Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Mùa đông về càng nhớ em nhiều hơn

Thứ bảy, 07/12/2019 | 01:24
Mấy năm qua, nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập khó khăn nhiều hơn thuận lợi, dù đang phục hồi dần vẫn ảnh hưởng không ít tới người buôn bán kinh doanh tại chợ, nhất là mùa đông giá lạnh lại tăng lên gấp bội. Nhưng như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, có mấy ai kể cả người Việt mình vắng mặt tại Trung tâm thương mại Барабашова - Thương trường sống động như chiến trường ấy!

Và tôi nữa, tính đến hôm nay đã có thâm niên 27 năm trời đằng đẵng của một kiếp người theo dòng đời đua chen nơi chợ búa từ chợ Trung tâm đến Trung tâm thương mại Барабашова! Sự ồn ào náo nhiệt ấy đã hòa vào máu thịt trong tôi tự bao giờ. Đành rằng mưu sinh cho hôm nay và mai sau mà còn là cái duyên phải chiều từ thuở ban đầu đến với nơi “phồn hoa cát bụi” nữa. Bởi thế cho nên, ngày nào vắng mặt tại chợ dù cho do hoàn cảnh khách quan hay chủ quan tôi đều cảm thấy như mất đi một cái gì đó rất đỗi thân thương, quen thuộc trong cuộc sống.

Xin được chia sẻ một kỷ niệm êm đềm trong kí ức dân chợ búa, qua đi không bao giờ trở lại nữa. Để rồi, mỗi lần mùa đông về tuyết rơi, càng nhớ em nhiều hơn.

Nhớ Tháng hai đầu năm trước, “rét về Kharkov”, đang lững thững dạo quanh dãy chợ trong HN - Thuộc khu chợ hữu nghị của “Hội đồng hương Việt Nam”cũ, chợt nghe thấy tiếng cô gái nào đó rõ mồn một bên tai:

-Anh tìm ai đấy! Lại đây với em uống chén chè cho ấm người đã nào!

Vội dừng chân, hóa ra Th - người thiếu phụ ở tuổi hồi xuân, sống cô đơn nuôi con, bận trăm công nghìn việc chưa kịp “đi bước nữa”. Quen thân từ lâu, giọng vui tôi trả lời ngay:

-Em chứ còn ai! Nói rồi, bước lại gần Th lòng thanh thản hẳn.

Nhanh tay lấy cốc rót nước chè cho cả hai, tranh thủ hỏi han đôi điều công việc, sức khỏe của tôi xong đâu đấy, Th dốc bầu tâm sự:

- Anh tính, chợ đầu Tết Dương đã kém, sau Tết cổ truyền dân tộc càng tệ hơn. Khi mùa đông giá lạnh kéo dài, nhiều hôm về “tay không”. Trong khi đó phải chi phí “trăm thứ bà rằn”, lấy đâu ra hả anh, nếu như cứ kéo dài thêm tình trạng không tìm ra lối thoát khác?

Biết động viên cũng bằng thừa vì mỗi người có riêng mình cuộc sống, nhưng tôi vẫn “cố” an ủi Th.

- Mùa đông năm nào chả vậy hả em. Hơn nữa, thời nay kinh tế toàn cầu còn đang suy thoái, nội tình nước sở tại còn chưa tự vực dậy được. Nhưng anh tin rằng, sau mùa đông buồn tẻ, mùa xuân ấm áp sẽ đến mang đến cho nhân loài niềm vui, một khi con người có niềm vui và hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Vuốt nhẹ mái tóc đen xanh rờn, vờn trên đôi vai chắc lẳn của mình đã từng trải nghiệm nơi chợ búa, Th cũng trải lòng:

- Em cũng nghĩ thế. Bởi đeo đuổi công việc này từ ngày khai sinh lập địa ra Trung tâm thương mại Барабашова (1996) đến nay, với bao thăng trầm của thời cuộc lẫn mảnh đời riêng tư (ý nói chia tay người chồng bội bạc) vẫn trụ lại tới giờ có nghĩa là cái duyên của em đến với nó vẫn ấm tình lắm phải không anh?

