Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Một vài suy tư: Con đường hội nhập

Thứ sáu, 12/06/2020 | 14:14
Với tôi, số phận đưa đẩy thế nào ấy, sau 5 năm “dùi mài kinh sử” (1973-1978), cầm trong tay tấm bằng Cử nhân lại cư trú, lập nghiệp tại Kharkov-Ucraina, tồn tại và ổn định đến tận bây giờ.

Ngần ấy tháng ngày trong tôi luôn vương vấn một suy tư: Một khi tính chuyện mưu sinh dài lâu nơi đất khách quê người nhất thiết phải tìm cách từng bước hội nhập vào cuộc sống chung của dân bản xứ mà chiếc chìa khóa “vô hình” có thể mở được cửa sổ tâm hồn con người đến với nhau bằng tình yêu bao la, vượt qua biên giới, trước hết cần kể tới, đấy là ngôn từ. Bởi lẽ nữa, giờ đây, trên quê hương thứ hai UCRAINA này, hàng nghìn gia đinhg người Việt đang sinh sống, làm việc cũng như thế hệ con cháu mai sau sẽ còn bước tiếp trên con đường chúng ta đi. Chờ ngày “về quê”... đằng đẵng nỗi nhớ mong.

Tâm đắc chủ đề hội nhập, mang tính thời sự nóng hổi, tôi thường trao đổi với bạn bè thân cùng dân chợ búa để chia sẻ cho nhau từ tấm lòng những đứa con xa xứ. Dĩ nhiên, chủ yếu qua làn sóng điện thoại vì Карантин vẫn còn thời hạn.

Hôm vừa rồi, tháng 6 vào hè trời nắng nóng hừng hực như đổ lửa, đang cánh cánh bên lòng nỗi buồn cảnh chợ Барабашова “lạnh lẽo”. Hàng vụ hè sắp qua, vắng bóng người mua, chợt chuông điện thoại reo bản nhạc “ca dao em và tôi”, vội áp tai nghe. Giọng nói quen thuộc từ đầu dây bên kia: Vũ Đức Chính - bạn đồng niên, đồng hành một thời sinh viên, một thời chợ búa đầy thử thách lẫn gian truân, thân mật hỏi:

- Công việc thế nào!

Cười thầm, tôi lẹ làng chào xong rồi đáp:

- Có việc gì đâu. Карантин, ngồi nhà buồn hơn “chấy cắn” đây này! Còn cậu?

Vội trả lời “Bình thường thôi”, Chính liền nhắc tôi:

- Cậu đừng quá lo lắng, buồn phiền mà ảnh hưởng tới tinh thần lẫn sức khỏe đó. Chúng tôi im lặng, vững niềm tin anh bạn nói tiếp: cậu chả đã thấy mấy tháng qua dịch Covid-19 nặng nề bao trùm toàn UCRAINA nhưng dân địa phương phần lớn vẫn bình tĩnh, đợi chờ “cái gì đến sẽ đến” đấy ư. Đau xót hơn nữa, tính từ ngày 12 tháng 3 bắt đầu Карантин đến nay, nhà trường vắng bóng trẻ thơ, tuổi trẻ thiếu công ăn việc làm cùng người người già không còn nơi an dưỡng,... nhưng niềm tin vào ngày mai sáng ngời vẫn rạng tớ trên khuôn mặt ở mọi lứa tuổi khác nhau, thì sao chúng ta đã, đang và sẽ vững bước trên mảnh đất này, không hòa nhập vào không khí ấy để tồn tại.

- Có nghĩa là hội nhập chứ gì! Tôi phấn chấn nói như tự giải đáp.

- Đúng thế. Từ đầu dây bên kia Chính đáp gọn khẳng định.

Mừng rơn “hợp ý bạn”, tôi hắng giọng thổ lộ:

- Đấy cũng là điều tớ hằng quan tâm từ lâu và luôn thực hiện từng bước để nhớ mình là ai, đang ở đâu và làm gì. Thấy bạn chú ý lắng nghe tôi trình bày ngắn gọn một vài điều cơ bản cần hội nhập về cách sống làm người từ “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thẳng thắn, nghiêm túc và thật thà trong cách đối nhân xử thế, hoặc đã nói thì làm chứ đừng “nói một đằng, làm một nẻo” hay nói trước quên sau... Trước khi dừng lời, tôi đặt vấn đề, muốn thế phải học, phải đọc, biến thành của riêng mình và linh hoạt ứng xử vào từng trường hợp cụ thể cho “vừa lòng nhau” phải không bạn?

Đồng tình với cách nghĩ của tôi, Chính trải lòng thêm:

- Kể cả người Việt mình, dù sống ở quê nhà hay hải ngoại, lời nói và tấm lòng phải hòa nhập làm một “nghĩ nào nói vậy”, không dối trá lọc lừa bằng lời hay ý đẹp. Nhất là cách đại gia thành đạt đã hứa hẹn bằng ngôn từ phải thực hiện bằng hành động, “đồng tâm nhất trí” thì mới tạo nên được tình bạn thủy chung, tình yêu chân thành, gia đình hạnh phúc.

Nghe Chính tâm sự đôi điều về thời cuộc, nặng trĩu trong tôi nhẹ đôi phần. Cảm ơn anh bạn thân “gốc” sinh viên thuở ấy. Hẹn gặp lại sau ngày Карантин.

Viết mấy dòng cảm nghĩ vào những ngày này, khi dịch Covid-19 chưa chấm dứt, khủng hoảng kinh tế thế giới đang bắt đầu, tôi nhận thấy sự hòa hợp ngôn ngữ và hành động giữa người Việt với nhau, đặc biệt sự hội nhập giữa người Việt và dân bản xứ trên mọi phương diện để giúp nhau vững bước mà đi càng cần thiết phải không các bạn?

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành”_Kharkov. Tháng 6-2020.


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN