từ của nhân loại chẳng còn lời nào xúc tích hơn để có thể mô tả trọn vẹn cơn đau xé lòng của mỗi chúng tôi, của mỗi người dân đất Việt đang “Rưng rưng khóc mắt nôn nao nhớ Người”. Mãi sau, anh bạn yêu thơ trẻ tuổi trong số chúng tôi lấy trong cặp tập thơ Việt Bắc chậm rãi nói:

- Trong văn thơ hiện đại Việt Nam, có thể khẳng định một trong những tác phẩm thể hiện khá phong phú và sâu sắc hình tượng Bác Hồ qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Và sau này “Từ ấy” cũng của nhà thơ nổi tiếng ấy được xếp loại hàng đầu. Đọc hết từng bài thơ, ngẫm nghĩ lại tự hỏi mình: Những vần thơ đẹp về Bác có mấy ai làm được như Tố Hữu! Trên đời này có ai may mắn hơn người khác được sống gần Bác từ ngày đầu Cách mạng như thi sĩ! Để rồi tâm hồn cộng với tài năng Tố Hữu đã phản ánh được khá đầy đủ tấm lòng ngưỡng mộ của nhân dân ta đối với vị anh hùng dân tộc “Hồ Chí Minh rực rỡ tên Người”.

Còn tôi, ngay từ ngày ấy vẫn ấp ủ suy tư một ngày không xa, đặc biệt sau ngày Bác ra đi, đau thương này ngoài văn thơ ra, thêm sân khấu, điện ảnh sẽ có nhiều tác phẩm về Bác phong phú nữa. Và, thế là chỉ qua đi một năm, chúng ta vinh dự, tự hào đón nhận từ tay các nhà điện ảnh CuBa bộ phim tài liệu đồ sộ nhan để “79 Mùa Xuân”. Với những tư liệu thực tế và chi tiết, bộ phim kể lại cho người xem khá trọn vẹn cuộc đời vì nước, vì dân của Bác từ buổi đầu ra đi từ Làng Sen xứ Nghệ, bôn ba nơi hải ngoại tìm đường cứu nước đến ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (1941). Sau đó, Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, vùng lên giành chính quyền từ tay sai quân phiệt Nhật (8-1945). Rồi 9 năm trường kì kháng chiến gian khổ và lâu chống thực dân Pháp trở lại xâm chiếm tới năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp “Hòa bình lập lại, ngày mai sáng ngời”. Song, tiếc thay, đây cũng là cái mốc buồn tủi, đánh dấu sự chia cắt đau thương của hai miền Nam – Bắc qua dòng sông Bến Hải. Tiếp đến, Bác lại cống hiến tài năng và trí tuệ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho tới giây phút cuối cùng của đời mình. Cảm ơn những người CuBa anh em, một dân tộc bất khuất, kiên cường đã cùng nhân dân ta chia sẻ niềm thương nhớ Bác. Một con người giản dị mà vĩ đại ấy được thế giới kính cẩn, nghiêng mình. Bởi:

Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn bọc trăm dòng máu nhỏ.

79 mùa Xuân, Bác trọn vẹn dành cuộc đời mình cho giang sơn, gấm vóc của Tổ quốc Việt Nam, cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc ấm no của nhân dân. Đặc biệt, với các cháu thiếu niên, nhi đồng dường như Bác gói trọn muôn vàn tình yêu cho mầm non đất nước ấy. Ngay sau ngày hòa bình vừa lập lại ở miền Bắc, Tết Trung Thu năm 1954, qua thư thăm hỏi các cháu nhi đồng trong cả nước, Bác căn dặn: “Trung Thu này là Trung Thu hòa bình đầu tiên sau 8,9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu.

Trăng Thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam.

… Đến ngày Nam Bắc một nhà,

Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng”

Thể hiện tình cảm của mình với đồng bào Nam bộ, Bác vẫn thường nói: “Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Và, tuy không sống tới ngày đại thắng nhưng trước đó, trong di chúc 10/05/1969 Bác khẳng định: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.

… Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.

Và, giờ đây, niềm tin và hy vọng của Bác bấy lâu nay đã trở thành hiện thực: Nước CHXHCN Việt Nam tươi đẹp đang vững mạnh bước lên trên con đường mới trong tương lai sáng ngời.

Nhớ Bác, ai cũng bồi hồi xúc động với mong mỏi thiết tha: “Cho con được ôm hôn má Bác/ Hôn chòm râu mái tóc bạc phơ”.

Từ ngày xa quê hương đất nước, đâu chỉ phải mùa Thu mà mỗi lần nhớ về miền quê, nơi sinh ra và lớn lên, lòng tôi lại man mác nhớ Bác muôn vạn lần hơn lên. Người không chỉ là nhà lãnh đạo, nhà cách mạng, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc mà còn là một nhà thơ tầm cỡ. Ngoài “Nhật ký trong tù” nổi tiếng, Bác còn viết nhiều bài thơ tuyệt tác khác từ ngày đầu hoạt động cách mạng đến những ngày cuối của cuộc đời mình. Năm 1968 Bác viết:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,

Tiến lên! Ta cùng con em ta!”

Đêm nay cũng như bao đêm khác, tôi trăn trở suy tư về đất nước. Nhớ Bác khôn nguôi khi mùa Thu về, tôi càng thấm thía hơn công lao trời biển và tình cảm mênh mông của Bác đã dành: Cả cuộc đời vì nước vì dân!

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 9-2018