Vội gật đầu cho “vừa lòng em”. Thoáng qua đôi mắt dịu hiền đen láy với hàng mi dài cong rực rỡ niềm tin, con tim chợt rung động cùng tấm lòng bồi hồi, xao xuyến tôi lựa lời khen:

- Và, chưa buổi nào em vắng mặt ở chợ. Thậm trí nhiều hôm “độc nhất vô nhị” ở khu bán giày dép này. Vì sao?

Dường như chỉ chờ tôi hỏi vậy, giọng ngọt ngào Th vào đề ngay:

- Phần vì tham công tiếc việc theo suy tư “câu dầm sẽ thắng quả”. Hơn nữa, ràng buộc mình với nghề kinh doanh lại bỏ chợ hóa ra tự “đầu hàng” à! Ngừng một lát, Th thổ lộ tiếp: nói vậy thôi chứ đôi khi “lực bất tòng tâm” là lúc không có một bóng khách từ sáng sớm đến quá trưa, mặt mũi chân tay cứng đờ như đá thì dù quyết tâm đến mấy cũng đành phải “bỏ cuộc” để đảm bảo sức khỏe cho ngày mai, kể cả “lỗ” cũng cố “cam chịu” chờ thời bù lại. Có lẽ nhìn thấy đôi mắt tôi mở tròn thán phục những con người như thế ấy, Th bộc bạch thêm: một khi con người ta biết hy vọng và đợi chờ vào ngày mai sáng ngời, lại chăm chỉ, bền bỉ, dẻo dai nơi chợ búa, chắc chắn sẽ được trời đất “phù hộ độ trì”, nhất định sẽ lấy lại được những gì bị mất trong mùa đông băng giá, kể cả cuộc đời gian truân. Anh có nghĩ thế không?
Vừa nghe hết câu tôi liền ủng hộ:

- Quan điểm của em về mối quan hệ giữa con người và cuộc sống cũng như định lý về thuyết nhân quả rất trùng hợp với suy tư của anh. Định nói thêm, vừa lúc có một người đàn ông địa phương vội vã bước tới. Thử vài đôi giầy da cao cổ, chọn một. Thỏa thuận giá cả rất thông thoáng, mua luôn. Chờ vị “khách hàng là thượng đế” đi khỏi, tôi liền nói, câu “dầm” là như thế đấy, phải không em?

Đôi môi thoáng nở nụ cười, Th hưng phấn đáp:

- Thì anh tính “có công mài sắt có ngày nên kim” mà. Vả lại, với em từ đầu mùa đông đến nay, ngày nào cũng như này nào, chịu đựng cái rét buốt lạnh trên 10 dưới 20 độ âm thì cũng xứng đáng quá đi chứ anh.

Nhìn em tôi vui lây, thấy ấm lòng vào mùa đông, tuyết rơi nơi xứ người này.

Chần chừ định nán thêm thời gian chia sẻ thêm cái rét “ngọt” thấu xương với Th - “Cô chủ” cửa hàng giầy dép này. Nhưng tiếc thay, mặt trời đã khuất. Nhìn quanh, nhiều cửa hàng vắng chủ, con đường qua lại vắng người mua, nên tôi đành lưu luyến tạm biệt em.

Đầu năm nay tuyết rơi nhiều. Muốn đến thăm Th. Nghe tin em đã “Về quê để hoàn thiện cuộc đời riêng tư” đành thôi. Ngắm cảnh mùa đông lạnh lùng, nhớ em, lòng buồn rười rượi.

Gần đây, thứ 3 (mồng 3 tháng 12), tuyết trắng rơi đầu mùa. Tuy vắng Th ở khu chợ bán giầy, tôi vẫn đi qua “Càng nhớ em nhiều hơn” - người thiếu phụ Việt Nam mang những nét đẹp cần cù chăm chỉ làm ăn “đảm đang việc nhà” mà tôi từng gặp gỡ, tâm sự giữ mãi trong tâm khảm.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành”_Kharkov. Tháng 12-2019